VnReview
Hà Nội

Ấn Độ 'nín thở' mong Covid-19 không bùng phát dữ dội ở khu ổ chuột lớn nhất đất nước

Vào thứ 4 tuần trước (1/4), Ấn Độ ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì Covid-19 ở một trong những khu ổ chuột lớn nhất châu Á - Dharavi khiến nước này rơi vào tình trạng phải 'nín thở' cầu mong những điều tồi tệ không xảy ra.

'Quả bom hẹn giờ'

Đến hiện tại, Ấn Độ đã có tổng cộng 4.553 trường hợp nhiễm Covid-19, 328 người được chữa khỏi và 118 ca tử vong. Theo RT, trường hợp nhiễm bệnh rồi tử vong đáng nghi ngại nhất ở quốc gia thuộc khu vực Nam Á thuộc về một người đàn ông 56 tuổi. Ca bệnh này tử vong vào thứ 4 tuần trước (1/4), không phải là một nhân vật nào đó nổi tiếng mà chỉ là người bán hàng may mặc đơn giản. Nhưng điều đáng sợ là ông sống tại một trong những khu ổ chuột lớn nhất châu Á - Dharavi, nơi có 1,5 triệu người chen chúc trong không gian chỉ khoảng 6,13 km2.

Nằm ở ngoại ô của thành phố Mumbai, Dharavi mật độ dân số cao gấp gần 5 lần so với quận đông dân nhất ở thành phố New York (Mỹ). Theo RT, chỉ có ở Dharavi mới diễn ra cảnh 10 người sống trong 1 túp lều và 80 người dùng chung một nhà vệ sinh.

Khi phát hiện người đàn ông 56 tuổi kể trên nhiễm bệnh, rất nhiều bác sĩ và tình nguyện viên đã đến khu vực ông sống và cảnh sát cũng đi cùng. Họ đến và ở lại rất lâu để làm công tác phòng dịch. Khoảng 2.500 hàng xóm của bệnh nhân này đã bị cách ly, cơ quan chức năng tìm kiếm bằng được những người mà ông đã tiếp xúc trong 2 tuần trước đó. Cửa hàng của ông và khoảng 100 người khác cũng bị phong tỏa. Mọi khu vực sống và làm việc của bệnh nhân này được phun khử trùng một cách rất kỹ càng bởi mọi người đều hiểu, nếu không làm như vậy thì có thể thảm họa sẽ xảy ra.

Câu chuyện người đàn ông đầu tiên tử vong vì Covid-19 ở khu ổ chuột Dharavi được cả thế giới săn đón và gọi đó là một 'quả bom hẹn giờ'. Không giống như nhiều khu ổ chuột khác, Dharavi mới chỉ được thế giới biết đến nhiều khi bộ phim 'Triệu phú khu ổ chuột' đoạt giải Oscar vào năm 2008 mô tả cảnh sinh hoạt, bạo lực, chém giết ở nơi đây.

Thế giới thực sự ít biết về Dharavi và có lẽ ngay cả nhiều người Ấn Độ cũng không biết rằng một nửa số chất thải của Mumbai được tái chế ở khu ổ chuột này. Cuộc sống ở đây diễn ra rất bình đẳng và theo nhiều nhà nghiên cứu thì Dharavi cung cấp cho Mumbai một lượng lớn người lao động cũng như người giúp việc. Họ làm các công việc về gốm, nhựa, dệt may, bánh mỳ và tạo ra doanh thu đến khoảng 1 tỷ USD mỗi năm.

Nhưng Dharavi cũng là điểm nóng cho dịch bệnh bùng phát. Nơi này thường xuyên diễn ra các dịch bệnh như tả, thương hàn, kiết lị, bệnh phong, bại liệt... Năm 1986, một trận dịch tả xuất hiện ở Mumbai mà phần lớn nạn nhân đến từ khu vực ổ chuột kể trên. Ngoài ra, nơi đây cũng thường xuyên có hỏa hoạn, ngập lụt... Nói cách khác, khi Covid-19 đang hoành hành thì Dharavi như một 'quả bom hẹn giờ' của Ấn Độ và nếu dịch bệnh bùng phát ở đây thì mọi thứ sẽ là thảm họa.

Ấn Độ 'nín thở' đón chờ thử thách

Sự lo lắng của Ấn Độ về khu ổ chuột Dharavi là điều có thể hiểu được, nhất là khi ở đây đã có người chết vì Covid-19. Cơ quan chức năng nước này đã kiểm tra từng người lớn tuổi ở Dharavi và cho xét nghiệm để tìm bệnh nhân nhiễm Covid-19. Rất may mắn là Ấn Độ hiện có khá nhiều các loại kit test virus SARS-CoV-2 và cho kết quả sau chỉ 15 - 30 phút. Đất nước này cũng có chương trình giám sát dịch bệnh tổng hợp (IDSP) trong khoảng 15 năm trở lại đây. Dữ liệu của nó cho phép cơ quan chức năng phát hiện ra các cụm dịch bệnh cộng đồng và các khu vực có vấn đề về kiểm dịch.

Nhờ IDSP, Ấn Độ hiện tại xác định được khoảng hơn 10 điểm nóng về Covid-19 và thật may mắn Dharavi chưa phải là điểm nóng đáng lo ngại. Tuy nhiên, phản ứng của cảnh sát vào thứ 4 tuần trước, khi người đàn ông đầu tiên ở một trong những khu ổ chuột lớn nhất châu Á qua đời vì Covid-19 cho thấy rằng họ đang làm tất cả những gì có thể để ngăn dịch ở đây. Suy cho cùng, cách ly xã hội vẫn là cách tốt nhất để chống Covid-19 nhưng lại không thể áp dụng được ở Dharavi. Đó mới là vấn đề.

Vinod Shetty - Giám đốc một tổ chức phi lợi nhuận ở Ấn Độ cho biết: 'Chúng ta đang nói về một khu ổ chuột mà 10 - 12 người sống trong một túp lều với kích thước 10 x 10 feet (3 x 3 mét). Không thể trông mong người dân nơi đây ở trong nhà cả ngày và cách ly xã hội không thể thực hiện được. Họ trả 25 rupee (khoảng 7,8 nghìn đồng) cho mỗi 1 gallon (khoảng 3,7 lít) nước, vậy làm sao có thể trông mong họ rửa tay thường xuyên. 80 người ở đây dùng chung một nhà vệ sinh công cộng và vì thế không thể trông mong họ sẽ ở nhà'.

Một người ở Dharavi nói với AFP: 'Gia đình tôi có 5 người, chúng tôi dùng chung nhà vệ sinh với những gia đình khác và phải lấy nước từ vòi nước công cộng. Chỉ có Chúa mới có thể cứu chúng tôi lúc này'.;Với điều kiện sống ở Dharavi, hiện tại người ta chỉ mong dịch bệnh không bùng phát mạnh ở đây. Bởi nếu điều đó xảy ra, mọi biện pháp cách ly xã hội sẽ gần như là vô nghĩa tại Dharavi.

Trên thế giới, đến hiện tại đã hơn 1,3 triệu người nhiễm Covid-19, 278.834 người phục hồi và 74.301 ca tử vong.

T.T - theo RT

Chủ đề khác