VnReview
Hà Nội

Có tiếp tục cách ly toàn quốc sau ngày 15/4 hay không?

Ngày 15/4 là ngày cuối của đợt cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh Covid-19 vẫn còn rất phức tạp, câu hỏi mà nhiều người đặt ra là liệu Chính phủ có tiếp tục gia hạn thời gian cách ly toàn quốc hay không?

Giãn cách xã hội

Ban Chỉ đạo Covid-19: Việc cách ly xã hội cần có "các giải pháp chi tiết hơn, tính đến yếu tố địa phương"

Theo nhận định của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19, Việt Nam đang kiểm soát tình hình dịch bệnh nhưng nguy cơ tiềm ẩn vẫn rất lớn, đặc biệt là việc mất dấu F0 trong những ngày gần đây cho thấy trong cộng đồng đang còn tồn tại những người nhiễm virus SAR-CoV-2 nhưng chưa có biểu hiện triệu chứng và do những lý do nào đó chưa được phát hiện. Do đó, nếu nới lỏng, dịch có thể bùng phát trở lại và "chúng ta phải chuẩn bị tinh thần là dịch còn kéo dài".

Dự kiến Ban chỉ đạo sẽ đề xuất Thủ tướng ban hành chỉ thị mới, trong đó quán triệt tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch từ ban đầu, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, củng cố các quy định về truy vết ca bệnh.

Với biện pháp cách ly xã hội, các ý kiến trong Ban chỉ đạo cho rằng cần kiến nghị các giải pháp cụ thể, chi tiết hơn, tính đến yếu tố địa phương, các nhóm trong xã hội, ngành nghề sản xuất kinh doanh. Đồng thời Việt Nam cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để truy vết, giám sát các ca bệnh và việc thực hiện cách ly xã hội.

Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng đề xuất một số giải pháp để "chặn đến cùng" tất cả các ca xâm nhập; chưa nới lỏng chính sách nhập cảnh; giám sát chặt nhóm người mắc các bệnh giống cúm (qua những người mua thuốc); triển khai xét nghiệm điểm một số nhóm nhưlao động phổ thông, cộng đồng người nước ngoài sinh sống tập trung; kiểm soát chặt chẽ những nơi tập trung đông người, gồm cơsở tôn giáo, tín ngưỡng; các di tích, danh thắng; khu du lịch, vui chơi, giải trí; chợ đầu mối, chợ dân sinh; làng nghề, bếp ăn tập thể...

Tuy nhiên, bên cạnh giải pháp về phòng chống dịch bệnh, Ban Chỉ đạo cũng xác định phải quan tâm tới nhóm người yếu thế gặp khó khăn vì dịch bệnh; xem xét nới lỏng trên cơ sở có biện pháp kiểm soát phù hợp đối với một số ngành hàng sản xuất, kinh doanh dịch vụ thiết yếu...

Nhiều ý kiến cho rằng 'Nên kéo dài cách ly xã hội theo vùng miền'

Xét yếu tố dịch bệnh còn kéo dài và không thể tiếp tục cách ly trên diện rộng toàn quốc vì sẽ ảnh hưởng kinh tế rất lớn, cũng như ảnh hưởng tới những người có thu nhập thấp, lao động tự do mất việc làm, các ngành nghề dịch vụ đều đang phải đóng cửa, nhiều ý kiến đề xuất nên tiếp tục cách ly xã hội ở những địa phương còn ca nhiễm, các tỉnh chưa có dịch hoặc đang khống chế tốt cần được nới lỏng cách ly.

