VnReview
Hà Nội

Vì sao chính sách "đeo khẩu trang nơi công cộng" các nước khác nhau?

Vào ngày 29/2, ông Jerome Adams, Tổng y sĩ Mỹ, cố vấn chính của bộ trưởng Y tế về các vấn đề sức khỏe công cộng tại Mỹ, đã đăng trên Twitter rằng "khẩu trang không có ích gì cho người dân bình thường".

Khoảng một tháng sau, vào thứ Sáu, ngày 3/4, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến cáo người dân nên đeo "khăn che mặt (khẩu trang) làm bằng vải hoặc các vật liệu thông thường tại nhà... như một biện pháp y tế công cộng tự nguyện".

Đây không phải là ví dụ duy nhất cho thấy sự thay đổi về chính sách đeo khẩu trang trong cuộc khủng hoảng COVID-19. Chuyện này xảy ra ở nhiều nước trên thế giới - từ Singapore đến Áo đến Kenya (nước vừa công bố một trong những chính sách nghiêm ngặt nhất thế giới - cảnh sát sẽ bắt bất cứ ai không đeo khẩu trang khi ra ngoài, trên xe buýt hoặc ở nơi công cộng).

Trong khi đó, một số cơ quan y tế có lập trường kêu gọi đeo khẩu trang ở nơi công cộng từ đầu đợt bùng phát – như ở Hồng Kông vào ngày 24/1, Trung Quốc vào ngày 31/1.

Trang NPR đã có bài viết tìm hiểu tại sao lại có nhiều chính sách liên quan đến việc đeo khẩu trang như vậy. Theo đó, đeo khẩu trang tất nhiên là một phương pháp phòng bệnh khoa học, song không chỉ thế. Nó còn liên quan đến những vấn đề thực tế khác – như nguồn cung khẩu trang của quốc gia, hay giá trị văn hóa, lịch sử.

Chính sách thay đổi 180 độ

Trước hết, cần xem xét các dữ liệu về lợi ích tiềm tàng của khẩu trang. Một nghiên cứu và dữ liệu mới nổi cho thấy việc virus COVID-19 có thể bị lây truyền giữa các bệnh nhân không có triệu chứng hoặc chưa có triệu chứng. Nghiên cứu như vậy đã có từ ít nhất là từ tháng Hai; báo cáo mới nhất là của Singapore vào ngày 1/4. Những nghiên cứu này nhấn mạnh mọi người có thể truyền virus trước khi biết họ bị bệnh – vì vậy việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng có thể giúp người nhiễm bệnh không lây lan những nước bọt truyền nhiễm.

Một số quốc gia ngần ngại buộc công chúng đeo khẩu trang còn vì họ lo ngại các nhân viên y tế thiếu khẩu trang. Đó là lý do tại sao Tổ chức Y tế Thế giới WHO kiên định với khuyến nghị của mình: nhân viên y tế và người bệnh cần đeo khẩu trang, công chúng nói chung không cần.

WHO và các cơ quan y tế khác cũng quan ngại về các vấn đề tiềm ẩn có thể phát sinh do đeo khẩu trang - ví dụ, người dân có thể cảm thấy an toàn khi đeo khẩu trang và chủ quan với các biện pháp phòng ngừa khác hoặc họ sẽ bị tự nhiễm bẩn khi chạm tay vào khẩu trang.

Trung tâm kiểm soát dịch bệnh châu Âu cũng không bắt buộc tất cả người dân đeo khẩu trang, song họ chỉ nói rằng khẩu trang không bảo vệ hiệu quả cho người đeo khi họ ở nơi tiếp xúc công cộng.

Nhưng rồi, các nhà khoa học bắt đầu nhận thấy quan điểm trên là không đúng. Leiyu Shi, người nghiên cứu các hệ thống y tế và chính sách y tế tại Đại học John Hopkins, nói rằng "Chính phủ không nên coi thường tầm quan trọng của khẩu trang".

NPR cho biết Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ bắt đầu thay đổi chính sách về khẩu trang vào ngày 3/4 vì "virus lan truyền quá nhanh chóng trên toàn nước Mỹ", đồng thời trích dẫn các nghiên cứu hồi tháng Hai và Ba về sự lây truyền virus giữa những người không/chưa có triệu chứng. Người phát ngôn của CDC cũng lưu ý báo cáo từ các nước châu Á cho thấy việc đeo khẩu trang có thể làm giảm cơ hội lan truyền các giọt nước bọt khi mọi người tiếp xúc với nhau.

Khi được hỏi về tweet trước đó của Tổng Y sỹ Jerome Adams, văn phòng kiểm soát bệnh tật cho biết bác sĩ Adams đã theo CDC, WHO và các tổ chức y tế khác, tất cả đều khuyến cáo không nên đeo khẩu trang như một cách phòng ngừa bệnh.Quan điểm đó đã thay đổi khi tình trạng lan truyền virus giữa những người không có triệu chứng lan rộng.

