VnReview
Hà Nội

Người Mỹ giờ mới tỉnh ngộ: Khẩu trang có hiệu quả chống Covid-19

Tất cả mọi người đều nên đeo khẩu trang dù các khuyến cáo của chính phủ Mỹ dễ gây nhầm lẫn, tuy nhiên với khoa học thì không quá khó để nhận thấy điều này.

Người Mỹ bây giờ mới tỉnh ngộ: Khẩu trang có hiệu quả chống Covid-19

Ảnh: Issouf Sanogo/Getty Images

Khi nhìn vào những tấm ảnh nước Mỹ trong đại dịch cúm năm 1918, có một thứ luôn xuất hiện trong mọi bức hình, đó là khẩu trang. Khẩu trang bằng vải, thường là màu trắng, luôn xuất hiện gần như trên mỗi khuôn mặt. Trên khắp cả nước, các chuyên gia y tế công cộng luôn khuyến cáo tất cả mọi người nên mang khẩu trang và một số thành phố còn phạt hành chính hoặc bỏ tù nếu phát hiện người dân không mang khẩu trang. Hội Chữ thập đỏ đã sản xuất hàng nghìn khẩu trang vải và phát miễn phí cho người dân. Các tờ báo đăng tải cách tự may khẩu trang tại nhà. "Hãy tạo ra bất cứ loại khẩu trang nào… và dùng chúng ngay lập tức ở mọi nơi", ủy viên y tế Boston vận động. "Ngay cả việc sử dụng một chiếc khăn tay để che mặt cũng tốt hơn là không có gì".

Sau đại dịch năm 1918, việc sử dụng khẩu trang trong phòng ngừa bệnh dịch cộng đồng không được người Mỹ và các nước phương Tây tín nhiệm cho lắm. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh dịch (CDC) Mỹ hầu như không bao giờ khuyến cáo người khỏe mạnh đeo khẩu trang nơi công cộng để tránh lây nhiễm bệnh cúm hay các bệnh lây qua đường hô hấp khác. Trong vài tháng trở lại đây, với sự thiếu hụt vật tư y tế trầm trọng, CDC Mỹ cũng như WHO đều khuyến cáo người dân không mua khẩu trang và cho rằng khẩu trang cần thiết cho các nhân viên y tế tuyến đầu hơn và chúng không có tác dụng bảo vệ cộng đồng khỏi Covid-19.

Gần đây, một số chuyên gia đã tranh luận về lời khuyên gây tranh cãi này. Họ phản biện rằng sử dụng khẩu trang rộng rãi là một trong nhiều lý do giúp Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan có thể khống chế dịch bệnh hiệu quả hơn nhiều so với Mỹ và các nước phương Tây. "Tất nhiên là khẩu trang có hiệu quả", nhà xã hội học Zeynep Tufekci đã viết trong một bài xã luận của tờ New York Times. "Công dụng của chúng luôn được công nhận là một phần của các biện pháp tránh lây nhiễm cơ bản". Chuyên gia y tế công cộng Shan Soe-Lin và nhà dịch tễ học Robert Hecht cũng đã đưa ra một lập luận tương tự trên tờ Boston Globe: "Chúng ta cần phải thay đổi nhận thức về việc khẩu trang chỉ dành cho người bị bệnh và việc mang khẩu trang là một điều kỳ cục hay đáng xấu hổ… Nếu nhiều người mang khẩu trang hơn, nó sẽ trở thành một chuẩn mực xã hội, cũng như của cả sức khỏe cộng đồng". Tuần tước, Geogre Gao, giám đốc CDC Trung Quốc cho biết Mỹ và châu Âu đã mắc phải một "sai lầm rất lớn" khi không khuyến cáo cho người dân mang khẩu trang trong thời điểm dịch bệnh.

