VnReview
Hà Nội

Tìm hiểu về biến chứng phổ biến và cực kỳ nguy hiểm của virus corona

Khá nhiều loại virus và vi khuẩn khác nhau có thể gây ra tình trạng nghiêm trọng này.

viemphoi

Mỗi ngày, chúng ta lại biết nhiều hơn về COVID-19, căn bệnh gây ra bởi chủng mới của virus corona đang lây lan trên toàn cầu.

Đối với những người đã mắc COVID-19, một biến chứng phổ biến họ thường gặp là viêm phổi.

"Viêm phổi về cơ bản là phổi bị nhiễm trùng" – Nikita Desai, một bác sỹ chuyên khoa phổi và chăm sóc tích cực tại phòng khám đa khoa Cleveland (Mỹ) cho biết. Các triệu chứng của viêm phổi bao gồm ho, khó thở, sốt, khó chịu, đau ngực, và tiết ra đờm.

Viêm phổi đôi lúc diễn tiến khá nhẹ - có nghĩa là bạn vẫn có thể thực hiện một số hoạt động thường ngày, dù rằng cơ thể cảm thấy khá mệt mỏi. Desai nói rằng đó là viêm phổi không điển hình (walking pneumonia), bởi bạn có thể đi dạo quanh được.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, viêm phổi là một tình trạng nghiêm trọng, khiến bạn phải nhập viện, sử dụng máy thở, hoặc thậm chí là mất mạng. Không tính COVID-19, mỗi năm, viêm phổi khiến hơn 250.000 người Mỹ nhập viện và cướp đi mạng sống của khoảng 50.000 người.

Chúng ta chưa biết có bao nhiêu phần trăm số bệnh nhân COVID-19 sẽ bị viêm phổi, nhưng đã có một số không qua khỏi vì biến chứng này.

Điều gì gây viêm phổi?

Vi khuẩn, nhiễm nấm, và virus như virus corona, tất cả đều có thể dẫn đến viêm phổi, dù quá trình diễn tiến có thể khác nhau. Ví dụ, virus có thể trực tiếp gây viêm phổi. Nhưng trong một số trường hợp, nếu một ca nhiễm virus đường hô hấp đủ nghiêm trọng, nó có thể gây thiệt hại lên phổi và khiến phổi đứng trước nguy cơ bị một loại nhiễm trùng thứ hai: viêm phổi do vi khuẩn. Điều này khá phổ biến trong các ca bệnh cúm, dù rằng các nhà khoa học không biết chính xác tỉ lệ xảy ra của nó.

Làm sao tôi biết mình đã bị viêm phổi?

Các bác sỹ thường chẩn đoán viêm phổi bằng cách đánh giá các triệu chứng, và bằng cách chụp X-quang lồng ngực. Chụp X-quang là một biện pháp tối quan trọng để chẩn đoán viêm phổi – theo Nicholas Hill, Trưởng khoa chăm sóc tích cực phổi và thuốc ngủ tại Trung tâm Y tế Tufts ở Boston, cựu chủ tịch Hiệp hội Lồng ngực Hoa Kỳ. "Chúng tôi thường tìm xem những thứ mà chúng tôi gọi là những bóng đen xâm nhập bất thường, báo hiệu sự hiện diện của viêm phổi" – ông nói.

Bác sỹ cũng sẽ lắng nghe nhịp thở của bạn để xem có âm thanh như chất lỏng đang nổ lốp đốp trong phổi hay không – đó là điều có thể xảy ra khi nhiễm trùng chuyển sang giai đoạn viêm.

Viêm phổi thường được chữa trị thế nào?

Nếu bác sỹ chẩn đoán bạn mắc viêm phổi, bạn sẽ phải trải qua một vài xét nghiệm khác để xác định xem tình trạng đó do vi khuẩn hay virus gây ra, bởi phương hướng chữa trị sẽ tùy thuộc vào từng loại. Nhưng việc xác định thường khá khó khăn, một phần bởi bạn có thể bị nhiễm virus và viêm phổi thứ cấp vì vi khuẩn cùng lúc.

