VnReview
Hà Nội

Nước Mỹ có thể phải giãn cách xã hội đến tận năm 2022 vì COVID-19

Theo một nghiên cứu mới đây của Trường đại học y tế cộng đồng Harvard thì các chu kỳ "giãn cách xã hội" tại Mỹ có thể phải duy trì đến tận năm 2022 nhằm hạn chế sự lây lan của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2).

Các nhà xã hội học khuyến nghị nên tiếp tục thực hiện các biện pháp "giãn cách xã hội" hiện tại, chẳng hạn như tránh ôm, bắt tay ngay cả khi kết thúc đại dịch. Và theo một nghiên cứu mới đây được đăng tải trên tạp chí Science thì ngay cả khi sự lây nhiễm của COVID-19 bắt đầu lắng xuống, "dịch COVID-19 vẫn có thể tái bùng phát ở tận cuối năm 2024".

"Tỷ lệ mắc bệnh COVID-19 trong vòng 5 năm tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc bệnh dịch này có bắt đầu vòng tuần hoàn liên tục sau đợt sóng đại dịch đầu tiên, điều này sẽ lần lượt dựa vào thời gian miễn dịch đối với SARS-CoV-2", theo các nhà nghiên cứu.

Nghiên cứu này tập trung chủ yếu vào giải quyết câu hỏi đó là: Thời gian miễn dịch khi tiếp xúc với virus corona chủng mới kéo dài bao lâu? hoặc miễn dịch chéo đối với các chủng virus corona khác có giúp cơ thể chống lây nhiễm? (Cần lưu ý là nó không hề giống với khả năng miễn dịch mà vắc-xin mang lại). Nghiên cứu sẽ thực hiện phân tích các kịch bản mô hình hóa trên máy tính, sử dụng dữ liệu có sẵn tới nay về virus SARS-CoV-2, kết hợp với dữ liệu của hai chủng virus corona có liên quan được coi là nguyên nhân thường gặp thứ hai gây bệnh cảm cúm thông thường (sau virus Rhino).

Nếu khả năng miễn dịch với SARS-CoV-2 tương tự như các chủng virus corona khác trong nghiên cứu, thì nó có thể tồn tại ít hơn một năm, kết quả là sẽ có các đợt bùng phát dịch như dịch cúm hàng năm mà chúng ta thường thấy. Trong một kịch bản khác, khả năng miễn dịch có thể kéo dài đến tận hai năm, như vậy chúng ta sẽ phải chứng kiến các đợt bùng phát dịch hai năm một lần, xen lẫn là các đợt dịch nhỏ hơn.

Mô hình đánh giá của Đại học Harvard cho thấy SARS-CoV-2 có thể gây bùng phát dịch trên quy mô lớn vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, trong đó, các đợt dịch bắt đầu vào mùa thu hoặc đầu đông sẽ nghiêm trọng hơn so với khi xảy ra vào cuối mùa đông hoặc mùa xuân. Các bệnh dịch tương tự đã cho thấy sự suy yếu khi nhiệt độ tăng dần vào mùa hè, nhưng khi bước vào mùa thu, tỷ lệ nhiễm bệnh đã tăng trở lại, một "khuôn mẫu" từng xuất hiện trong đại dịch cúm năm 1918.

Các "khuôn mẫu" này cũng thường xuất hiện ở những nơi có sự phân biệt giữa các mùa rõ ràng. Chẳng hạn như New York, tỷ lệ nhiễm bệnh trong mùa hè giảm nhanh hơn rất nhiều so với vùng khí hậu ấm như Florida, nhưng sau đó sẽ là đợt nhiễm bệnh đỉnh điểm khi mùa đông trở lại. Về bản chất, những vùng khí hậu lạnh hơn sẽ chứng kiến sự dao động mạnh hơn theo mùa về tỷ lệ nhiễm bệnh.

Trong một kịch bản đầy triển vọng, khả năng miễn dịch kéo dài khoảng hai năm với virus SARS-CoV-2 kết hợp cùng với miễn dịch chéo từ các chủng virus corona ít nghiêm trọng hơn sẽ có thể gần như loại bỏ virus SARS-CoV-2 trước khi nó kịp "hồi sinh" vào năm 2024.

Cho đến nay, Hoa Kỳ và phần lớn các quốc gia khác đã chọn cách đối phó với đại dịch COVID-19 là "phong tỏa" và "giãn cách xã hội", tuy nhiên các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng chỉ một vòng cách ly đầu tiên có lẽ là chưa đủ.

"Những nỗ lực giãn cách xã hội hiện tại có thể khiến cho dịch bệnh SARS-CoV-2 lên đỉnh điểm vào mùa thu (ở phía Bắc Hoa Kỳ). Chúng ta có thể phải thực hiện những đợt ‘giãn cách' không liên tiếp cho đến năm 2022 chừng nào chưa thể tăng cường vượt trội năng lực hồi sức tích cực hoặc có sẵn phương pháp điều trị hoặc vắc-xin", theo các nhà nghiên cứu.

Nhóm tác giả thừa nhận phân tích của họ còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Các mô hình giả lập chưa tính đến một số yếu tố, như là tác động của việc mở cửa lại trường học, sự khác biệt về địa lỳ và cách thức virus ảnh hưởng đến từng nhóm tuổi khác nhau, đó là chưa kể đến sự hiểu biết chưa hoàn chỉnh của chúng ta về bản thân chủng virus mới.

Để giúp xác định phương hướng sắp tới, các nhà nghiên cứu cho rằng cần hiểu rõ hơn về khả năng miễn dịch cũng như vai trò của giám sát dịch tể học, thực hiện thông qua xét nghiệm trên diện rộng và truy tìm dấu vết.

Giang Vu (Theo Cnet)

Chủ đề khác