VnReview
Hà Nội

Covid-19 đã thay đổi thói quen sử dụng smartphone của chúng ta ra sao?

Smartphone đã trở thành một phần quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống chúng ta. Những tác vụ như tìm đường, đặt đồ ăn, tra từ điển hay tìm kiếm trên Google,… tưởng chừng đơn giản khi có smartphone nhưng sẽ ra sao nếu không có chúng?

Dần dần, điện thoại thông minh tác động đến cuộc sống và tạo nên thói quen sử dụng của mỗi người. Và giờ, trong tình hình dịch bệnh và cách ly toàn cầu hiện nay, đây là thời điểm thích hợp để chúng ta nghĩ về những thói quen ấy và dịch bệnh đã thay đổi chúng ra sao:

Vệ sinh tay, vệ sinh luôn cả smartphone

Theo các chuyên gia nghiên cứu thị trường từ công ty Adobe Analytics, nhu cầu mua dung dịch rửa tay của người Mỹ đã tăng 1.400% chỉ trong 2 tháng cuối năm 2019 – đầu năm 2020.

Hai từ khóa "cách làm sạch điện thoại" và "cách khử trùng điện thoại" lọt top tìm kiếm nhiều nhất trên Google

Điều đó đồng nghĩa với việc mọi người đã có ý thức rửa tay thường xuyên hơn. Ngoài ra, nhiều người cũng đã bắt đầu quan tâm đến việc làm sạch smartphone. Dựa trên dữ liệu tìm kiếm từ Google cho thấy, hai từ khóa "cách làm sạch điện thoại " và "cách khử trùng điện thoại" đã gia tăng đột biến trên khắp nước Mỹ và toàn thế giới.

Trong khi trước đó, chẳng ai thèm để tâm đến việc khử trùng smartphone của mình. Giờ đây, mọi người đang bắt đầu giữ cho điện thoại trở nên sạch sẽ hơn. Tuy nhiên không biết liệu thói quen tốt mới được hình thành này có còn tồn tại sau khi dịch Covid-19 kết thúc hay không?

Mạng xã hội phát huy tác dụng kết nối cộng đồng

Ở nhà trong thời gian dài và giữ khoảng cách với cộng đồng đã khiến chúng ta sử dụng mạng xã hội nhiều hơn. Giờ đây, các mạng xã hội chính là nơi kết nối và "tụ tập đông vui" nhất với mọi người. Điển hình là Facebook, Instagram, TikTok đã ghi nhận tốc độ truy cập gia tăng đột biến trong vài tháng gần đây.

So với Facebook và Instagram, TikTok là ứng dụng được hưởng lợi nhiều nhất với mức tăng trưởng 47% trong tháng 3, theo Google Trends. Facebook, Instagram và Twitter lần lượt chứng kiến ​​mức tăng trưởng 15%, trong khi LinkedIn, ứng dụng tìm kiếm việc làm trở nên thất thế khi ghi nhận tần suất sử dụng giảm 23% trong cùng kỳ.

Theo đó, thay vì tìm kiếm trên LinkedIn, thì nay người dùng chủ yếu sử dụng các trang mạng xã hội. Cụ thể, một báo cáo dữ liệu từ Statista cho biết 32% người dân ở Mỹ đã dành nhiều thời gian để lướt Facebook, Twitter.

Nói cách khác, mọi người đang sử dụng tất cả các phương tiện có sẵn để liên lạc và kết nối cùng nhau. Chúng ta không thể đi chơi với bạn bè ngoài đời thực nhưng vẫn;có thể gặp nhau trên Meet hoặc Skype hàng ngày.

Bên cạnh đó không thể không nhắc đến Instagram khi nó trở thành công cụ đắc lực giúp người dùng chia sẻ hình ảnh và video về cuộc sống thường ngày với bạn bè và mọi người xung quanh.