Đôi khi, nhiễm virus có thể xác định được. Ví dụ, bác sỹ có thể cho bạn xét nghiệm cúm, vốn cho kết quả khá nhanh. Nếu cúm là nguyên nhân, bạn sẽ nhận được một liều thuốc kháng virus như oseltamivir (Tamiflu).

Nhưng kết quả xét nghiệm viêm phổi do vi khuẩn – vốn có thể được chữa trị bằng kháng sinh – thường mất 1 đến 2 ngày mới có, và kể cả khi đã xét nghiệm, các bác sỹ thường không thể chắc chắn về nguyên nhân. Trong các trường hợp này, việc chờ trước khi uống kháng sinh vì lo sợ sẽ làm tình trạng trầm trọng thêm là điều không khôn ngoan – ông Hill cho biết. Do đó, kháng sinh thường được chỉ định trước khi có kết quả xét nghiệm – thường thì bạn sẽ được uống amoxicillin trước. Một khi đã có kết quả, loại kháng sinh đã được chỉ định trước đó sẽ được điều chỉnh để tấn công vi khuẩn gây bệnh tốt hơn (các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu các phương pháp xét nghiệm hiệu quả hơn để xác định chính xác vi khuẩn sớm, nhằm giảm việc sử dụng thuốc không cần thiết).

Một số người bị viêm phổi và trở nên quá yếu, phải nhập viện. Nếu bạn bị viêm phổi, các bác sỹ sẽ quyết định xem có cần nhập viện không bằng cách xem xét mức oxy trong máu, thăm dò xem bạn có bị suy giảm nhận thức hay chức năng không, bạn có dấu hiệu nhiễm trùng huyết (một biến chứng đe dọa tính mạng của nhiễm trùng) không, và các yếu tố khác.

Viêm phổi liên quan COVID-19 có được chẩn đoán và chữa trị theo phương thức khác không?

Hiện nay, chẩn đoán viêm phổi đã trở nên thách thức hơn thông thường, bởi khâu chuẩn bị phức tạp trước khi chụp X-quang cho người nghi nhiễm COVID-19 – theo Michael Niederman, Giám đốc lâm sàng và Phó giám đốc về phổi và chăm sóc tích cực tại phòng khám Weill Cornell. Đó là bởi trang thiết bị chụp ảnh được sử dụng cho người có COVID-19 cần được khử trùng sau khi hoạt động, và nhiều người và khu vực của bệnh viện hay trung tâm y tế có thể sẽ bị lây nhiễm trước, trong và sau đó. Đối với COVID-19, ông cho biết: "Những bước sơ khởi để chụp X-quang nhằm nhận diện viêm phổi không đơn giản như trước".

Một ca bệnh viêm phổi vì COVID-19 thường được chẩn đoán giống các ca bệnh khác. Đôi lúc, chụp X-quang lồng ngực có thể tiết lộ liệu viêm phổi là do virus hay vi khuẩn, nhưng ngay cả trong những ca nghi ngờ do virus, hình ảnh không thể cho bác sỹ biết virus nào là nguyên nhân – Desai nói. Xét nghiệm cúm - và nếu kết quả là âm tính, thì xét nghiệm tiếp COVID-19 – có thể giúp xác định chính xác nguyên nhân.

Về chữa trị, dù COVID-19 là một con virus, những người chuyển biến viêm phổi nghiêm trọng thường được cho uống thuốc kháng sinh, giống như trường hợp nhiễm trùng thứ cấp vì vi khuẩn nói trên.

Cho đến lúc này, vẫn chưa rõ tỉ lệ người bị nhiễm COVID-19 sẽ chuyển biến sang viêm phổi thứ cấp vì vi khuẩn – theo lời Charles Dela Cruz, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và chữa trị nhiễm trùng phổi tại Đại học Yale. Nhưng trong đợt dịch cúm gia cầm H1N1 năm 2009, viêm nhiễm thứ cấp vì vi khuẩn là khá phổ biến.

Tuy nhiên, một khác biệt lớn khác với COVID-19 là hiện chưa có phương thuốc nào được chứng minh là hiệu quả trong việc chống lại virus. Những người nhập viện vì COVID-19 sẽ được chăm sóc hỗ trợ, như thở oxy. Một số người còn được uống thuốc kháng virus, nhưng chưa có phương thức nào được chứng minh là hiệu quả với virus này trong các thử nghiệm lâm sàng.

viemphoi

Có phải một số người thường có khả năng cao chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ viêm phổi?