Khẩu trang phải là ưu tiên hàng đầu cho nhân viên y tế trong lúc đang thiếu hụt vật tư y tế, đó là điều không thể bàn cãi. Nhưng việc đưa ra khuyến cáo và hướng dẫn đầy mâu thuẫn dẫn đến ba câu hỏi lớn trong tình hình cấp thiết hiện nay: Khẩu trang có hiệu quả không? Tất cả mọi người có nên mang chúng không? Và nếu khẩu trang chuyên dụng không đủ cung cấp cho người dân thì có sự thay thế tạm thời nào tại gia đình không? Từ hàng thập kỷ nghiên cứu khoa học, từ những bài học lịch sử qua các cơn đại dịch trước và cả tình hình hiện nay, câu trả lời cho cả ba câu hỏi trên đều là CÓ!

Hai loại khẩu trang được sử dụng phổ biến là N95 và khẩu trang phẫu thuật. N95 thường có dạng tròn hoặc mỏ vịt, có lớp lọc, ôm sát phần miệng và mũi. Loại khẩu trang này cứng và khít với khuôn mặt, do đó có thể gây khó chịu khi sử dụng trong thời gian dài. Khẩu trang phẫu thuật, hay còn gọi là khẩu trang y tế khi được sử dụng bên ngoài phòng phẫu thuật, khẩu trang loại này thường mềm, được xếp li và giữ cố định bằng dây đeo móc tai hoặc cột dây qua cổ. Ngoài việc khẩu trang y tế thoải mái hơn so với N95 thì chúng cũng lỏng lẻo hơn, nên có thể hít thở thoải mái hơn. Bên trong của cả hai loại khẩu trang trên đều có một lớp lưới bằng sợi nhựa có tác dụng như lớp lọc. Và cả hai đều được thiết kế để sử dụng chỉ một lần duy nhất, đặc biệt không thể sử dụng được nữa khi dính nước, dính bẩn hoặc hư hỏng.

Khẩu trang có thể giảm thiểu sự lây lan dịch bệnh nhờ vào khả năng giữ lại vi khuẩn phát tán từ người mang, cũng như bảo vệ người mang khỏi những vi khuẩn từ bên ngoài. Khi chúng ta ho, hắt hơi, nói chuyện hay thậm chí là thở, chúng ta đều sinh ra một luống hơi thở và các giọt dịch. Phần lớn thành phần của chúng là nước bọt, dịch nhầy, muối và cả những vi khuẩn nguy hiểm mà chúng ta đã nhiễm. Những giọt dịch nhỏ nhất có thể tồn tại trong không khí hàng giờ liền, làm tăng cao khả năng lây nhiễm cho người đi vào khu vực này. Các giọt dịch lớn chỉ có thể đi xa khoảng 1m, hay khoảng 8m trong trường hợp hắt hơi, trước khi chúng rơi xuống đất hay các bề mặt khác như da người hay quần áo.

Mặt nạ phòng độc chỉ được thiết kế dành cho thợ mỏ, lính cứu hỏa và quân đội để tránh khói, bụi, chất độc và các loại hạt có hại trong không khí. Cái tên N95 có nghĩa là khẩu trang này có thể loại bỏ 95% các hạt có đường kính từ 0,3 micron, đây là những hạt khó giữ lại nhất. Lớp lọc trong mặt nạ không chỉ là một lớp lưới mà một lớp dày đặt các sợi nhỏ. Để vượt qua, các giọt dịch trong không khí phải vượt qua tất cả các vật cản theo luồng không khí. Những giọt dịch lớn thì quá nặng để có thể di chuyển nhanh, do vậy chúng nhanh chóng va vào các sợi trong lớp lọc. Các loại hạt siêu nhỏ được hỗ trợ bỏi các phân tử không khí và chúng nảy qua lại như những quả bóng và va chạm với những sợi tơ. Các loại hạt từ 0,3 micron trở xuống mới có thể theo luồng không khí vào bên trong mặt nạ. Nhưng lớp lọc vẫn có thể cản chúng nếu đủ dày.

Cảnh sát Seattle mang khẩu trang và găng tay trong đợt dịch năm 1918 (Ảnh: Time Life Pictures/Getty Images)

Chính vì N95 có thể cản được hầu hết các hạt trong không khí, chúng là một hàng rào chống lại vi khuẩn. Để dễ hình dung, vi khuẩn gây bệnh than có kích thước 0,8x1,4 micron, trong khi các virus cúm hay virus corona thường có kích thước từ 0,08 đến 0,12 micron. Nhưng vi khuẩn và virus khi rời khỏi đường hô hấp của chúng ta hiếm khi đi một mình, chúng thường nằm trong các giọt dịch hô hấp bắn ra có kích thước từ 0,6 đến 1.000 micron.

