VnReview
Hà Nội

Nghiên cứu mới: Nếu không cách ly, dịch Covid-19 có thể giết chết 40 triệu người năm nay

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Hoàng gia London nói rằng nếu không có những biện pháp như giãn cách xã hội (social distancing), COVID-19 có thể giết chết 40 triệu người trong năm nay.

covid

Đại dịch COVID-19 có thể cướp đi nhiều nhất khoảng 20 triệu sinh mạng trên toàn cầu trong năm nay, kể cả khi mọi người thực hành các biện pháp giảm tiếp xúc xã hội – đó là kết luận thu được từ một mô hình toán học được phát triển bởi Đại học Hoàng gia London.

Mô hình này chỉ ra rằng, nếu không có các biện pháp giãn cách xã hội, bệnh dịch có thể giết chết đến 40 triệu người trên toàn thế giới; nhưng con số đó sẽ giảm đi một nửa nếu chúng ta giảm tần suất các cuộc hội họp xã hội đi 40% và người lớn tuổi hạn chế các hoạt động tương tác đi 60%.

Các nhà nghiên cứu còn nói rằng các biện pháp giãn cách xã hội càng được thực hiện gắt gao, số người tử vong vì COVID-19 sẽ càng giảm xuống, đồng thời cảnh báo rằng "mọi chính phủ" sẽ phải đối mặt với "những quyết định đầy thách thức" trong những tuần và tháng tới xoay quanh thời điểm triển khai và mức độ cứng rắn của biện pháp giãn cách xã hội, cũng như quãng thời gian mà từng quốc gia có thể triển khai những biện pháp đó.

Các nhà khoa học tính toán rằng nếu biện pháp giãn cách xã hội được triển khai trên quy mô lớn hơn nữa, một cách kịch liệt hơn nữa, từ sớm và được duy trì tốt – bằng cách cắt giảm 75% tần suất tương tác giữa người với người - ;thì nó sẽ có thể cứu sống được 38,7 triệu người.

Trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học còn đưa vào một loạt các kịch bản, như điều gì sẽ xảy ra nếu thế giới không hành động để ngăn chặn virus corona chủng mới – loại virus đã lây nhiễm cho hơn 700.000 người và gây ra cái chết cho cho 34.000 người đến thời điểm này.

Hôm Chủ nhật vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm tỉnh Chiết Giang, kêu gọi các công nhân tiếp tục làm việc nhưng không quên nhắc nhở họ phải chăm sóc sức khỏe cá nhân.

Ngược lại, người đồng cấp với ông ở Mỹ, Donald Trump, quyết định bỏ qua mục tiêu đưa hoạt động sản xuất trở lại bình thường trước lễ Phục sinh, thay vào đó là kéo dài chỉ đạo thực hiện giãn cách xã hội cho đến cuối tháng 4. Ông Trump nói rằng: "Không có gì tồi tệ hơn việc tuyên bố chiến thắng trước trước khi chiến thắng cuộc chiến."

Thông qua dự báo tác động sức khỏe của đại dịch tại 202 quốc gia, các nhà nghiên cứu từ Nhóm phản ứng COVID-19 của Đại học Hoàng gia đã đưa ra được bộ dữ liệu về mô hình tiếp xúc theo độ tuổi và mức độ nghiêm trọng của COVID-19.

"Hướng đi duy nhất để ngăn các hệ thống y tế khỏi sụp đổ trong những tháng tới nhiều khả năng là thực hành nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách xã hội vốn đang được triển khai tại nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất" – nghiên cứu nói.

covid

Những dự báo của Đại học Hoàng gia cho thấy những quốc gia có thu nhập bình quân cao hơn sẽ có số ca tử vong và những gánh nặng lên hệ thống y tế giảm nhiều hơn, nếu họ triển khai các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn. Các nhà nghiên cứu nhận định rằng số liệu nhân khẩu học đa dạng hơn, và các nguồn lực chăm sóc y tế tốt hơn ở các quốc gia giàu có sẽ góp phần tạo nên những khác biệt trong tác động.

Nghiên cứu nói rằng biện pháp giãn cách xã hội quyết liệt sẽ mang lại tác động lớn nhất khi được triển khai sớm.

Và biện pháp này cần được duy trì đến một thời điểm nào đó khi vaccine hay một liều thuốc hiệu quả xuất hiện.

Nhưng các chính phù cũng phải cân nhắc tính bền vững của những giải pháp như vậy. Nghiên cứu không đánh giá chi phí xã hội và kinh tế rộng rãi của các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt.

"Phân tích của chúng tôi tập trung vào những quyết định mang tính thách thức mà các chính phủ phải đối mặt trong những tuần và tháng tới, nhưng nó cho thấy những hành động nhanh chóng, quyết đoán, và đồng bộ đó có thể cứu hàng triệu sinh mạng như thế nào" – các nhà nghiên cứu nói thêm.

Một nghiên cứu riêng được tiến hành bởi các nhà kinh tế từ Đại học Pennsylvania, Đại học Công nghệ Thượng Hải, và Đại học Trung Quốc ở Hong Kong, ước tính rằng số ca COVID-19 sẽ tăng thêm 65% ở 347 thành phố Trung Quốc nếu thành phố Vũ Hán không bị đặt dưới lệnh phong tỏa.

Nhưng cân bằng giữa thời điểm, thời gian dỡ bỏ phong tỏa thành phố, và giảm bớt biện pháp giãn cách xã hội, có thể sẽ khó khăn bởi họ còn phải cân nhắc đến ý kiến cộng đồng và áp lực kinh tế.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London nhận định giãn cách xã hội ở Vũ Hán sẽ phát huy hiệu quả nhất nếu quá trình trở lại làm việc tại thành phố này được trì hoãn cho đến đầu tháng 4.

Trong nghiên cứu của mình, các nhà nghiên cứu nói rằng những thay đổi trong mô hình tương tác nhiều khả năng sẽ trì hoãn được đỉnh của đại dịch và giảm số ca bệnh. Nghiên cứu nói rằng đợt đỉnh thứ hai sẽ diễn ra trong tháng 8, nhưng có thể bị trì hoãn thêm 2 tháng, nếu lệnh đóngcửa trường học và nơi làm việc được kéo dài đến tháng 4 thay vì tháng 3.

Được biết, các quan chức Trung Quốc đã công bố rằng thành phố Vũ Hán dự tính sẽ dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa vào ngày 4/8 tới đây.

Minh.T.T (theo SCMP)

Chủ đề khác