Gọi video call cho nhau thường xuyên hơn

Vào tháng 3 vừa qua, nhà mạng Verizon ghi nhận lượng người dùng sử dụng dịch vụ gọi thoại tăng 25% mỗi tuần và thời lượng cuộc gọi tăng 15%. Trong khi các cuộc gọi nhóm trên Messenger tăng đột biến ở Ý với mức tăng trưởng 1000%. Các quốc gia khác cũng ghi nhận ​​mức tăng hơn 50%.

Nền tảng Skype của Microsoft đem về cho mình 40 triệu người dùng đăng ký mới, tăng 70% so với tháng trước và số phút gọi nội mạng của Skype tăng 220%.

Những con số trên đã minh chứng cho việc "nhờ" cách ly xã hội, các ứng dụng gọi video call trực tuyến được nhận một làn sóng tăng trưởng mới. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 qua đi, mọi người có thể sẽ quay trở lại thói quen cũ: chỉ sử dụng Instagram, Facebook và hiếm khi gọi điện video call.

Chơi game nhiều hơn

Theo dữ liệu từ công ty phân tích ứng dụng Sensor Tower, số lượt tải game trên thiết bị di động tăng 39% trên toàn cầu vào tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, Tổ chức Y tế Thế giới đã mở ra chiến dịch #PlayApartTogether vào tháng 3 và kêu gọi mọi người ở nhà chơi game.

Bên cạnh mạng xã hội, mọi người chơi game nhiều hơn trong thời gian cách ly

Trong nhiều năm qua, xu hướng chơi game trên các thiết bị di động đã phát triển mạnh mẽ và việc cách ly xã hội lại một lần nữa làm gia tăng tình trạng này. Theo thống kê của PhoneArena, lượng máy chơi game được tiêu thụ trong tháng 3 chỉ tăng vỏn vẹn 13%, trong khi lượng người dùng sử dụng điện thoại để chơi game lại tăng 40%.

Đơn giản là vì smartphone được tích hợp sẵn các giao diện điều khiển phù hợp và người dùng không cần đến máy chơi game chuyên dụng. Đặc biệt hơn khi người dùng ngày nay đã có thể lựa chọn thoải mái các tựa game thông qua việc sử dụng nhiều dịch vụ stream game trực tuyến như Google Stadia, Microsoft xCloud và Apple Arcade. Tất cả chúng đều lợi thế về giá và sự đa dạng về game so với các máy chơi game truyền thống.

Sạc điện thoại liên tục hơn

Việc chúng ta sử dụng điện thoại nhiều hơn khi ở nhà cũng ảnh hưởng trực tiếp tới tần suất và thời gian sạc của thiết bị. Theo một nghiên cứu kéo dài 4 tuần với hơn 4.000 người tham gia khảo sát thói quen sạc điện thoại, mọi người thường có xu hướng cắm sạc từ 6 đến 8 giờ tối. Sau khoảng thời gian đó, họ bắt đầu quay trở lại làm việc.

Tuy nhiên, có thời gian ở nhà nhiều hơn sẽ khiến xu hướng này trở nên thay đổi. Ngoài làm việc, chúng ta có thể chơi game, xem phim hay lướt web. Và khi đó, việc hết pin có thể diễn ra nhiều lần trong ngày hoặc thậm chí có người vừa sạc, vừa dùng. Tất nhiên, thói quen này sẽ thay đổi khi đại dịch kết thúc.

Tổng kết

Khi người người cách ly tại nhà, mọi thiết bị hiện có đều trở nên hữu ích. Những lo ngại rằng việc sử dụng điện thoại di động quá nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến chúng ta giờ đây không còn phù hợp. Bởi rõ ràng chúng ta đang ở thời kỳ khủng hoảng và khẩn cấp nên nếu điện thoại thông minh có thể giúp mọi người kết nối theo nhiều cách thì đó là một điều tích cực.

Thái Âu theo PhoneArena

Chủ đề khác