Những người gặp nguy cơ cao nhất từ viêm phổi nặng là người già và người có các tình trạng bệnh lý khác, như béo phì, bệnh tim mạch, bệnh phổi, và bất kỳ ai có hệ miễn dịch suy yếu. Trong dữ liệu mới nhất từ Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, người có độ tuổi từ 85 trở lên sẽ có nguy cơ tử vong vì COVID-19 cao nhất (dù dữ liệu không nêu rõ những nguyên nhân cụ thể của cái chết).

Cần chú ý rằng viêm phổi không phải là biến chứng nghiêm trọng duy nhất của COVID-19. Các biến chứng khác bao gồm nhiễm trùng huyết, tổn thương nội tạng, và một tình trạng gọi là "hội chứng suy hô hấp cấp tính" (ARDS) xảy ra khi dịch tích tụ trong phổi. Người bị ARDS thường cần trợ giúp từ máy thở mới thở được. Những biến chứng trên đều có khả năng xảy ra đối với những người nằm trong nhóm nguy cơ cao.

Tôi nên làm gì nếu nghi ngờ nhiễm COVID-19 hay viêm phổi?

Các triệu chứng chính của COVID-19 là sốt, ho, khó thở. Theo CDC, bạn nên gọi ngay bệnh viện nếu thấy các triệu chứng này để xem có cần chăm sóc y tế hay không – nhiều người có thể không cần được chữa trị tại các phòng khám hay bệnh viện nếu nhiễm COVID-19 hoặc bị viêm phổi nhẹ.

Nếu bạn không cần nhập viện, hay ở nhà, nghỉ ngơi tuyệt đối, và uống nhiều nước. Cố tránh xa bất kỳ ai khác trong nhà, và thực hành vệ sinh thật tốt, như rửa tay và che miệng khi ho, nhằm tránh lây nhiễm cho người khác.

Nhìn chung, gặp vấn đề khi thở và đau ngực liên hồi là những dấu hiệu nguy cấp của viêm phổi, cúm, hay COVID-19, và bạn nên ngay lập tức tìm sự chăm sóc y tế. Hiện nay khi COVID-19 đang lan rộng, bạn nên gọi cho tổng đài y tế để báo rằng mình đã nhiễm COVID-19 để bệnh viện có các bước chuẩn bị phù hợp.

Tôi có nên tiêm vaccine cúm và viêm phế cầu khuẩn ngay không?

Cùng với vaccine cúm, còn có các loại vaccine khác dành cho các bệnh viêm phổi thông thường có nguyên nhân từ vi khuẩn khác. Vaccine viêm phổi được khuyến nghị dùng cho người trưởng thành từ 65 tuổi trở lên, và những người với các tình trạng y tế nhất định khác.

Tiêm vaccine cúm vào thời điểm này (nếu chưa tiêm) có phải là ý hay hay không?

Dela Cruz nói rằng không nên, đặc biệt đối với những người trong nhóm nguy cơ cao, bởi khả năng bị nhiễm virus corona trong quá trình đến phòng khám là khá cao. Dù vaccine đóng vai trò quan trọng giúp giảm nguy cơ bị cúm, bạn nên đến nhà thuốc thay vì phòng khám. "Bạn nên đến một nơi mà những người có khả năng bị COVID không đến" – Hill nói.

Đối với vaccine viêm phổi, Niederman khuyến nghị bạn hỏi ý kiến tư vấn của bác sỹ trước khi thực hiện nhằm đảm bảo sẽ được tiêm loại vaccine phù hợp nhất cho bản thân và tiêm đúng thời điểm. (Người trưởng thành nên tiêm vaccine PPSV23, hoặc Pneumovax, ở tuổi 65; một số nên tiêm PVC13 hoặc Prevnar 13). Và nếu bạn muốn tiêm vaccine, nên tiêm tại nhà thuốc.

Minh.T.T (theo ConsumerReports)

Chủ đề khác