VnReview
Hà Nội

EVN giải thích gì về việc tiền điện tháng 4 tăng cao đột biến?

Trước việc tiền điện sinh hoạt tháng 4-2020 của người dân tăng cao đột biến, EVN cho rằng điều này theo quy luật thời tiết, cộng thêm việc người dân ở nhà nhiều thực hiện giãn cách xã hội nên nhu cầu điện tăng cao...

EVN giải thích việc hóa đơn tiền điện người dân trong tháng 4 tăng cao - Ảnh: EVN

Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (phường Phú Thuận, Q.7) cho hay vừa nhận được hóa đơn tiền điện của tháng 3 với số tiền tăng đột ngột lên 534.000 đồng. Trước đó, trong tháng 2 chị Hằng chỉ trả tiền điện 374.000 đồng.;

Theo chị Hằng, do sống một mình và làm việc tại ngân hàng nên trong tháng 3 chị luôn rời khỏi nhà từ 6h30-21h mỗi ngày. Trong nhà vẫn sử dụng tủ lạnh, điều hòa, máy nước nóng nhưng dùng rất hạn chế. Với mức dùng như thế, chị Hằng cho biết các 4 tháng qua tiền điện cũng chỉ hơn 300.000 đồng, riêng tháng 3 tăng cao hơn 142% khiến chị rất bất ngờ.

Cung cấp thông tin cho báo chí trước phản ánh tiền điện sinh hoạt tháng 4 tăng cao đột biến, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết kỳ hóa đơn tháng 4 được tính đúng vào thời điểm chuyển mùa, có tính quy luật thời tiết hằng năm. 

Trong đó, nhiều khu vực, nhất là ở phía Nam, theo quy luật thời tiết thì tháng 3 bắt đầu chuyển sang nắng nóng, điển hình như tháng 3 năm nay 2020 còn có một số ngày nắng nóng gay gắt và kéo dài ở mức trên 35 độ. Dẫn tới các hộ khách hàng sử dụng nhiều các thiết bị làm mát nên tiêu thụ nhiều điện, nhất là máy lạnh. 

Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, học sinh nghỉ học dài ngày, người dân hạn chế ra đường, nhất là trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. Vì vậy, việc sử dụng điện sinh hoạt tăng nhiều hơn những năm trước đó. 

Cụ thể, lượng điện sinh hoạt trên toàn quốc tháng 3-2020 tăng tới 8,55% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng TP Hà Nội tăng 17% và TP.HCM tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019.

Trước thắc mắc của khách hàng về tình hình hóa đơn tiền điện, EVN cho biết bên cạnh việc tuyên truyền, các tổng công ty điện lực cũng thực hiện nhiều giải pháp khác để đảm bảo quyền lợi của khách hàng. 

Đơn cử như thông tin về lượng điện năng tiêu thụ tháng trước để kiểm tra việc sử dụng điện, thực hiện phúc tra chỉ số côngtơ do bộ phận độc lập thực hiện với 100% hóa đơn có mức tăng trên 30%, trước khi phát hành tới khách hàng.

EVN cũng cho hay đang tăng cường lực lượng các điện thoại viên để tiếp nhận, giải quyết kiến nghị. Trong vòng 24 giờ khi nhận được phản ánh, EVN sẽ cử nhân viên trực tiếp xuống gặp gỡ khách hàng. 

Cũng theo EVN, trong bối cảnh dịch bệnh tác động lớn, gây nên nhiều khó khăn cho đời sống sản xuất, kinh doanh, tập đoàn và Bộ Công thương đã có đề xuất giảm tiền điện cho người dân và doanh nghiệp. Dự kiến số tiền điện giảm cho người dân lên tới gần 12.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, do đến nay chưa có quyết định chính thức và hướng dẫn thực hiện của cơ quan có thẩm quyền về việc giảm giá điện, thời gian áp dụng. Vì vậy, EVN cho biết phải thực hiện việc phát hành hóa đơn tiền điện theo đúng các quy định hiện hành.

EVN tiếp tục khuyến cáo và đề nghị khách hàng cần thật sự quan tâm và thực hành tiết kiệm điện. Đơn cử như tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị công suất lớn, trang bị các thiết bị được dán nhãn tiết kiệm năng lượng, điều hòa nhiệt độ làm mát chỉ đặt từ 26 độ trở lên…

Theo Tuổi Trẻ

Chủ đề khác