VnReview
Hà Nội

Muôn kiểu chống dịch Covid-19 hài hước của các nước trên thế giới

Ngoài các biện pháp như cách ly xã hội và phong tỏa đất nước, các quốc gia trên thế giới cũng có nhiều cách để tăng hiệu quả của công tác chống dịch thông qua các biện pháp vô cùng hài hước như trong bài viết này.

Từ Ukraina cho tới Ấn Độ, Indonesia, Philippines, có rất nhiều cách thú vị để chính quyền địa phương có thể sử dụng để răn đe, cảnh báo tới tất cả người dân về việc chấp hành quy định cách ly xã hội và hạn chế ra đường trong mùa dịch để tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cho bản thân và cộng đồng.

Ukraina

Thành phố Dnipro của Ukraina cho đến nay mới chỉ có hơn chục người bị nhiễm Covid-19 và chưa có trường hợp tử vong nào. Tuy nhiên để cảnh báo tới tất cả người dân, chính quyền thành phố này đã đào hơn 600 ngôi mộ mới trong các nghĩa trang của thành phố.

Theo thị trường thành phố Dnipro, cách làm này sẽ là lời cảnh báo rõ nhất tới tất cả người dân địa phương về việc không được chủ quan và bất tuân các biện pháp cách ly xã hội. Viết trên trang Facebook của chính quyền địa phương, thị trường Borys Filatov viết, các nhà chức trách đang chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất khi có hơn 600 ngôi mộ mới đã được đào sẵn để chờ đón những ca tử vong mới vì dịch Covid-19. Ngoài ra thành phố Dnipro cũng đã mua sẵn gần 2 ngàn túi đựng xác chết để lưu trữ thi thể.

Cộng đồng mạng cho rằng, biện pháp cực đoan của thị trường thành phố tuy gây hoang mang và lo lắng cho người dân địa phương nhưng lại là cách hữu ích để đánh vào tâm lý thận trọng của người dân.

Ấn Độ

Ấn Độ là một trong những quốc gia có nhiều hình thức phong tỏa và khuyến cáo người dân rất đặc biệt, thậm chí là vô cùng hài hước. Mới đây hôm 12/3, 10 du khách đến từ Israel, Mexico, Úc và Áo bị bắt gặp đang đi dạo ở thị trấn Rishikesh, phía bắc Ấn Độ đã phải chịu một hình phạt nhớ đời.

Cụ thể cảnh sát địa phương đã đưa ra hình phạt khá hài hước cho những du khách này, đó là viết dòng chữ "I did not follow the rules of lockdown so I am so sorry" đúng 500 lần. Tạm dịch là "Chúng tôi đã không tuân thủ quy định phong tỏa. Chúng tôi rất xin lỗi vì vi phạm".

Trước đó chính phủ Ấn Độ đã ra lệnh phong tỏa toàn quốc từ gần cuối tháng 3 và người dân chỉ được phép rời khỏi nhà để mua đồ tạp hóa và thuốc men. Dự kiến lệnh phong tỏa ở Ấn Độ có thể kéo dài đến tháng 5.

Cảnh sát Ấn Độ cũng có nhiều chiêu trò khá thú vị để cảnh báo tới người dân, bao gồm việc đội mũ bảo hiểm được chế theo hình virus SARS-CoV2 để dọa họ. Thậm chí một số cảnh sát còn dùng roi vọt như một cách thức truyền thống để răn đe các tài xế và người bán hàng rong vi phạm. Những người ra đường không có lý do cũng sẽ phải thực hiện động tác phạt như chống đẩy, squat hoặc nhảy cóc.

Indonesia

Ở một số ngôi làng trên đảo Java, Indonesia, nhiều người dân đang bị những con ma màu trắng (pocong) ám ảnh tới nỗi không dám ra khỏi nhà. Trong văn hóa dân gian Indonesia, pocong đại diện cho linh hồn bị mắc kẹt của người chết.

Tuy nhiên thực tế những con ma đó chỉ là những tình nguyện viên tham gia vào kế hoạch ép buộc người dân ở nhà và tránh ra ngoài đường tại thời điểm này. Những con ma trắng thực chất là người bên trong và được buộc xung quanh bởi một lớp vải trắng và buộc túm lại ở trên đầu. Họ thường ngồi trên các ghế ở giữa đường hoặc đứng ở các góc đường để dọa người dân.

Anjar Pancaningtyas, người đứng đầu một nhóm thanh niên trong làng đã bàn bạc với cảnh sát về sáng kiến này để nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp cách ly xã hội.

Philippines

Tại Philippines, người ta thậm chí còn mang quan tài ra đặt giữa đường và dán kèm các thông điệp như "Ở nhà hay là ở trong đây". Nếu đến thủ đô Manila tại thời điểm này, bạn có thể bắt gặp các trạm kiểm soát dịch và hình ảnh các cỗ quan tài như vậy trên đường phố.

Sự xuất hiện của quan tài ở ngoài đường là lời cảnh báo cực kỳ rùng rợn nhưng cũng rất hài hước đối với tất cả người dân. Có lẽ ai cũng hiểu sự nguy hiểm đến nhường nào của căn bệnh này và sẽ nâng cao tính tự giác hơn trước mỗi quyết định khi đi ra đường.

Đặc biệt chính quyền ở một số địa phương ở Philippines còn bêu tên công khai hoặc bị nhốt trong lồng vào giữa trưa.

Ngoài ra còn rất nhiều hình thức phạt những người không tuân thủ quy định cách ly xã hội và đi ra ngoài đường khi không có lý do chính đáng đã bị phạt ở các quốc gia khác theo nhiều cách rất thú vị, ví dụ như lộn nhào hoặc vừa đi vừa đọc khẩu hiệu phải ở nhà.

Tiến Thanh (Tổng hợp)

Chủ đề khác