VnReview
Hà Nội

Cắt tài trợ cho WHO: Tổng thống Trump hứng chỉ trích

Ngày 14/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hoãn tài trợ cho WHO và cáo buộc tổ chức y tế của Liên Hiệp Quốc thất bại trong xử lý đại dịch và che đậy thông tin về sự lây lan của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2).;

Các khoản tài trợ sẽ bị phong tỏa lên đến 90 ngày, trong khoảng thời gian này chính quyền ông Trump sẽ điều tra cách ứng phó của WHO trong đại dịch và khả năng nối lại các khoản này phụ thuộc vào kết quả của cuộc điều tra.

Tuyên bố được đưa ra trong thời điểm đại dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp của nhà lãnh đạo Mỹ đã bị nhiều lãnh đạo và chuyên gia trên thế giới chỉ trích. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi phản đối quyết định và cho rằng động thái này là nguy hiểm trong bối cảnh Covid-19 bùng phát.

Bà Pelosi cho rằng: "Việc Tổng thống Trump hoãn tài trợ cho WHO khi tổ chức này đang dẫn đầu cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch là vô nghĩa. Quyết định này là nguy hiểm, bất hợp pháp và sẽ nhanh chóng đối mặt thách thức".

Hiệp hội Y khoa Mỹ (AMA) cũng gọi quyết định của ông Trump là nguy hiểm. Chủ tịch AMA Patrice Harris cho rằng: "Trong cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng tồi tệ nhất trong một thế kỷ qua, việc tạm dừng tài trợ cho WHO là một bước đi nguy hiểm theo hướng sai lầm và sẽ không giúp ích cho cuộc chiến đánh bại Covid-19. Chống lại đại dịch toàn cầu đòi hỏi sự hợp tác quốc tế và phụ thuộc vào khoa học và dữ liệu".

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cũng cho rằng đây không phải là lúc để cắt giảm các nguồn tài trợ cho WHO hoặc bất kỳ tổ chức nhân đạo nào khác trong cuộc chiến chống lại Covid-19. Ông Guterres cho rằng: "Đây là lúc phải đoàn kết và cộng đồng thế giới chung tay hợp tác để ngăn chặn SARS-CoV-2 cũng nhưcác hậu quả của dịch bệnh".

Cũng lên tiếng phản đối động thái của ông Trump, tỉ phú Bill Gates viết trên mạng Twitter: "Việc hoãn tài trợ cho WHO trong cuộc khủng hoảng đại dịch là hành động nguy hiểm. Công việc của họ là làm chậm lại sự lây lan của Covid-19 và nếu công việc của họ gián đoạn, không có tổ chức nào khác có thể thay thế", Bill Gates viết và nhấn mạnh, "thế giới cần WHO hơn bao giờ hết".

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Yonhap của Hàn Quốc vào ngày 12/4, tỷ phú Bill Gates đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới, đặc biệt là G20, cần duy trì việc tài trợ cho hoạt động nghiên cứu vắc-xin phòng ngừa Covid-19. Tỷ phú cho biết, Liên minh vì Đổi mới ứng phó dịch bệnh (CEPI) do Quỹ Bill và Melinda Gates, Quỹ Tín thác và chính phủ của nhiều quốc gia thành lập đang phát triển ít nhất 8 loại vắc-xin phòng Covid-19 và dự kiến sẽ có ít nhất một trong số những vắc-xin này sẵn sàng để đưa ra thị trường trong vòng 18 tháng tới.

Sau Mỹ, Quỹ Bill & Melinda Gates của vợ chồng tỉ phú Bill Gates là nhà tài trợ lớn thứ hai cho WHO, chiếm gần 10% nguồn tài trợ với khoản đóng góp lên đến 531 triệu USD. Quỹ Bill & Melinda Gates cũng đã cam kết hỗ trợ 100 triệu USD để giúp ngăn chặn sự bùng phát của SARS-CoV-2.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cảnh báo việc ông Trump tấn công WHO và quyết định rút tài trợ khỏi tổ chức này có thể đặt sức khỏe toàn cầu và lợi ích Mỹ vào rủi ro trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot Engel cũng lên tiếng: "Với những ngày đã qua của đại dịch, Tổng thống Mỹ luôn chê trách WHO và Trung Quốc. Trump cũng luôn chê trách các đối thủ chính trị và người tiền nhiệm. Tuy nhiên, chính quyền Trump đã không xử lý đại dịch theo một phương cách tốt dẫn đến thiệt hại hàng nghìn mạng sống của người Mỹ".

Hối tiếc sâu sắc về quyết định của ông Trump, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borell khẳng định: "Không có lý do nào để biện minh cho động thái này tại một thời điểm khi những nỗ lực của họ là cần thiết hơn bao giờ hết để giúp ngăn chặn và giảm thiểu đại dịch #coronavirus".

Người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết ông lấy làm tiếc về quyết định rút tài trợ của Mỹ nhưng giờ là lúc thế giới nên đoàn kết trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19.

"WHO cũng đang xem xét tác động đối với khả năng rút tài trợ của Mỹ và chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác để lấp đầy mọi khoảng trống nhằm đảm bảo công việc của chúng tôi không bị gián đoạn" – ông Tedros nhấn mạnh.

Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh rằng vai trò của WHO không chỉ dừng lại ở đại dịch COVID-19, mà còn liên quan tới nhiều "cuộc chiến" với bệnh dịch khác của nhân loại: "Với sự hỗ trợ của người dân và chính phủ Mỹ, WHO đã nỗ lực cải thiện và nâng cao sức khỏe của người dân tại nhiều quốc gia nghèo nhất, dễ tổn thương nhất trên thế giới. Chúng tôi không chỉ chiến đấu với COVID-19, mà chúng tôi còn chiến đấu với nhiều vấn đề khác nhưbệnh bại liệt, sởi, sốt rét Ebola, HIV, lao, suy dinh dưỡng, ung thư, tiểu đường, sức khỏe tâm thần, v.v... Chúng tôi cũng phối hợp với nhiều quốc gia để tăng cường hệ thống y tế của họ và nâng cao khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế tại các quốc gia này".

Đề cập tới quá trình đánh giá về phản ứng trước đại dịch COVID-19, Tổng Giám đốc WHO cho biết việc đánh giá sẽ được tiến hành "vào thời điểm thích hợp" bởi các thành viên của WHO và các cơ quan độc lập để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm. Ông Ghebreyesus đã gửi lời cảm ơn tới các quốc gia đã ủng hộ WHO trong bối cảnh khủng hoảng, và khẳng định trọng tâm của tổ chức này vào thời điểm hiện tại là "tập trung vào công việc, ngăn chặn virus corona và cứu mạng người". "Khi chúng ta chia rẽ, virus sẽ tấn công vào sự mâu thuẫn giữa chúng ta", ông Ghebreyesus nhấn mạnh.

Trước đó, lý giải về hành động của mình, ông Trump cho rằng "Đáng ra dịch đã có thể được khống chế ngay tại nguồn. WHO đã thúc đẩy thông tin sai lệch của Trung Quốc về virus. Nếu WHO làm tốt công việc của mình bằng cách đưa các chuyên gia y tế tới Trung Quốc để đánh giá tình huống tại hiện trường một cách khách quan và lên tiếng về sự thiếu minh bạch của Trung Quốc thì dịch bệnh có thể đã được khống chế tại nguồn với rất ít người tử vong", ông Trump nói.

M.A (tổng hợp)

Chủ đề khác