Dù mặt nạ y tế không ôm sát mặt như N95, nhưng lớp lọc của nó vẫn là một thách thức lớn đối với vi sinh vật. CDC và các cơ quan y tế khác thường nói rằng khẩu trang y tế chỉ chặn được các giọt dịch hô hấp rất lớn và chúng không thể lọc các vi sinh vật truyền nhiễm có kích thước nhỏ. Nhưng điều này không hoàn toàn chính xác.

Trong một nghiên cứu năm 2009 về khả năng lây truyền của bệnh cúm, 9 tình nguyện viên đang mắc bệnh cúm ho 5 lần vào đĩa Petri khi mang khẩu trang y tế, N95 và không mang gì. Gần như mỗi lần ai đó ho mà không có khẩu trang, virus cúm đều xuất hiện trên đĩa, nhưng với cả hai loại khẩu trang kia thì hoàn toàn không thấy bóng dáng của chúng. Cụ thể hơn, trong một nghiên cứu đang tiến hành, 246 người tham gia có các triệu chứng về bệnh đường hô hấp thở vào một thiết bị thu thập giọt dịch hô hấp trong 30 phút, thiết bị này có tên là Gesundheit-II. Khi các tình nguyện viên không mang khẩu trang, có đến 30-40% mẫu dịch có chứa virus corona, nhưng khi đeo khẩu trang y tế thì không phát hiện bất cứ virus corona nào. Một nghiên cứu khác sử dụng hình nộm thật mô phỏng quá trình hô hấp của con người đã kết luận rằng khẩu trang y tế có thể loại bỏ ít nhất 60% hạt có kích thước 0,3 micron. Một nghiên cứu khác trên hình nộm cũng cho thấy khẩu trang y tế làm giảm lượng virus cúm xâm nhập vào cơ thể đến 6 lần.

Các nhà khoa học cũng đã thử nghiệm khả năng giảm lây nhiễm của khẩu trang trên một số thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát. Kết quả của các thử nghiệm trên không đồng nhất: Nhiều thử nghiệm thất bại trong việc chứng minh hiệu quả của khẩu trang, nhưng một số lại cho thấy khẩu trang có hiệu quả. Một mình việc khử khuẩn tay thường xuyên hay mang khẩu trang đều không thể tạo ra sự thay đổi trong tỷ lệ ảnh hưởng của một căn bệnh có triệu chứng giống cúm trên 1.437 sinh viên Đại học Michigan; tuy nhiên, khi kết hợp với nhau, chúng có thể giảm tỷ lệ từ 35-51%. Tương tự, khẩu trang y tế đã giúp giảm sự lây lan bệnh cúm của 84 hộ dân tại Berlin (Đức) sau khi có triệu chứng 36 giờ.

Vì có quá nhiều thử nghiệm chỉ tìm ra những lợi ích bên lề hoặc không có gì, vì vậy, một số cơ quan y tế đã quyết định không khuyên cáo mang khẩu trang toàn dân. Nhưng kết quả không nhất quán của các thử nghiệm ngẫu nhiên lại không phủ nhận hoàn toàn các bằng chứng về việc khẩu trang có thể ngăn chặn đa số các giọt hô hấp và vi sinh vật. Thay vào đó, những thử nghiệm trên tập trung vào tình hiệu quả của khẩu trang dựa trên cách sử dụng. Trong một nghiên cứu trên 143 hộ gia đình tại Sydney (Úc), những người thường xuyên mang khẩu trang y tế đã giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp hằng ngày từ 60-80%, tuy nhiên có ít hơn 50% số người tham gia có thể duy trì thói quen mang khẩu trang.

