VnReview
Hà Nội

'Tiền trực thăng' phát trực tiếp cho dân, cách nào tối ưu?

Trước tình hình kinh tế khó khăn do đại dịch COVID-19, một số chuyên gia đã nhắc đến giải pháp "tiền trực thăng", nghĩa là phát tiền cho dân chi xài. Chuyện không dễ dàng như thế!

In tiền rồi dùng máy bay trực thăng rải tiền xuống phố để khuyến khích các hộ gia đình chi tiêu nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế. Đó là hình ảnh mà năm 1969, nhà kinh tế học Milton Friedman người Mỹ đã minh họa cho lý thuyết "tiền trực thăng" của ông trong tác phẩm "Số lượng tối ưu về tiền tệ".

"Tiền trực thăng" phải từ ngân hàng trung ương

Khái niệm "tiền trực thăng" từ lâu được xem là giải pháp không tưởng và thuần túy lý thuyết, nay lại được nhắc đến khi các nền kinh tế lớn lo ngại viễn ảnh suy thoái khó lường do đại dịch COVID-19.

Tranh luận bùng phát sau khi Thượng viện Mỹ thông qua gói kích thích kinh tế 2.000 tỉ USD hôm 25/3, trong đó có khoản 1.200 USD cấp cho mỗi người trưởng thành thu nhập dưới 75.000 USD/năm.

Báo chí xem gói kích thích kinh tế này là "tiền trực thăng" nhưng báo kinh tế La Tribune (Pháp) dẫn lời các chuyên gia cho rằng không phải như thế.

Nhà kinh tế Laurent Quignon làm việc tại Ngân hàng BNP Paribas (Pháp) giải thích: "Tiền trực thăng là chi trực tiếp tiền do ngân hàng trung ương (NHTƯ) tạo ra cho các tác nhân kinh tế gồm hộ gia đình hay doanh nghiệp".

Do đó, ông cho rằng Mỹ chi khoản tiền nêu trên là chi ngân sách thuần túy như một khoản trợ cấp chứ không phải là tiền của (NHTƯ).

Công cụ "tiền trực thăng" được giao cho NHTƯ vì NHTƯ đủ khả năng phản ứng nhanh và được trang bị tốt nhất để kiểm soát rủi ro siêu lạm phát.

Tiền trực thăng

Khái niệm "tiền trực thăng" theo nhà kinh tế học Milton Friedman (Mỹ) - Ảnh: SHUTTERSTOCK

Ủng hộ phát tiền cho dân

Nhiều tổ chức như tổ chức phi chính phủ Positive Money Europe ở Brussels (Bỉ) cho rằng "tiền trực thăng" là phát tiền cho dân.

Hồi đầu tuần, tổ chức này đã phát hành ấn phẩm có tiêu đề "Tiền trực thăng là câu trả lời cho suy thoái do COVID-19 trong khu vực đồng euro". Ấn phẩm nhằm chứng minh rằng phát trực tiếp tiền cho dân để kích thích phục hồi kinh tế sau đại dịch mà vẫn hạn chế gánh nặng nợ công.

Giám đốc điều hành Stanislas Jourdan (tác giả ấn phẩm) khẳng định cuộc đại khủng hoảng sức khỏe do COVID-19 là thời điểm thích hợp để thực hiện giải pháp "tiền trực thăng".

Ông giải thích: "Giả sử đến tháng 7 tới khi khủng hoảng y tế đã qua, số tiền 1.000 euro được phân phát cho mỗi người dân. Họ sẽ dùng tiền đó đi nghỉ mát, đi mua sắm. Tác động sẽ lên đến mức tối đa vì các hộ gia đình đã hạn chế chi tiêu mấy tháng rồi. Ngân hàng Trung ương châu Âu cần chuẩn bị giải pháp ấy để các doanh nghiệp có thể lường trước mức tăng trưởng nhu cầu".

Phát tiền trong giai đoạn phục hồi

Stanislas Jourdan nhận xét: "Các biện pháp mà Ngân hàng Trung ương châu Âu thực hiện (chi gần 900 tỉ euro mua lại nợ của nhà nước và doanh nghiệp) hoàn toàn cần thiết nhưng chỉ nhằm hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế chứ không phải giai đoạn phục hồi".

Ông tính toán các biện pháp giảm lãi suất cơ bản và mua lại tài sản được thực hiện trong 3 năm qua chỉ tác động 0,2% mức lạm phát.

Trong khi đó, ước tính nếu hỗ trợ 1.000 euro cho mỗi công dân của khu vực đồng euro thì sẽ kích thích tăng ngay 1,2% GDP, chưa kể tiền thuế tăng. Ông cho rằng tại Đức cứ phát 1 euro người dân sẽ chi xài 40 xu.

Dù vậy ông cũng thừa nhận: "Một công cụ như vậy sẽ không bao giờ đạt hiệu quả 100%. Nhưng chúng tôi chắc chắn hiệu quả của nó sẽ lớn hơn nhiều so với giải pháp mua lại tài sản".

Tổng giám đốc tổ chức xúc tiến doanh nghiệp Pacte PME (Pháp), ông François Perret, cũng tin rằng phát tiền trực tiếp cho dân sẽ hiệu quả hơn là bơm tiền vào guồng máy tài chính.

Trong diễn đàn tạp chí Forbes, ông đánh giá cú sốc kinh tế hiện nay đòi hỏi phải có giải pháp mới như phân phát nhiều tiền mặt trực tiếp cho dân chứ không chỉ cho chi tiền cho doanh nghiệp.

Làm sao có thể phát tiền được?

Trên thực tế, làm thế nào để phát trực tiếp tiền của NHTƯ cho người dân?

Tiền của NHTƯ chỉ có hai hình thức: tiền định danh (hay tiền pháp định) và quỹ dự trữ. Các khoản này không thể đem phân phát.

Nhà kinh tế Laurent Quignon ở ngân hàng BNP Paribas đánh giá "tiền trực thăng" còn mang đến rủi ro khác.

Theo lý thuyết "tiền trực thăng", nếu NHTƯ tự lấy tiền để phát cho dân mà không có tài sản bảo đảm đối ứng, bảng cân đối kế toán sẽ mất giá trị. Hậu quả sau đó là tiền mất giá và NHTƯ sẽ mất uy tín.

Laurent Quignon cảnh báo: "Nếu NHTƯ bơm quá nhiều tiền một lúc mà không thể rút tiền sau đó, điều này sẽ tạo ra nguy cơkhông thể kiểm soát được mức lạm phát… Cần thận trọng và không gieo mầm cho lạm phát không thể kiểm soát trong tương lai".

Theo Tuổi Trẻ

Chủ đề khác