Tác động của dịch SARS đối với khẩu trang

Đối với Jeremy Lim, Phó giáo sư phụ trách sức khỏe cộng đồng của Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Quốc gia Singapore, việc các nước Đông Á hành động khẩn cấp, yêu cầu đeo khẩu trang và các biện pháp phòng ngừa là nhờ dịch SARS, Hội chứng hô hấp cấp tính nặng, một loại virus corona khác đã quét qua khu vực này năm 2003.

"Các nhà hoạch định chính sách sẽ luôn phải sống với thông tin không chắc chắn và không đầy đủ", Lim nói. "Đối với các nước Đông Á, họ hành động theo cách "thà an toàn còn hơn sau đó phải hối tiếc" ".

Khi được hỏi về quan điểm mới của CDC, các học giả y tế công cộng như Gostin tin rằng nhẽ ra cần thay đổi sớm hơn.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia mà NPR phỏng vấn, vấn đề không đơn giản là ban hành các chính sách phòng bệnh dựa trên khoa học. Trước khi ban hành các hướng dẫn, chính phủ phải cân nhắc khả năng công chúng sẽ tuân thủ chúng như thế nào.

Văn hóa đeo khẩu trang đã giúp các nước châu Á trong chính sách này - một phần do kinh nghiệm từ đợt dịch SARS. Sống sót sau dịch SARS 17 năm trước, nhiều người châu Á đã bắt đầu đeo khẩu trang ngay cả khi họ bị cảm lạnh - để bảo vệ người khác, ngay cả khi không có dữ liệu khoa học nào cho điều đó.

"Khẩu trang gần giống như một lá bùa hộ mệnh", Harris thuộc nhóm phản ứng coronavirus của WHO nói. "Mọi người cảm thấy an toàn và được bảo vệ hơn".

Văn hóa đó không giống ở châu Âu và Mỹ, mọi người không quen với suy nghĩ đeo khẩu trang để bảo vệ người khác. Mọi người có thể nghĩ rằng những người đeo khẩu trang muốn "bảo vệ bản thân họ khỏi bị lây bệnh từ những người không đeo khẩu trang".

Để thay đổi văn hóa liên quan đếnchiếckhẩu trang hoặc bất kỳ can thiệp y tế công cộng nào, Mỹ cần đưa ra những thông điệp nhất quán từ nhiều cấp chính quyền khác nhau.

Điều này là do một số người "lắng nghe các nhà khoa học" trên thế giới. Trong khi một nhóm khác lại lắng nghe thị trưởng địa phương của họ. Có một nhóm khác có thể cộng hưởng với thống đốc. Có một nhóm khác có thể lắng nghe Tổng thống Trump.

Áo vừa đưa ra quy định mới, mọi người bắt buộc đeo khẩu trang khi mua sắm. Ngày 1/4, nhân viên siêu thị đã tặng mặt nạ cho khách hàng khi họ đến.

Các chuyên gia đầu ngành cho rằng những người đứng đầu chính phủ nên lãnh đạo bằng cách làm gương, thực hành những gì họ rao giảng.

"Sẽ là một cú sốc hoàn toàn đối với công chúng Mỹ khi khẩu trang được sử dụng rộng rãi", Gostin nói. "Và tôi muốn thấy lãnh đạo của chúng tôi làm điều đó để mô hình hóa hành vi tốt đó".

Thứ Sáu tuần trước, sau khi CDC cập nhật các chính sách, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ không tuân theo chúng: "Ngồi trong văn phòng bầu dục, đằng sau chiếc bàn chắc chắn, tuyệt đẹp đó, tôi không thể nghĩ tôi lại đeo khẩu trang khi tôi chào hỏi các tổng thống, Thủ tướng, quốc vương, nữ hoàng.... Tôi không biết, tôi không thể hình dung ra chính mình như vậy".

Xã hội khác nhau, văn hóa khác nhau

Vấn đề về khẩu trang cũng liên quan đến với việc người dân sẵn lòng tuân theo lời khuyên của chính phủ.

Ví dụ, ở Hàn Quốc, hoặc thậm chí Singapore, một khuyến nghị chính phủ được đưa ra "thực sự rất nghiêm ngặt theo nghĩa đen. Nhiều người cho rằng đó là vì người dân tin tưởng vào chính phủ hơn ở các xã hội phương tây.

"Trong khi đó, các quốc gia khác phải thuyết phục người dân tuân thủ các giá trị, khuyến nghị và văn hóa có ảnh hưởng", Brusin nói thêm.

Mỹ là một quốc gia "chủ nghĩa cá nhân quyết liệt", theo Gostin, nhiều người có thể cảm thấy "bạn không thể buộc tôi phải đeo khẩu trang".

Nhưng các chính sách đeo khẩu trang ở quốc gia khác không hẳn là phản ánh chính phủ có thẩm quyền hơn. Về cơ bản, mọi người chấp nhận đặt lợi ích xã hội trướclợi ích của chính mình.

Nhưng ngay cả khi cuộc thảo luận về đeo khẩu trang nơi công cộng vẫn tiếp tục, các học giả tham gia vào bài viết của NPR vẫn đồng ý rằng giãn cách xã hội là biện pháp quan trọng nhất mà công chúng có thể thực hiện để chống lại virus.

Hoàng Lan

Chủ đề khác