Trên thực tế, vấn đề này đã được trích dẫn lại (thậm chí là có phần phóng đại) với các cơ quan y tế để ngăn cản người dân sử dụng khẩu trang rộng rãi. "Những người không biết mang khẩu trang đúng cách sẽ thường xuyên dùng tay chạm vào mặt nhiều hơn và làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus corona hơn", Jerome Adams trả lời tờ Fox&Friends hồi đầu tháng 3. Adams cũng đã hướng dẫn chúng ta phải mất bao nhiêu thời gian để rửa tay đúng cách. CDC và WHO cũng đã chi khá nhiều tiền cho các trang mạng xã hội và làm video tuyên truyền về việc rửa tay thường xuyên và hướng dẫn quy trình rửa tay. Nếu có thể giáo dục người dân cách rửa tay đúng đắn, vậy thì sao lại không thể hướng dẫn người dân cách mang khẩu trang đúng?

Trong khi đó, một số nghiên cứu đã thử nghiệm khẩu trang làm từ các vật liệu gia dụng ngẫu nhiên. Năm 2008, một thông báo cho biết khẩu trang làm từ giấy ăn có hiệu quả khoảng một nửa so với khẩu trang y tế. Trong một nghiên cứu công bố năm 2013, các nhà khoa học đã so sánh hiệu quả lọc của khẩu trang y tế với các vật liệu khác như vải lanh, lụa, khăn quảng cổ, giấy ăn, vỏ gối, túi máy hút bụi và áo thun 100% cotton. Khẩu trang y tế cho hiệu quả tốt nhất, kế đó là túi bụi trong máy hút bụi, khăn ăn, còn những cái sau lại khá dày và cứng nên không thể mang trong thời gian dài. Khẩu trang làm từ áo thun rất thoải mái khi mang nhưng chúng chỉ có hiệu quả bằng một phần ba so với khẩu trang y tế. "Các thông tin chúng tôi đưa ra về khẩu trang tự làm chỉ nên cân nhắc khi đó là phương án cuối cùng", tác giả viết. "Nhưng thà có còn hơn không có gì bảo vệ". Một nghiên cứu khác năm 2010 cũng đưa ra các kết luận tương tự.

Các bằng chứng về tính hiệu quả của khẩu trang đã nhấn mạnh việc mang khẩu trang toàn dân trong đại dịch là cần thiết. Khẩu trang không phải là phương pháp riêng lẻ trong đối phó đại dịch; chúng phải luôn được áp dụng kèm cách ly xã hội và khử khuẩn tay thường xuyên. Nhưng ngay cả khi cách ly xã hội, một số người vẫn cần phải ra khỏi nhà khi cần thiết, như mua thực phẩm, thuốc… Với các bệnh như Covid-19, nhiều bệnh nhân mắc phải nhưng không biểu hiện triệu chứng, do đó virus có thể đã bị phát tán trong cộng đồng mà không hay biết. Song song với đó, nhiều người khỏe mạnh không thể cách ly hoàn toàn bởi đồng nghiệp, gia đình, bạn cũng nhà. Khẩu trang có thể giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm trong mọi trường hợp. "Khẩu trang có hiệu quả trên cả hai chiều", nhà virus học Julian Tang giải thích. "Nếu tất cả mọi người đều mang khẩu trang, thì sự bảo vệ được nhân đôi. Thậm chí ngay cả với khẩu trang không ôm sát mặt cũng vẫn có hiệu quả nhất định trong giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm."

"Ban đầu, tôi đồng ý với việc chỉ người bị bệnh mới nên đeo khẩu trang",;Linsey Marr, sỹ sư môi trường chuyên nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm, cho biết. "Sau khi quan sát dịch bệnh lần này, tôi nghĩ rằng nếu có nguồn cung ứng khẩu trang vô hạn thì tất cả mọi người đều nên mang khẩu trang khi đến nơi công cộng". Benjamin Cowling, một chuyên gia dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm cũng đồng ý vấn đề trên: "Nếu có đủ nguồn cung khẩu trang giá rẻ, tôi tin rằng sẽ có khuyến cáo mang khẩu trang trên diện rộng. Chúng ta cần cân nhắc việc sử dụng khẩu trang dựa trên nguồn cung và phát triển các hướng dẫn tự làm khẩu trang bằng vật liệu sẵn có trong gia đình".

