VnReview
Hà Nội

Vì sao con hổ ở vườn thú New York lại được xét nghiệm Covid-19?

Tình trạng thiếu hụt xét nghiệm Covid-19 và các nguồn cung liên quan khác trên toàn quốc đã khiến một số bộ phận người dân Mỹ gặp nguy hiểm và gần như "bị mù" trong cuộc chiến đối phó với đại dịch này.

Điều này gây ra làn sóng chỉ trích mạnh mẽ mỗi khi có những bài báo nói rằng người giàu hoặc người có quyền lực mới có thể làm xét nghiệm. Bởi vậy, khi tin tức bùng nổ vào cuối tuần qua rằng một con hổ ở vườn thú New York, tâm điểm dịch Covid-19 của Mỹ, xét nghiệm dương tính, đã khiến mọi người dấy lên nhiều câu hỏi. Làm thế nào chuyện đó có thể xảy ra? Tại sao một con hổ lại được xét nghiệm trong khi nhiều con người còn đang chưa được xét nghiệm?

Một bài viết trên trang Wired hôm Chủ nhật (12/4) đã phần nào làm sáng tỏ trường hợp con vật đầu tiên tại Bắc Mỹ nhiễm virus. Nó tiết lộ hai bối cảnh quan trọng: Nadia, con hổ thuộc sở thú Bronx có kết quả xét nghiệm dương tính, được chẩn đoán bằng một xét nghiệm khác với xét nghiệm dành cho con người. Thứ hai, nghiên cứu trường hợp của con hổ này có thể giúp cộng đồng khoa học hiểu rõ hơn về Covid-19, bệnh hô hấp do virus Corona chủng mới gây ra.

Theo Wired, một số loài động vật lớn tại Sở thú Bronx bắt đầu có dấu hiệu bị bệnh vào cuối tháng Ba, bao gồm hai con hổ Amur, ba con sư tử châu Phi và hai con hổ Mã Lai, Nadia và em gái của Nadia cùng con hổ Azul sống chung chuồng. Các bác sỹ thú y đã tìm hiểu trường hợp của Nadia, một trong những ca bệnh xấu nhất, thông qua các xét nghiệm để kiểm tra bệnh truyền nhiễm ở loài động vật này, bác sĩ thú y Paul Calle cho biết, lúc đó vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy con hổ có thể nhiễm virus. Tuy nhiên, với số lượng lớn các ca nhiễm Covid-19 trong thành phố, các bác sỹ đã quyết định sàng lọc cho nhóm động vật này.

"Chúng tôi đã sử dụng một xét nghiệm phân tử tương tự như xét nghiệm ở người", Leyi Wang, bác sĩ virus thú y của Đại học Illinois có phòng thí nghiệm đã tạo ra xét nghiệm trên hổ, nói. Một số phòng thí nghiệm chẩn đoán thú y trên toàn quốc cũng thực hiện nghiên cứu tương tự, như trong thử nghiệm Covid-19 ở người. Những nghiên cứu đó dựa vào một quá trình gọi là phản ứng chuỗi transcriptase polymerase ngược (RT-PCR) để so sánh trình tự di truyền của mẫu nghiên cứu với trình tự di truyền của virus.

Nadia đã được xét nghiệm dương tính ba lần dựa trên các mẫu mà nhân viên sở thú thu thập được từ mũi, cổ họng và khí quản của con hổ. Nhóm của Wang cũng đã sử dụng xét nghiệm tương tự trên các động vật khác, bao gồm khỉ đột, tinh tinh, mèo, chó và armadillo( một loài họ thú có mai), nhưng không có xét nghiệm nào dương tính. Mặc dù nguồn gốc của Covid-19 vẫn chưa rõ ràng, một số nhà khoa học đã giả thuyết rằng virus gây bệnh Covid-19 có nguồn gốc từ loài dơi trước khi lây sang người, mặc dù vậy, các nhà khoa học vẫn chưa nắm được nhiều kiến ​​thức về việc con người có nguy cơ lây truyền virus sang các động vật khác.

"Ngay từ đầu, chúng tôi đã biết rằng đây là một căn bệnh bắt đầu từ động vật và lây sang người", Casey Barton Behravesh thuộc Trung tâm nghiên cứu các căn bệnh lây nhiễm ở động vật, một đơn vị của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật quốc gia Mỹ, nói. "Những bác sỹ nghiên cứu về sức khỏe con người và các bác sỹ nghiên cứu về sức khỏe động vật cần trao đổi thông tin với nhau, đó là điều rất quan trọng".

Vẫn chưa rõ chính xác Nadia đã nhiễm bệnh bằng cách nào, song lý thuyết phổ biến là người quản lý vườn thú có thể đã vô tình truyền bệnh cho nó. Các báo cáo và nghiên cứu sơ bộ cho thấy động vật họ mèo dễ bị nhiễm virus, cũng như chồn sương và một số động vật trang trại. Trong khi có thể có một chút rủi ro bạn lây lan Covid-19 cho thú cưng của bạn, thì ở chiều ngược lại, bạn không phải lo lắng về bị lây bệnh từ thú cưng.

"Hoàn toàn không có bằng chứng nào - trên toàn cầu, hay ở một giai đoạn nào đó, tuyệt đối không - rằng động vật họ mèo có thể lây bệnh cho người", Sam Sander, một bác sĩ thú y tại Phòng thí nghiệm chẩn đoán thú y của Đại học Illinois cho biết.

Sau khi có kết quả Nadia dương tính, Sở Y tế thành phố New York đã mở một cuộc điều tra để theo dõi các tiếp xúc gần với con hổ, và hy vọng sẽ hiểu rõ hơn về virus Corona mới sau đại dịch này.

"Bộ Y tế sẽ điều tra", thư ký báo chí của Bộ Y tế Patrick Patrick nói. "Trước mắt, có vẻ đây là sự truyền nhiễm từ người-sang-động-vật. Tuy nhiên, sự lây nhiễm này đã diễn ra như thế nào là điều chúng ta cần tìm hiểu".

Hoàng Lan

Chủ đề khác