VnReview
Hà Nội

Tranh cãi về thuốc ibuprofen làm lộ ra sự nguy hiểm đáng sợ của những tin đồn về Covid-19

Một cuộc tranh cãi nổ ra trên mạng về việc sử dụng thuốc hạ sốt như thế nào là an toàn đã tiết lộ rằng rất nhiều thông tin mà người ta chia sẻ trên mạng còn thiếu sót, thậm chí là không đúng sự thật.

Hai tuần trước, các cơ quan y tế của nhiều nước và của thế giới, cũng như các chuyên gia bàn giấy hay những cư dân mạng lo lắng thái quá đã chia sẻ các thông tin cảnh báo những người nghi nhiễm Covid-19 nên tránh sử dụng ibuprofen (một loại thuốc kháng viêm, hạ sốt không chứa steroid). Giờ đây, với hàng loạt chứng cứ, những lời cảnh báo trên hoàn toàn bị phản bác.

Những thông tin trên mạng về việc sử dụng thuốc hạ sốt có an toàn hay không lại rất quan trọng và cả những thông tin cho rằng thuốc hạ sốt rất nguy hiểm cũng vậy. Vì những thông tin này tác động trực tiếp đến cách người đọc bảo vệ bản thân trong cơn đại dịch, cũng như cách chúng ta tiếp nhận thông tin về nó.

Tranh cãi trong sử dụng thuốc ibuprofen tiết lộ mối nguy hiểm đằng sau Covid-19

Ảnh: Thomas J. Peterson/Alamy

Các cơ quan y tế phương Tây đang cố gắng thuyết phục người dân rằng những ai cho rằng mình mắc bệnh cần ở yên trong nhà, trừ khi các triệu chứng nặng đến mức cần phải nhập viện để chăm sóc y tế. Vì vậy, việc này dẫn đến vấn đề người dân tự sử dụng các loại thuốc có sẵn tại nhà mà không phải ra hiệu thuốc, đây là một điểm rất quan trọng. Và các nhà nghiên cứu acetaminophen (paracetamol, thuốc hạ sốt) cũng cảnh báo rằng đây không phải là loại thuốc không có rủi ro khi sử dụng, acetaminophen được quảng cáo là loại thuốc hạ sốt phù hợp duy nhất.

Các lời khuyên trên mạng về việc nên tránh sử dụng ibuprofen trở nên phổ biến dựa trên các nghiên cứu có mục đích tốt, nhưng nó đã bị phức tạp hóa do thành kiến và thông tin sai lệch. Các thông tin về cách bảo vệ bản thân trước Covid-19 đang tràn ngập trên mạng đã chứng tỏ rằng dịch bệnh lần này đã trở nên căng thẳng như thế nào, từ đó khiến người dân đổ xô đi vơ vét tất cả những thứ có thể mua trong cửa hàng để bảo vệ họ.

Vấn đề với ibuprofen bắt đầu từ ngày 11/3, các nhà nghiên cứu tại bệnh viện Đại học Basel (Thụy Sỹ) và Đại học Aristotle (Hy Lạp) đã đăng tải một lá thư trên tạp chí y khoa The Lancet Respiratory Medicine. Lá thư này đánh giá ba báo cáo tình hình dịch đầu tiên của Trung Quốc, khảo sát trên gần 1,300 bệnh nhân dương tính với Covid-19. Nhóm tác giả phát hiện rằng tỷ lệ các bệnh nhân mắc kèm bệnh cao huyết áp và tiểu đường khá cao, từ 12%-30%, và giả thuyết nhóm đặt ra là do sự gia tăng của một enzyme khiến tăng khả năng nhiễm virus Covid-19, enzyme này có tên là ACE2.

ACE2 tạo ra một vị trí trên bề mặt tế bào giúp virus corona dễ dàng bám vào và xâm nhập vào cơ thể, sau đó sinh sôi. Bệnh cao huyết áp và tiểu đường được điều trị bằng các loại thuốc có khả năng kháng viêm, hay còn gọi là thuốc ức chế ACE; trái lại, các chất ức chế này lại khiến ACE2 tăng lên. Từ điểm này, nhóm tác giả đã chỉ ra mối liên kết tiềm tàng giữa những người mắc các bệnh mãn tính với việc bị nhiễm virus Covid-19.