Do thiếu hụt khẩu trang các loại ở nhiều nơi trên thế giới, các công ty dệt may, các nhà khoa học, cũng như thợ may thủ công cũng đang chạy đua để tạo ra các sản phẩm tại nhà. Hanes, Fruit of the Loom và cả Parkdale Mills cũng đã bắt đầu sản xuất khẩu trang từ vải dệt 3 lớp. Nhà thiết kế thời trang Christian Siriano và 10 thợ may của ông hy vọng có thể sản xuất hàng nghìn khẩu trang mỗi tuần. Công ty dệt may Joann đã tung ra video hướng dẫn may khẩu trang tại nhà. Các nhà khoa học ở Hong Kong cũng hướng dẫn người dân cách làm khẩu trang từ khăn giấy, giấy ăn, băng dính, dây thun và bìa kính để bảo vệ mặt. Joe Fan, trợ lý giám đốc bệnh viện Đại học Hong Kong cho biết khẩu trang bằng giấy có thể loại bỏ các hạt có kích thước đến micron từ 80-90% tương đương với khẩu trang y tế, tuy nhiên số liệu này chưa được công bố cũng như chứng thực bởi các nhà nghiên cứu khác. Các kỹ sư tại Đại học Stanford đã đầu tư nghiên cứu vào công nghệ xoắn sợi xốp để có thể thay thế lớp lọc bằng nhựa trong khẩu trang N95. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu khác đang nghiên cứu khả năng tiệt trùng khẩu trang bằng hơi nóng hoặc khí hydrogen peroxide để các bệnh viện có thể tái sử dụng chúng an toàn. Các loại khẩu trang vải có thể làm sạch bằng cách giặt thường xuyên hoặc trụng nước sôi.

Việc đeo khẩu trang rộng rãi có thể dẫn đến vấn đề sử dụng không đúng cách và có thể gia tăng khả năng lây nhiễm (khẩu trang nên được mang vào và tháo ra bằng cách nắm vào phần dây đeo, không nắm vào phần khẩu trang trước mặt). Những người phản bác quan điểm trên cho rằng những vi khuẩn trên khẩu trang của ai đó đều là những vi khuẩn có khả năng họ đã hít phải và bằng chứng trực tiếp về những nguy hại do sử dụng khẩu trang sai cách là không có. Các bệnh truyền nhiễm như cúm và Covid-19 thường lây lan qua các giọt dịch hô hấp bắn ra từ mũi và miệng. Và vì khẩu trang đã che kín mũi và miệng người mang nên khâu trang đã ngăn chặn sự lây lan ngay từ nguồn. "Thành thật mà nói, nó là lẽ thường thôi", cô Tangs nói, "nếu bạn mang bất cứ thứ gì trước mặt cũng đều có lợi hơn là hại". Nếu có đủ số người mang khẩu trang, ít nhất trong một khoảng thời gian, lợi ích tổng thể mà nó mang lại có thể rất lớn. Một nghiên cứu chuyên sâu năm 2011 phát hiện ra rằng ngoài các biện pháp vật lý chống lại các loại virus lây qua đường hô hấp, như rửa tay, mang găng tay, cách ly xã hội, thì khẩu trang mang lại hiệu quả tốt nhất, dù vậy thì sự kết hợp của tất cả vẫn là biện pháp tối ưu nhất.

Khẩu trang không chỉ là một lớp giáp chống lại dịch bệnh, mà chúng còn làm cho con người cảm thấy an toàn hơn về mặt tâm lý. Chúng ta dường như sẽ thấy khó khăn hơn trong việc rờ vào mặt. Thêm vào đó, ngoài việc ngăn tiếp xúc giữa ngón tay và da mặt, khẩu trang cũng có thể giúp chúng ta tạo ra thói quan không rờ mặt ngay từ đầu. Đến nay, khẩu trang vẫn tiếp tục là một tín hiệu xã hội quan trọng. Năm 1919, bắt nguồn từ việc người Mỹ sử dụng khẩu trang trong cuộc chiến chống lại dịch cúm và nắm bắt phương pháp hiện đại của phương Tây, Nhật Bản đã khuyến khích người dân mang khẩu trang khi đến nơi đông người, trên phương tiện công cộng và bất cứ nơi đâu có khả năng lây nhiễm cao. "Quốc gia này đã đưa khẩu trang thành chuẩn mực xã hội và hình thành ý thức chống lại mối đe dọa vô hình từ bệnh dịch", nhà xã hội học Mitsutoshi Horii viết. Năm 2004, dịch cúm gia cầm bùng phát đã củng cố sự quan trọng của văn hóa mang khẩu trang tại Nhật Bản. Thói quen mang khẩu trang đã trở thành "nghĩa vụ công dân" nhằm bảo vệ bản thân và cộng đồng xung quanh.

