VnReview
Hà Nội

Tiền trực thăng là gì? Có phải Ngân hàng trung ương in tiền để phân phối cho dân?

Đây là một công cụ chính sách tiền tệ phi truyền thống, xoay quanh vấn đề in tiền và phân phối nó tới công chúng.

tien truc thang

Trong bối cảnh các nền kinh tế trên toàn thế giới chịu tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và chưa thể sớm tìm ra một lối thoát, chính phủ các quốc gia đang phải ngồi lại để tìm ra những chiến lược phù hợp nhằm giải quyết cơn ác mộng đầu thập kỷ mới.

Một trong những chiến lược được đưa ra là "tiền trực thăng". Nó về cơ bản là những giao dịch tiền không thể hoàn trả từ ngân hàng trung ương đến chính phủ, với mục tiêu kích thích người dân chi tiêu nhiều hơn và từ đó vực dậy nền kinh tế đang chao đảo.

Dưới đây là một vài câu hỏi liên quan tiền trực thăng và câu trả lời tương ứng, theo tổng hợp từ trang Economic Times.

1. Tiền trực thăng là gì?

Đây là một công cụ chính sách tiền tệ phi truyền thống, hướng đến mục tiêu đưa một nền kinh tế đang trì trệ ra khỏi "vũng bùn". Nó bao gồm việc in một lượng lớn tiền mặt và phân phối số tiền đó đến công chúng. Nhà kinh tế học Mỹ là Milton Friedman đã nghĩ ra tên gọi "tiền trực thăng". Trên thực tế, chính sách này không khác gì việc chất đống tiền mặt lên một chiếc trực thăng rồi thả chúng từ trên trời xuống. Friedman sử dụng thuật ngữ này để miêu tả hành động "đổ tiền một cách bất ngờ vào một nền kinh tế đang gặp khó khăn với ý định vực nó dậy khỏi cú trượt dốc sâu thăm thẳm". Theo chính sách này, một ngân hàng trung ương sẽ "trực tiếp tăng nguồn cung tiền và, thông qua chính phủ, phân phối tiền mới đến công dân với mục tiêu thúc đẩy nhu cầu và lạm phát".

2. Tại sao tiền trực thăng lại xuất hiện nhiều trên tin tức thời gian qua?

Với việc virus corona đang khiến nền kinh tế trượt dốc không phanh. Thủ hiến bang Telangana của Ấn Độ, ông KC Rao, phát biểu rằng tiền trực thăng có thể giúp các bang thoát khỏi mớ bòng bong kinh tế. Ông đề xuất lấy 5% nguồn quỹ từ GDP thông qua nới lỏng định lượng (QE). QE, một chính sách được cả thế giới làm theo, là cách duy nhất để giải quyết tình hình. Rao nói: "Để chống trả (đợt khủng hoảng kinh tế) này, chúng ta cần có một chính sách kinh tế mang tính chiến lược. RBI (Ngân hàng dự trữ Ấn Độ) nên triển khai chính sách nới lỏng định lượng. Đây được gọi là Tiền trực thăng. Nó sẽ tạo điều kiện cho nhà nước và các viện kinh tế tích lũy vốn. Chúng ta có thể bước ra khỏi khủng hoảng tài chính. Tung ra 5% của nguồn quỹ từ GDP thông qua chính sách nới lỏng định lượng".

tien truc thang

3. Tiền trực thăng có giống nới lỏng định lượng?

Nới lỏng định lượng (QE) cũng xoay quanh việc sử dụng tiền in bởi các ngân hàng trung ương để mua trái phiếu chính phủ. Nhưng không phải ai cũng xem khoản tiền dùng trong QE là tiền trực thăng. Đúng là ngân hàng trung ương sẽ phải in tiền để bù đắp thâm hụt cho chính phủ, nhưng chính phủ sẽ phải hoàn vốn đối với những tài sản mà ngân hàng trung ương mua về. Cơ chế này không giống như việc các ngân hàng trung ương mua trái phiếu, trong đó các tài sản thuộc sở hữu ngân hàng được hoán đổi cho các khoản dự trữ mới của ngân hàng trung ương. Tiền trực thăng cũng khác với việc một ngân hàng trung ương trực tiếp cấp vốn giải quyết các khoản nợ của một chính phủ.

4. Nhật Bản cũng đang triển khai tiền trực thăng?

Theo một số nhà phân tích, giải pháp kiểm soát đường cong lợi suất mà Nhật Bản đang cân nhắc về cơ bản chỉ là một loại hình tiền trực thăng mà thôi. Đó là bởi chiến lược này cho phép chính phủ chi tiêu nhiều hơn mà không phải lo lắng về vấn đề lãi suất trái phiếu tăng vọt. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã phủ nhận cáo buộc rằng "BoJ vẫn mua trái phiếu từ thị trường và không trực tiếp bảo lãnh các khoản nợ của chính phủ, một hành động có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự tự tin trong các nhà đầu tư". Dẫu vậy, lằn ranh đang mờ dần đi khi BoJ đã mua gần như ngang ngửa, hoặc thậm chí là lớn hơn, lượng trái phiếu được phát hành bởi chính phủ.

Minh.T.T (theo Economic Times)

Chủ đề khác