VnReview
Hà Nội

Di sản y tế thời Liên Xô đã phát huy tác dụng rõ rệt trong quá trình phòng dịch COVID-19

Một số di sản từ nền y tế thời Liên Xô đã giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, và là lí do tại sao virus corona lây lan chậm ở Nga, Ukraine và một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

Nhanh chóng phong tỏa

Tại một vùng đồng cỏ ở vùng núi xa xôi thuộc Kyrgyzstan 7 năm trước, một cậu bé săn được một con sóc. Năm ngày sau đó, bố mẹ đã phải đưa cậu bé tới trạm xá của làng. Cậu bé liên tục mê sảng, đổ mồ hôi và qua đời tại đây vì dịch hạch.

Như một bóng ma từ thời trung cổ, bệnh dịch hạch vẫn thường xuyên xuất hiện trở lại ở một số vùng hẻo lánh và vẫn tiếp tục tồn tại trên một số loài gặm nhấm.

Sau nhiều thế kỉ, nhờ vào sự phát triển của ngành y tế, dịch hạch không còn là mối đe dọa quá đáng lo ngại. Ngày nay, các bác sĩ đã có thể chữa trị căn bệnh này bằng kháng sinh.

Tuy nhiên, trong những năm 1920, dịch hạch vẫn là một vấn đề nhức nhối đối với Liên Xô và buộc quốc gia này phải thiết lập một cơ quan chuyên trách nhà nước để theo dõi và kiểm soát dịch bệnh.

Di sản y tế thời Liên Xô đã phát huy tác dụng rõ rệt trong quá trình phòng dịch COVID-19

Lều y tế để chữa trị các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm ở Mông Cổ vào năm 1948. Liên Xô đã gửi các nhà khoa học tới các vùng khác nhau, bao gồm Trung Quốc và Mông Cổ, để học hỏi về bệnh dịch. Ảnh: Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, Monterey

Hiện tại, Nga và nhiều quốc gia khác vẫn có những tổ chức tiếp nối và kế nhiệm vai trò của cơ quan thời Liên Xô. Với kế hoạch cách ly sẵn có và những nhân sự được đào tạo bài bản, các tổ chức kế thừa đã trở thành trợ thủ đắc lực trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Theo New York Times, một số di sản từ nền y tế thời Liên Xô đã giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, và là lí do giải thích tại sao virus corona lây lan chậm ở Nga, Ukraine và một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ trong khi Mỹ và Tây Âu chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh.

Ravshan Maimulove, người điều hành trung tâm phòng chống dịch bệnh khu vực ở Kyrgyzstan và cũng là người từng khám cho cậu bé nhiễm dịch hạch vào năm 2013, cho biết ông đã sử dụng kế hoạch cách ly tương tự 7 năm trước cho đợt dịch virus corona vào tháng 3 năm nay.

Trong vụ việc năm 2013, khi cậu bé 15 tuổi tới bệnh viện làng, ông Maimulov cho biết "cơ thể cậu vã đầy mồ hôi và có thể thấy các vết sưng dưới cánh tay và cằm". Cậu bé tử vong chỉ vài giờ sau khi tới bệnh viện.

Được biết, ông Maimulov đã được đào tạo tại viện phòng chống dịch bệnh có tên Microbe. Sau khi cậu bé tử vong, ông đã yêu cầu chính quyền ngay lập tức lên kế hoạch phong tỏa, kể cả vào thời điểm họ chỉ mới xét nghiệm sơ bộ nguyên nhân tử vong.

Ông đã yêu cầu cơ quan chức trách địa phương nhanh chóng hành động trước khi lộ thông tin và trước khi người dân trong vùng rời đi nơi khác.

"Chúng tôi cần phải ngăn không cho họ di chuyển," ông nói. Tới sáng ngày hôm sau, các chốt cảnh sát đã được thiết lập và toàn bộ ngôi làng đều bị phong tỏa.

Sau đó, 32 làng được đưa vào diện kiểm soát trong khi 700 y tá đi tới từng nhà để tìm kiếm dấu hiệu người mắc bệnh. Các mảnh da sóc bị thu lại và tiêu hủy. Đội phản ứng khi ấy đã hành động kịp thời và cậu bé là trường hợp duy nhất nhiễm dịch hạch.

Di sản y tế thời Liên Xô đã phát huy tác dụng rõ rệt trong quá trình phòng dịch COVID-19

Hiệu quả trong đại dịch

Năm nay, theo khuyến nghị của ông Maimulov, chính quyền quanh vùng Issyk-Kul cũng áp dụng phương pháp phong tỏa tương tự đối với đại dịch virus corona. "Chúng tôi làm việc theo kế hoạch hành động cho đại dịch," ông Maimulov nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại. Khu vực với 500.000 dân cư này tới nay thông báo chỉ có 3 ca dương tính và cả Kyrgyzstan có tổng cộng 5 trường hợp tử vong.

Nga hiện đang duy trì 13 trung tâm phòng chống đại dịch, 5 viện nghiên cứu dịch bệnh và nhiều trạm nghiên cứu khu vực.

Hồi tháng 3, chính quyền Nga đã đưa các trang thiết bị kĩ thuật khác tới các trung tâm phòng chống dịch ở Moscow nhằm tăng cường khả năng xét nghiệm virus corona.

Viện Microbe, ban đầu được lập ra để xử lí dịch hạch nhưng sau này được tận dụng để đối phó với các bệnh truyền nhiễm khác như dịch tả, sốt vàng da, bệnh than, bệnh sốt thỏ và thiết lập mô hình về sự lây lan của virus corona.

Bắt đầu từ tháng 1, các giám đốc điều hành các trung tâm chống dịch bệnh ở Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), bao gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Nga, đã có cuộc đối thoại về virus corona. Học viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm ở Odessa, Ukraine cũng là một trong những cơ quan đối phó với virus corona.

Ông Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, cho biết di sản chung từ thời Liên Xô đã giúp hạn chế sự lây lan của đại dịch. "Các nhân viên y tế có thể phản ứng như quân đội khi đại dịch xảy ra," ông nói.

Theo báo Tổ Quốc

Chủ đề khác