Xem xét phản ứng của chính phủ Mỹ trước dịch bệnh lần này, trong khi nhiều nước châu Á có thể kiểm soát được nó, rất khó để tin rằng Nhật đã từng xem cách phản ứng của Mỹ trong dịch bệnh trước đây là chuyên nghiệp. Giá mà chính phủ đã lắng nghe các ý kiến của chuyên gia về một đại dịch không thể tránh khỏi và tiến hành các biện pháp cần thiết từ nhiều năm trước, như đầu tư vào sản xuất khẩu trang trong nước, thì chúng ta đã không lâm vào tình trạng thiếu hụt các vật tư y tế thiết yếu như hiện nay. Các cơ sở sản xuất khẩu trang trên toàn thế giới đang tăng gia sản xuất và mở rộng quy mô, nhưng hiện nay vẫn chưa đủ để đảm bảo nhu cầu sử dụng cấp thiết, do nhiều máy móc tốn hàng triệu USD cũng như mất hàng tháng để thi công, lắp đặt.

Thậm chí nếu có một lượng lớn khẩu trang được sản xuất ra thì các nhân viên y tế và người bệnh sẽ là những người đầu tiên được tiếp cận. Khẩu trang N95 đặc biệt quan trọng đối với các nhân viên y tế thực hiện việc đặt nội khí quản cho bệnh nhân. May mắn là từ các bằng chứng cho thấy N95 chưa phải là trang bị cấp thiết để ngăn chặn Covid-19 trong hầu hết các tình huống. Nếu chúng ta có nhiều khẩu trang y tế thì đây là loại có thể dùng để thực hiện việc mang khẩu trang toàn cầu, vì chúng thoải mái và rẻ hơn so với N95. Ngoài ra, sử dụng khẩu trang vải dệt cũng là một lựa chọn tốt nhất và tất nhiên là tốt hơn việc không mang khẩu trang. Một miếng vải dù không thể nàoo có hiệu quả như một tấm lọc chuyên dụng, nhưng ít nhất nó vẫn có thể ngăn các giọt dịch hô hấp phát tán ra ngoài khi ho hoặc hắt hơi, cũng như ngăn các giọt dịch từ người khác bắn vào mũi và miệng. Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu cách khử trùng và tái sử dụng khẩu trang một cách hiệu quả. Các sư có thể chế tạo ra loại khẩu trang y tế mới với độ bền cao hơn hay thậm chí là tự làm sạch để thay thế cho các loại dùng một lần hiện nay.

Tuy nhiên, để vượt qua đại dịch lần này, chúng ta cần nhiều sự tham gia hơn là chỉ có sản xuất và ứng dụng. Chúng ta cần sự đoàn kết. Dịch bệnh đang vào giai đoạn con người phải tiếp xúc lẫn nhau dù chưa có vaccine, ngoài ra vẫn có nguy cơ xuất hiện những dịch bệnh mới, thì việc khuyến nghị mang khẩu trang toàn cầu càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nước Mỹ cần phải học tập quá khứ từ những hình ảnh hàng nghìn người mang khẩu trang trong dịch cúm năm 1918. "Bạn cần phải mang khẩu trang không chỉ để bảo vệ bạn mà còn là con cái và cộng đồng xung quanh", Hội Chữ thập đỏ đã tuyên tuyền điều này từ thế kỷ trước. "Những ai không mang khẩu trang đều là những kẻ lười nhác nguy hiểm dù là đàn ông đàn bà hay trẻ em".

Minh Bảo theo Wired

Chủ đề khác