VnReview
Hà Nội

Lý do Đức có nhiều người nhiễm Covid-19 nhưng tỉ lệ tử vong rất thấp

Tỉ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong tại Đức thấp hơn đáng kể so với các nước như Ý, Tây Ban Nha và Anh. Có đến 53.340 người Đức dương tính với virus SARS-CoV-2 (tính đến 28/3) nhưng chỉ có 397 người thiệt mạng. Vì sao lại như vậy?

Virus corona chủng mới hiện đang hoành hành dữ dội tại đa số các quốc gia ở châu Âu. Trong đó, Ý và Tây Ban Nha là hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Vì sao người Đức nhiễm Covid-19 nhiều nhưng tỉ lệ tử vong lại thấp hơn đáng kể so với các nước khác?

Tuy nhiên, cũng tại châu Âu, có một quốc gia đang đi "ngược xu thế" (nhưng theo một nghĩa rất tích cực). Đó là Đức.

Đã có tổng cộng 53.340 người Đức được xác nhận dương tính với virus corona chủng mới, tính đến buổi trưa 28/3 giờ địa phương, với tổng cộng 397 người thiệt mạng (số liệu tính đến nay có thể đã cao hơn). Điều đó đồng nghĩa với việc tỉ lệ tử vong vì Covid-19 ở Đức chỉ là 0,74%.

Con số này thấp hơn rất nhiều so với Tây Ban Nha (7,82%), Trung Quốc (4,02%) và đặc biệt là Ý (10,56%).

Điều này cho thấy rằng hẳn nước Đức đã có một (hoặc nhiều) biện pháp hiệu quả hơn so với các quốc gia khác trong việc chống dịch.

Dưới đây là tổng hợp của trang tin Business Insider về những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên.

Xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm

Yếu tố quan trọng nhất góp phần giảm tỉ lệ tử vong vì Covid-19 ở Đức là vấn đề về số liệu. Dường như Đức đang thực hiện xét nghiệm cho nhiều người dân hơn so với tất cả các quốc gia châu Âu khác.

Các nhà khoa học đồng tình rằng một số lượng lớn ca bệnh Covid-19 không bao giờ được thống kê chính thức trong số liệu của chính phủ bởi tình trạng bệnh của những người này không quá nghiêm trọng để cần đến trợ giúp y tế.

Do đó, nhìn chung một quốc gia càng xét nghiệm rộng rãi cho nhiều người dân thì sẽ càng tìm ra nhiều ca bệnh nhẹ.

Do những ca bệnh nặng hầu hết đều sẽ được xét nghiệm, nên số ca thiệt mạng nhìn chung phản ánh chính xác tình hình tại quốc gia đó.

Do vậy, hiệu ứng ở đây là càng xét nghiệm nhiều thì tỉ lệ tử vong ở quốc gia đó càng thấp.

Christian Drosten, giám đốc Viện Virus học tại Đại học Charité ở thủ đô Berlin, Đức cho hay nước này đang xét nghiệm cho 120.000 người mỗi tuần. Hiệp hội Bác sĩ Đức cho biết trong vài tuần qua đã có ít nhất 200.000 trường hợp được xét nghiệm.

Vì sao người Đức nhiễm Covid-19 nhiều nhưng tỉ lệ tử vong lại thấp hơn đáng kể so với các nước khác?

"Tôi tin rằng chúng ta đang xét nghiệm nhiều hơn tất cả các quốc gia khác, và do đó chúng ta đã sớm phát hiện sự bùng phát của dịch bệnh," Drosten cho biết.

"Ở Đức chúng tôi có văn hoá không hỗ trợ một hệ thống chẩn đoán trung tâm nào," Drosten cho hay. "Vì vậy ở Đức không có một phòng thí nghiệm y tế công cộng nào độc quyền hay giới hạn các phòng thí nghiệm khác không được phép xét nghiệm. Ngay từ đầu, chúng tôi đã có một thị trường mở."

Đến ngày 28/3, nước Anh đã xét nghiệm tổng cộng 113.777 người. Tây Ban Nha và Ý không tiến hành xét nghiệm nhiều như vậy.

Theo Dự án Theo dõi Covid-19, tính đến ngày 28/3, nước Mỹ đã tiến hành xét nghiệm cho 626.667 người. Con số này đã tăng nhiều ở thời điểm hiện tại, nhưng vẫn thấp hơn tỉ lệ của Đức, trong bối cảnh nước Mỹ hiện đang là ổ dịch lớn nhất trên thế giới.

Vì sao người Đức nhiễm Covid-19 nhiều nhưng tỉ lệ tử vong lại thấp hơn đáng kể so với các nước khác?

Tây Ban Nha đã phân phối tổng cộng 650.000 bộ kit xét nghiệm, nhưng mới đây đã trả lại Trung Quốc một lô kit lớn hôm thứ 5 vừa qua sau khi phát hiện kit thử của Trung Quốc chỉ phát hiện được 30% số ca bệnh dương tính. Hiện vẫn chưa rõ đã có tổng cộng bao nhiêu người được xét nghiệm tại Tây Ban Nha.

Một thị trấn ở miền Bắc nước Ý đã dập được dịch bệnh bùng phát nhờ nỗ lực xét nghiệm quy mô lớn; nhưng tổng thể quốc gia này không làm được như vậy.

Thứ Sáu tuần trước, báo Süeddeutsche Zeitung cho biết Bộ Nội vụ Đức muốn tăng số người được xét nghiệm mỗi ngày lên con số 200.000.

