VnReview
Hà Nội

Liên Hợp Quốc cảnh báo khủng hoảng lương thực thế giới do tác động của đại dịch Covid-19

Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng không chỉ đến nền kinh tế mà còn cả an ninh lương thực của nhiều quốc gia vì lệnh đóng cửa biên giới và hạn chế thương mại của nhiều quốc gia.

Những biện pháp đối phó với dịch Covid-19 như cấm nhập cảnh, đóng cửa biên giới và hạn chế thương mại tự do đang tạo nên những áp lực chưa từng có tới mạng lưới cung cấp thực phẩm trên thế giới.

Ông Qu Dongyu, Tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã đưa tuyên bố mới nhất, kêu gọi các nỗ lực quốc tế nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 với chuỗi cung ứng thực phẩm và ngăn chặn khủng hoảng lương thực trên quy mô toàn cầu.

Dongyu nhấn mạnh khi các nước buộc phải ban hành các biện pháp mạnh tay để ngăn chặn đại địch Covid-19 lan rộng, họ cần phải tìm mọi cách giảm thiểu tác động tiềm tàng tới hoạt động cung cấp thực phẩm hoặc lương thực toàn cầu.

Một số quốc gia đang gián tiếp gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu có thể kể đến Kazakhstan. Nước này đã cấm xuất khẩu bột mì, hạt buckwheat (kiều mạch), đường và một số loại rau.

Hay như Nga đã đình chỉ xuất khẩu ngũ cốc chế biến. Việt Nam, quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới hiện tại đang dự trữ gạo và đã tạm dừng xuất khẩu gạo.

Hoạt động nông nghiệp cũng là mối quan tâm đáng lo ngại khác. Ở một số nơi trên thế giới, mùa xuân là thời điểm rất quan trọng để trồng trọt hoặc thu hoạch. Nhưng việc hạn chế thương mại và giao dịch nông sản ở nhiều quốc gia sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu ra cho nông sản.

Julia Kloeckner, Bộ trưởng Nông nghiệp Đức cho biết: "Nông trại và các nhà sản xuất thực phẩm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì lệnh cấm của chính phủ Đức. Thông thường có khoảng 30 ngàn nông trại cần tiêu thụ trong tháng 3, không chỉ trong vụ thu hoạch măng tây mà còn là gieo hạt và trồng cây mới. Và trong tháng 5, số nông trại có nhu cầu thu hoạch và xuất bán lên tới 80 ngàn".

Tất nhiên bức tranh đôi lúc cũng có vài điểm sáng. Các quốc gia vẫn đang nỗ lực để đảm bảo giữ giá thực phẩm ổn định. Trung Quốc đang tăng cường nguồn cung thịt lợn và kiềm chế giá thịt lợn tăng cao bằng cách bổ sung thêm nguồn thịt đông từ kho dự trữ quốc gia, thúc đẩy chăn nuôi trở lại và tăng nhập khẩu thịt.

Kết luận báo cáo, ông Qu Dongyu nhấn mạnh lãnh đạo các nước cần phối hợp và phản ứng nhanh hơn nữa để không biến đại dịch này trở thành nguy cơ đe dọa an ninh lương thực toàn cầu.

Tiến Thanh

Chủ đề khác