Theo chia sẻ trên báo VnExpress, đồng tình với kiến nghị nới lỏng cách ly xã hội theo địa phương, bạn đọc Louis nếu quan điểm: "Tôi thấy nên xem xét yếu tố địa phương vào quyết định cách ly xã hội. Nếu địa phương nào trong vòng 14 ngày đổ lại không có ca nhiễm bệnh mới thì nên bỏ cách ly đối với địa phương đó. Riêng với những địa phương đang bị dịch nhưHà Nội, Hạ Lôi, TP HCM... thì nên tiếp tục cách ly cộng đồng. Nếu mạnh tay thì cách ly địa phương luôn. Những địa phương không có ca nhiễm nên cho trở lại hoạt động thường nhật để giảm gánh nặng kinh tế".

Độc giả Nguyễn Thanh Tuấn Kiệt nói thêm: "Yếu tố địa phương ở đây, theo tôi, là mật độ dân số, tập quán sinh hoạt sản xuất (ví dụ như sản xuất nông nghiệp, trồng lúa, rau đơn chiếc; hay đi làm công nhân đông đúc trong nhà máy, xí nghiệp...), mức độ giao thương, du lịch, thương mại, tôn giáo tín ngưỡng... để có thể có những quy định riêng đặc thù vùng miền sao cho hợp lý nhất, để mọi người vừa chống dịch, vừa không ảnh hưởng đến sản xuất, làm việc".

Đồng quan điểm ủng hộ việc xem xét các yếu tố địa phương trong cách ly xã hội, bạn đọc Đỗ Xuân Dũng chia sẻ: "Đề nghị vẫn cách ly xã hội nhưng tập trung ở những tỉnh mật độ dân cư cao, có nguy cơ dễ trở thành ổ dịch. Còn lại các tỉnh chưa có ca mắc hoặc đang khống chế tốt thì cho nới lỏng cách ly, vẫn phải mang khẩu trang và cấm tụ tập đông người nhưng vẫn cho mọi người đi làm việc, chỉ hạn chế qua lại giữa các tỉnh với nhau".

Trong khi đó, độc giả Vi Nguyen cũng nhấn mạnh chỉ nên nới lỏng thay vì gỡ bỏ hoàn toàn giãn cách xã hội sau ngày 15/4: "Nếu có nới lỏng cách ly xã hội tiếp 15 ngày nữa, tôi xin góp ý như sau: Thống kê cho những công ty, cơ sở sản xuất hoạt động trở lại, nhưng phải giữ khoảng cách, tránh tụ tập, họp lại với nhau, và vé số tiếp tục ngừng phát hành cho đến ngày 30/4. Về phía các nhà hàng, quán xá ăn uống, vẫn cấm ngồi ăn tại chỗ, chỉ đem giao hoặc mua thức ăn về nhà. Có như vậy thì sau 15 ngày nữa, dịch bệnh mới mong kiểm soát được giữa các tỉnh thành phố với nhau. Nếu hết ngày 15/4 mà không có biện pháp ngăn chặn thì nguy cơ tái phát khó lường trước".

Tuy vậy, cũng có những ý kiến cho rằng chưa nên nới lỏng cách ly xã hội. Độc giả Le Ngoc Quan cho rằng: "Mấu chốt ở đây là ý thức người dân vẫn chưa cao, nên việc nới lỏng chả khác nào tạo điều kiện cho toàn bộ người dân tự do đi lại. Việc khoanh kéo dài thời gian cách lý chỉ các vùng có dịch cũng bất hợp lý, vì dịch bệnh không có triệu chứng cũng lây lan thì việc người dân từ vùng không có dịch đi vào vùng có dịch sau đó quay về lại cũng có thể mang theo mầm bệnh".

Đông đảo ý kiến người dân vẫn ủng hộ tiếp tục giãn cách xã hội thêm một thời gian nữa. Kết quả thăm dò từ VnExpress

Đề xuất vẫn tiếp tục giãn cách xã hội nhưng sẽ "nới lỏng" cho những nhóm nguy cơ thấp

Hiện nay, nhận định chung về tình hình dịch bệnh, các chuyên gia cũng lưu ý hiện tượng trong một bộ phận dân cư hiện nay đang xuất hiện tâm lý chủ quan khi cho rằng nước ta đã dập được dịch, thậm chí có người còn nghĩ rằng nếu mình chẳng may bị nhiễm virus SAR-CoV-2 thì chắc chắn sẽ được chữa trị khỏi bệnh mà không phải trả tiền. Với những người suy nghĩ như vậy thì việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của họ sẽ bị lơ là, thậm chí bị coi thường. Đó chính là nguy cơ tiềm tàng vô cùng lớn trong cộng đồng, có thể làm dịch bùng phát bất kỳ lúc nào với tốc độ hết sức nguy hiểm.