Hệ thống chăm sóc y tế mạnh mẽ

Nước Đức có thể chống chọi với dịch bệnh bùng phát một phần nhờ quốc gia này có một hệ thống chăm sóc y tế rất phát triển và toàn diện, mang đến cho người dân lựa chọn với cả các dịch vụ y tế công và tư.

Mỗi năm, nước Đức chi 4.714,26 USD (khoảng 111,4 triệu đồng) trên mỗi người dân cho công tác chăm sóc sức khoẻ, theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới năm 2016. Con số này cao hơn nhiều so với đa số các quốc gia khác.

Nước Đức cũng có tỉ lệ số giường bệnh/dân số cao thứ 2 tại châu Âu, theo dữ liệu từ European Health for All. Số giường bệnh là yếu tố rất quan trọng trong việc chữa trị các ca bệnh nặng do virus corona gây ra.

Đức có 621 giường bệnh trên 100.000 dân. Để so sánh, nước Ý có 275, trong khi Tây Ban Nha có 293.

Vì sao người Đức nhiễm Covid-19 nhiều nhưng tỉ lệ tử vong lại thấp hơn đáng kể so với các nước khác?

"Nhìn chung, chúng tôi có hệ thống y tế tương đối kĩ càng ở Đức", nhà virus học người Đức Martin Stürmer trả lời phỏng vấn trang tin Vox.

"Chúng tôi có các bác sĩ và cơ sở vật chất rất chuyên sâu, và có lẽ đó là một phần nguyên nhân vì sao có nhiều bệnh nhân nặng đã vượt qua được ở nước chúng tôi so với các nước khác."

Đa số người cao tuổi đã tránh được bị lây nhiễm

Độ tuổi trung bình của những người nhiễm virus corona chủng mới tại Đức là 46, trong khi số liệu này ở Ý là 63, theo trang tin tức Wired.

Người già nhiễm virus corona thường có nguy cơ tử vong cao hơn, và đa số những bệnh nhân tử vong đều có bệnh lý nền trước đó – một điều khá phổ biến ở người cao tuổi.

80% số người nhiễm virus corona tại Đức ở độ tuổi thấp hơn 60, theo Viện Nghiên cứu Robert Koch công bố hôm thứ 2 vừa qua, cho thấy rằng dịch bệnh chưa bùng phát mạnh ở nhóm người cao tuổi.

Tại Tây Ban Nha, tỉ lệ số người nhiễm trên 60 tuổi là khoảng 50%.

Nước Đức vẫn đang ở giai đoạn đầu bùng phát dịch

Nếu so sánh với các quốc gia như Tây Ban Nha và Ý, nước Đức hiện vẫn đang ở giai đoạn đầu bùng phát dịch.

"Nước Đức hiện vẫn đang ở giai đoạn sớm hơn một chút so với Ý," Martin Hibberd, Giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Khoa Vệ sinh và Y tế Nhiệt đới London, trả lời phỏng vấn trang Wired. "Thường thì sau hai hoặc ba tuần chăm sóc tích cực, những bệnh nhân nặng mới tử vong.

Ngày 26/3 vừa qua là một trong những ngày tồi tệ nhất ở Đức với 6.615 ca nhiễm mới được báo cáo. Nhiều khả năng số ca nhiễm mới hàng ngày ở quốc gia này sẽ tiếp tục tăng.

Vì sao người Đức nhiễm Covid-19 nhiều nhưng tỉ lệ tử vong lại thấp hơn đáng kể so với các nước khác?

Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu hôm thứ 5 tuần trước cho biết hiện vẫn còn quá sớm để nới lỏng lệnh phong toả được thiết lập hôm thứ 3, theo đài truyền hình Đức Deutsche Welle. Tỉ lệ nhiễm vẫn còn đang gia tăng, nhưng nhiều khả năng sẽ chậm lại trong tuần đầu tiên của tháng 4, Merkel cho biết.

"Tỉ lệ tử vong ở Đức nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng khi có nhiều người già bị lây nhiễm hơn", Keith Neal, Giáo sư Dịch tễ học chuyên về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Nottingham, trả lời phỏng vấn Sky News.

"Tỉ lệ tử vong thực sự tại Đức khả năng sẽ rơi vào khoảng 1%."

Đức thiết lập lệnh phong toả chặt chẽ

Nước Đức, tương tự như nhiều quốc gia khác, đã đặt ra các quy định nghiêm ngặt về phong toả, có hiệu lực từ ngày 24/3.

Nước Đức đã cấm việc tụ tập trên hai người, trừ trường hợp các gia đình sống cùng nhau.

Mức phạt dành cho những người cố tình vi phạm lên đến 25.000 euro (khoảng 646,2 triệu đồng).

Còn chiến lược nào khác trong tương lai?

Hôm thứ 6 tuần trước, Bộ Nội vụ Đức đã đề xuất ý tưởng theo dõi người dân thông qua điện thoại thông minh để kiểm tra người nào có tiếp xúc với người nhiễm virus corona, theo Reuters.

Không khó để suy đoán những nguyên nhân đằng sau thành công của Đức, nhưng một số nhà khoa học đã chỉ ra rằng, do đại dịch lần này là chưa từng có tiền lệ, nên vẫn cần phải chờ thêm một thời gian nữa.

Ngay cả một số chuyên gia Đức cũng đang tỏ ra thận trọng.

"Chúng ta chưa thực sự biết nguyên nhân đằng sau tỉ lệ tử vong thấp," Marieke Degen, phát ngôn viên của Viện Nghiên cứu Robert Koch Institute trả lời phỏng vấn trang tin Vox.

Quang Huy

Chủ đề khác