Và đó là lý do ibuprofen bị lôi vào cuộc tranh cãi. Ibuprofen không chỉ giúp hạ sốt mà nó còn giúp giảm viêm, nhóm thuốc này được đặt tên là NSAIDs (thuốc kháng viêm không chứa steroid). Tác dụng của chúng, cũng như các loại thuốc kháng viêm khác được dùng cho bệnh nhân mắc bệnh mãn tính đều có thể dẫn đến lượng enzyme ACE2 tăng lên.

Lá thư trên có tính suy đoán cao. Tuy nhiên chỉ ba ngày sau khi đăng tải, Bộ Y tế Pháp đã ra thông báo cảnh báo về việc sử dụng ibuprofen đối với bệnh nhân nhiễm Covid-19 có biểu hiện sốt, cụ thể là "các triệu chứng nghiêm trọng" của "đối tượng nghi nhiễm hay được xác định đã nhiễm" virus Covid-19. Cũng trong cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp đã tweet hai lần về việc tránh sử dụng ibuprofen và các loại thuốc hạ sốt khác vì chúng có thể "tăng cao cơ hội lây nhiễm Covid-19". Bộ trưởng Oliver Véran đã ra thông báo khuyến cáo người dân nên sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol, tên chung tại thị trường châu Âu là acetaminophen, nhưng lại không đưa ra bất cứ luận điểm nào để chứng minh tính đúng đắn của lời khuyên trên. Những lời khuyên này đã được đăng lại trên nhiều kênh thông tin các nhau như Mỹ, Anh, Israel, Singapore và New Zealand.

Tuy nhiên, không rõ nguồn tin của các cơ quan trên là đâu và liệu các kênh truyền thông đăng tải lại có chính xác hay không, thậm chí là có nhầm lẫn với các thông tin khác hay có phải là tin giả hay không. Các thông cáo báo chí của Pháp về ibuprofen không có bất cứ dẫn chứng từ một ca bệnh cụ thể nào. Truyền thông Pháp sau đó cho biết chính quyền Pháp đã nhận được thông tin từ một bác sĩ không rõ danh tính, người này cho biết các ca tử vong do Covid-19 rơi vào những người trẻ tuổi từng sử dụng NSAIDs với "liều lượng lớn". Các kênh truyền thông Pháp sau đó đã công bố danh tính một số trường hợp tử vong có khả năng có liên quan đến ibuprofen, trong đó có ca tử vong trẻ tuổi nhất là một người đàn ông 28 tuổi, tử vong vào ngày 22/3, có tiền sử dử dụng ibuprofen để giảm đau sau khi phẫu thuật cột sống. Tuy nhiên, cùng thời điểm với lời cảnh báo của Veran được đăng tải, đội kiểm kiểm duyệt tin của BBC cũng đã phát hiện một số thông tin giả về dịch Covid-19 liên quan các ca tử vong do sử dụng ibuprofen trên Twitter, Facebook và cả WhatsApp, tất cả đều đưa ra dẫn chứng về 4 ca nhiễm là người trẻ tuổi ở các nước khác nhau.

Thông tin trên đã không được báo cáo trong bối cảnh ibuprofen đang bị tẩy chay và Pháp đã tiến hành đánh giá lại NSAIDs, do đó thông tin này đã khiến các chuyên gia y tế nghi ngờ ibuprofen. Năm 2018, cơ quan kiểm nghiệm dược phẩm quốc gia đã bắt đầu kiểm tra ibuprofen và các loại thuốc tương tự có khả năng gây ra các biến chứng khi nhiễm khuẩn hay không.

Ibuprofen trên thực tế có một số nguy cơ nhất định, sử dụng quá liều có thế ảnh hưởng đến thận của bệnh nhân có sức khỏe không tốt. Nhưng vào tháng 4/2019, cơ quan kiểm định đã báo cáo rằng từ năm 2000 đến năm 2018, có gần 400 ca tại Pháp bị nhiễm trùng da nghiêm trọng, viêm não và nhiễm trùng huyết chỉ vài ngày sau khi sử dụng ibuprofen kết hợp kháng sinh. Đó dường như là thông tin duy nhất của Bộ Y tế Pháp. Dựa trên kết quả đó, cơ quan quản lý dược phẩm nước này đã hạn chế bán ibuprofen và paracetamol tại các nhà thuốc từ tháng 1/2020, số thuốc này không được bày bán trên kệ và người mua cần phải tham khảo ý kiến dược sỹ trước khi mua.

