VnReview
Hà Nội

Hàn Quốc: 51 ca nhiễm Covid-19 âm tính rồi lại dương tính, nghi virus 'kích hoạt lại'

Cơ quan chức năng Hàn Quốc cho biết nước này có 51 trường hợp bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã xét nghiệm âm tính nhưng rồi dương tính trở lại.

Hoàng tử 77 tuổi và 150 thành viên hoàng gia Saudi Arabia nhiễm Covid-19

Virus SARS-CoV-2 có thể 'tái hoạt động' trên bệnh nhân

Phát biểu trong một cuộc họp ngắn, Tổng giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), ông Keong Eun-kyeong cho biết: 'Virus SARS-CoV-2 có thể đã 'tái hoạt động' ở một số bệnh nhân sau một thời gian 'ngủ đông'. Các xét nghiệm được thực hiện cách nhau trong một thời gian tương đối ngắn nên không có khả năng bệnh nhân bị tái nhiễm virus từ cộng đồng'.

Được biết, Hàn Quốc phát hiện 51 trường hợp bệnh nhân có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, tuy nhiên, kết quả xét nghiệm sau đó của chính những người này lại có kết quả dương tính.

Ông Keong Eun-kyeong cho biết thêm: 'Chúng tôi cho rằng vấn đề của các bệnh nhân kể trên là do virus đã 'tái hoạt động' trong cơ thể. Hiện KCDC đang tiến hành một nghiên cứu toàn diện về vấn đề này. Đã có nhiều trường hợp một bệnh nhân trong quá trình điều trị có các kết quả xét nghiệm khác nhau, lúc âm tính, lúc khác lại dương tính'.

Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia về dịch tễ học tại Hàn Quốc cho rằng virus thường không hoạt động trở lại sau một thời gian 'ngủ đông'. Chỉ có một vài loại virus làm được điều này như một phần trong vòng đời của chúng ở một tế bào. Ví dụ như virus HIV và Herpes.

Theo tiến sĩ Keiji Fukuda, Giám đốc trường y tế công cộng thuộc Đại học Hong Kong thì nhiều khả năng 51 trường hợp ở Hàn Quốc kể trên vẫn còn một số mảnh virus SARS-CoV-2 trong cơ thể sau khi họ đã hồi phục. Những mảnh đó trong cơ thể không có nghĩa là bệnh nhân vẫn bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể bị phát hiện khi xét nghiệm axit nucleic. Ông Fukuda nói thêm: 'Kết quả xét nghiệm của các trường hợp đó có thể vẫn dương tính nhưng họ không còn bị nhiễm trùng'.

Con người có thể tái nhiễm 1 loại virus hay không?;

Hơn 350.000 người trên thế giới đã được chữa khỏi Covid-19 (con số này có thể cao hơn do nhiều trường hợp bệnh nhẹ và không có triệu chứng không được báo cáo trong các số liệu chính thức). Theo các nhà khoa học, một khi cơ thể bạn có kháng thể để chống lại một căn bệnh cụ thể thì bạn rất ít khả năng mắc lại căn bệnh đó.

Bác sĩ, nhà miễn dịch học nổi tiếng Anthony Fauci đã nói với báo chí rằng khả năng một người nào đó nhiễm 1 loại virus Corona nhiều lần là không có - ít nhất là trong một khoảng thời gian ngắn. Ông cho biết: 'Nếu một người bị nhiễm loại virus Corona A và sau đó tái nhiễm bệnh thì nguyên nhân gây nên việc tái nhiễm là virus Corona B'.

Với các loại virus có khả năng đột biến như cảm lạnh thông thường hay cúm mùa thì kháng thể con người tạo ra để chống lại chúng thường không có tác dụng với các chủng khác. Thêm vào đó, một số loại kháng thể có thể suy yếu theo thời gian.

Trong khi đó, một số loại virus gây nhiễm trùng dai dẳng có thể có thời gian trễ và 'tái hoạt động' như một phần vòng đời của chúng. Sau khi gây ra nhiễm trùng ban đầu, những virus này vẫn ở trong tế bào chủ, không nhân lên cho đến khi chúng được 'kích hoạt lại'. Ví dụ, virus gây nên bệnh thủy đậu thường tấn công trẻ em nhưng chúng vẫn có thể kích hoạt lại và gây nên bệnh zona thần kinh ở người lớn. Tuy nhiên, việc 'tái hoạt động' là không phổ biến với đa phần các loại virus.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia bùng phát dịch Covid-19 ở quy mô lớn sớm nhất trên thế giới. Tuy nhiên, dịch bệnh ở nước này đã đạt đến đỉnh vào cuối tháng 2 và đang giảm dần về số ca nhiễm. Hiện tại Hàn Quốc ghi nhận khoảng hơn 10.400 trường hợp nhiễm Covid-19 và 204 ca tử vong.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây Hàn Quốc đã phát hiện một số trường hợp nhiễm Covid-19 được điều trị khỏi bệnh nhưng sau đó xét nghiệm lại thì lại cho kết quả dương tính. Ông Keong Eun-kyeong cho biết: 'Đã có nhiều trường hợp một bệnh nhân trong quá trình điều trị có kết quả âm tính vào một ngày và vài ngày sau lại cho kết quả dương tính'. Tại Hàn Quốc, bệnh nhân sẽ được tuyên bố khỏi bệnh sau 2 lần xét nghiệm axit nucleic âm tính cách nhau 24h.

Tại Việt Nam, trong thời gian gần đây cũng đã phát hiện ba trường hợp xét nghiệm Covid-19 đã âm tính nhưng sau đó lại dương tính. Cụ thể, bệnh nhân thứ 50 có kết quả xét nghiệm âm tính các ngày 26 và 28/3; dương tính ngày 30/3, 2/4 và 5/4; 8/4 lại âm tính. Một trường hợp khác là bệnh nhân thứ 149 có kết quả âm tính lần 1 ngày 5/4 nhưng đến ngày 8/4 lại có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

T.T theo Business Insider

Chủ đề khác