Sáng 14/4, nhóm các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ thông tin do Bộ Khoa học Công nghê và Bộ Thông tin Truyền thông chủ trì đã họp rà soát kết quả nghiên cứu, giúp Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 (Ban chỉ đạo) hoàn thiện phương án về cách ly xã hội để kiến nghị với Thủ tướng.;  

Trên cơ sở phân tích dữ liệu, nhóm chuyên gia chia các tỉnh, thành theo 3 nhóm: Nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp. Trong đó, mức độ nguy cơ được xác định bởi nhiều chỉ số, gồm chỉ số về năng lực phản ứng của từng địa phương.

Các chuyên gia đã tập trung rà soát những địa phương dự báo nguy cơ cao, cần tiếp tục áp dụng cách ly xã hội thêm một thời gian. Hai nhóm còn lại sẽ được "nới lỏng". Những biện pháp sẽ áp dụng trên quy mô cả nước (cho cả 3 nhóm) sẽ bao gồm: Đeo khẩu trang bắt buộc khi ra khỏi nhà, giữ khoảng cách tiếp xúc, cấm tụ tập đông người (kể cả các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng), chưa kinh doanh các dịch vụ vui chơi, giải trí...

Đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của chính quyền, những người tham gia phải được giám sát y tế theo quy định riêng. Ngoài các biện pháp trên, lãnh đạo các tỉnh, thành căn cứ tình hình thực tiễn trên địa bàn để quy định các biện pháp bổ sung, nhằm đảm bảo mục tiêu kép (chống dịch và đảm bảo kinh tế - xã hội)

Mức độ nguy cơ của từng địa phương thay đổi theo tình hình, dữ liệu được cập nhật hàng ngày và phụ thuộc rất nhiều vào năng lực ứng phó của từng địa phương đặc biệt là năng lực đảm bảo việc thực hiện các quy định chung; năng lực sẵn sàng truy vết, khoanh vùng khi có ca lây nhiễm; năng lực thăm khám bệnh tại nhà của hệ thống y tế đối với nhóm người cao tuổi, có bệnh nền, nhiều khả năng lây nhiễm.

Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho hay sau khi lấy ý kiến ban chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương và các bộ, ngành liên quan về việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, hầu hết đơn vị đều cho rằng cần thiết kéo dài thời gian cách ly xã hội. Trong đó, 8 địa phương được lấy ý kiến cho rằng cần thiết kéo dài thời gian cách ly xã hội đến hết tháng 4; 2 địa phương đề nghị kéo dài đến hết tháng 5 và 3 địa phương mong muốn tạm dừng thực hiện cách ly xã hội sau ngày 15/4.

Ông Nguyễn Thanh Long thông tin các bộ, ngành là thành viên của Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 quốc gia đều có ý kiến chung là cần thiết tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội. Căn cứ vào tình hình thực tiễn sau ngày 15/4, Thủ tướng có thể ban hành Chỉ thị mới dựa trên tình hình dịch bệnh và tình hình kinh tế xã hội của từng tỉnh.

Như vậy, nhiều khả năng Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị mới trong đó tiếp tục gia hạn cách ly xã hội trên toàn quốc nhưng có các điều chỉnh thích hợp để đảm bảo cuộc chiến chống dịch được toàn dân ủng hộ và giảm thiểu các tác động kinh tế xã hội.

A.M (tổng hợp)

Chủ đề khác