Trong cơn hoảng loạn do dịch Covid-19 gây ra, một số quốc gia khác cũng đồng tình với lời khuyên của Pháp, nhưng cũng có một số quốc gia phản đối. Vào cuối tuần trước, cả Cơ quan Y tế Liên minh châu Âu và Tổ chức Y tế thế giới đều tìm cách dập tắt sự nghi ngờ này. Hai cơ quan này cho biết không có lý do gì để ngưng sử dụng ibuprofen tại nhà trong điều trị sốt do Covid-19 gây ra.

Và nhóm tác giả gửi thư đến tạp chí The Lancet cũng đã chối bỏ trách nhiệm liên đới với những cảnh báo lan truyền trên mạng về việc ngưng sử dụng ibuprofen. Một bài viết mới trên trang của Đại học Basel dẫn lời Michael Roth, một trong các tác giả và là giáo sư khoa y sinh rằng "Đây không phải là một khuyến nghị đưa ra về việc ngưng sử dụng một loại thuốc hay không". Ông khuyên các bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ của họ và cần nhiều nghiên cứu hơn để xem xét loại thuốc khiến tăng lượng ACE2 ảnh hưởng như thế nào tới bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Thông tin nhập nhằng liên quan đến thuốc ibuprofen khiến các nhà nghiên cứu lẫn y bác sĩ bức xúc bởi mối nguy hại từ virus Covid-19 cũng đã đủ để khiến họ kiệt sức, chưa kể đến việc thiếu bằng chứng. Nhà xuất bản tạp chí The Lancet thì xem bài viết liên quan là một bài bình luận. Không như một bài viết khoa học, bài bình luận không được đánh giá bởi các chuyên gia. "Bài bình luận có nghĩa là đó chỉ là ý kiến riêng của chúng tôi", Krutika Kuppalli cho biết, cô là bác sĩ về bệnh truyền nhiễm ở California và Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins. "Nó không có nghĩa những thông tin trong bài viết là bằng chứng y khoa. Tôi không nghĩ có bất cứ tài liệu nào trong đó".

Đây chính là một vấn đề nghiêm trọng bởi người dân đang tìm kiếm những nguồn thông tin xác thực để có thể bảo vệ bản thân. Mà hậu quả dễ thấy nhất là mức độ cháy hàng của thuốc chữa sốt rét hydroxychloroquine sau khi được Elon Musk và Donald Trump quảng bá là có thể chữa Covid-19 (với độ chắc chắn nhất định). Do đó dẫn đến các bệnh nhân mắc bệnh tự miễn hay lở loét da đang thiếu hụt thuốc điều trị. Thậm chí, một cặp đôi tại Arizona đã bị ngộ độc khiến một người chết sau khi sử dụng hydroxychloroquine loại dùng để diệt ký sinh trùng trong bể cá.

Tranh cãi trong sử dụng thuốc ibuprofen tiết lộ mối nguy hiểm đằng sau Covid-19

Ảnh: Reuter

Khi cảnh báo về một vấn đề liên quan một hiện tượng hay bệnh dịch, các nhà dịch tễ học sẽ đưa ra các thông tin mang tính "tương quan, chứ không phải quan hệ nhân quả". Hay nói cách khác, chỉ vì hai việc xảy ra cùng lúc không có nghĩa là chúng liên quan đến nhau. Nhưng tại thời điểm này, mốt liên hệ giữa ibuprofen và Covid-19 thậm chí không phải là một sự tương quan, vì chưa có bất cứ mối quan hệ nào giữa chúng được tìm thấy.

Thực tế, vẫn có khả năng ibuprofen không có bất cứ tác động nào đến Covid-19, dù có hay không việc làm tăng lượng ACE2. Mặc dù những enzyme này cho phép virus xâm nhập tế bào niêm mạc phổi, không có nghĩa là chúng có vai trò trong khả năng phát triển của virus, hay khả năng phát tán virus trong cơ thẻ cũng như khả năng khiến bệnh trình trầm trọng hơn khi lượng virus tăng lên.

"ACE2 chắc chắn không phải là yếu tố duy nhất quyết định"sự lây nhiễm, Angela Rasmussen, nhà virus học và cộng tác nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Y tế Công cộng Mailman, cho biết. "Cần phải có sự kết hợp hoàn hảo giữa tất cả các yếu tố chính cho phép virus phát triển. Và vì chúng ta thậm chí còn chưa biết những yếu tố này là gì, nên rất khó để kết luận rằng việc tăng hay giảm tác động khiến virus phát triển nhanh hơn và gây bệnh trầm trọng hơn là do một tế bào nhất định gây ra."

Một nhóm các nhà nghiên cứu khác đã theo dõi câu chuyên về ibuprofen đã bày tỏ sự thất vọng, họ là những nhà khoa học nghiên cứu về acetaminophen và họ biết nó có khả năng gây ngộ độc ở liều lượng nhất định. Đây là loại thuốc giảm đau được sử dụng nhiều nhất tại Mỹ. Theo báo cáo năm 2016 của một nhóm các nhà nghiên cứu từ Trường Y khoa Rutgers New Jersey cho biết acetaminophen đã khiến hàng nghìn người bị suy gan mỗi năm tại Mỹ, trong đó có khoảng 300 ca tử vong. Trớ trêu thay, trường hợp khiến chính phủ Pháp thay đổi quy định bán ibuprofen là cái chết của một phụ nữ trẻ do dùng quá liều acetaminophen.

Theo José Manautou, trưởng khoa khoa học dược phẩm tại Trường Dược Uconn, cho biết những ca bị suy gan là do acetaminophen phản ứng với quá nhiều cồn hay các loại virus tấn công gan khiến cơ quan này dễ bị tổn thương do thuốc. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc quá liều đang diễn ra ngày càng nhiều hơn, đây là một hiện tượng mà các nhà nghiên cứu gọi là "sai lầm trong điều trị". Có nghĩa là: Không đọc hướng dẫn sử dụng và uống nhiều thuốc hơn liều lượng cần thiết.

"Ví dụ như bạn bị sổ mũi. Bạn có thể mua một loại thuốc không kê đơn có chứa acetaminophen. Và rồi bạn bị sốt, bạn mua Tylenol. Bạn muốn ngủ ngon hơn vào buổi tối, bạn mua Nyquil. Một cách ngẫu nhiên, cả ba hay bốn loại thuốc bạn uống đều có chứa acetaminophen, do đó, bạn đã sử dụng quá liều",;Manautou giải thích.

Dường như hiện tượng trên cũng đã xảy ra trong điều trị Covid-19 vì virus này có thể gây sốt cao, Xiaobo Zhong, giáo sư dược lý và độc học tại Uconn, người cộng tác với Manautou, cho biết. Sốt trông giống như là một tác dụng phụ của nhiễm trùng, nhưng hiện tượng này thực ra là biểu hiện của việc cơ thể đang chống lại sự nhiễm trùng. Nhiệt độ cơ thể càng cao thì virus càng khó phát triển. Zhong cho biết khi cần thiết, chúng ta nên tỉnh táo để theo đuổi một số loại thuốc hạ sốt thay vì dùng nhiều loại hơn trong trường hợp không hạ sốt. "Nếu lựa chọn thuốc không đúng hoặc quá liều có thể dẫn đến suy gan và việc này còn tệ hơn nhiều", Zhong nói.

Có thể nói, việc sử dụng acetaminophen quá liều dẫn đến suy gan khiến ibuprofen bị loại bỏ trong quá trình điều trị, hay thậm chí là có người đã dùng thuốc dành cho cá, tất cả đều xuất phát từ một nguyên nhân: Việc bị đe dọa bởi một mầm bệnh lạ khiến chúng ta phải tìm kiếm phương pháp xử lý nó một cách nhanh chóng, nhưng đi kèm với tốc độ chính là những nguy hiểm không lường trước được.

Minh Bảo theo Wired

Chủ đề khác