VnReview
Hà Nội

Virus corona có thể đã bùng phát từ tháng 9 năm ngoái

Theo một nghiên cứu từ Đại học Cambridge, virus corona nhiều khả năng đã bùng phát vào đầu tháng 9 năm ngoái tại tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc thay vì từ tháng 11 như một số thông báo trước đó.

Theo báo South China Morning Post, các nhà nghiên cứu đã phân tích lượng lớn các chủng loại virus corona từ khắp nơi trên thế giới và dự đoán sự bùng phát đại dịch Covid-19 bắt đầu diễn ra trong khoảng thời gian từ 13/9 đến 7/12.

"Virus có thể đã tiến hóa và phát triển thành biến thể cuối cùng gây nguy hại cho con người cách đây vài tháng. Tuy nhiên, nhiều khả năng trước khi lây lan trên diện rộng, virus corona đã có sẵn trên dơi, một loài động vật nào đó hoặc thậm chí là con người trong nhiều tháng mà không lây nhiễm cho các cá thể khác", nhà di truyền học thuộc Đại học Cambridge, Peter Forster cho biết.

"Sau đó, nó bắt đầu lây nhiễm và lan rộng ở người từ ngày 13/9 đến ngày 7/12, tạo ra mạng lưới lây truyền mà chúng tôi trình bày trong tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS)", Forster nói thêm.

Được biết, kết quả nghiên cứu được thực hiện nhờ biện pháp mạng lưới phát triển gen – một thuật toán toán học có thể lập bản đồ di chuyển toàn cầu của các loài sinh vật thông qua quá trình đột biến gen.

Hiện các nhà nghiên cứu của Đại học Cambrige vẫn đang cố gắng xác định vị trí của "các bệnh nhân số 0" cùng với sự giúp đỡ từ giới khoa học Trung Quốc ở Vũ Hán, chính là điểm bùng phát dịch vào tháng 12 năm ngoái.

Đại học Cambridge gần đây đã công bố một số nghiên cứu quốc tế về lịch sử tiến hóa của virus corona. Những chủng virus được thu thập ở Mỹ và Úc có cấu trúc giống với virus ở dơi hơn là các chủng phổ biến từ khu vực Đông Á, châu Âu.

Nhưng trong đó, các nhà khoa học chỉ mới tiến hành so sánh trên 160 chủng virus đầu tiên được lấy mẫu từ cuối tháng 12. Kích thước mẫu nhỏ đã phần nào làm hạn chế khả năng xác định thời điểm và nguồn gốc nơi xuất phát dịch bệnh.

Trong một nghiên cứu mới chưa được thẩm định, Forster và các đồng nghiệp từ Đức đã mở rộng cơ sở dữ liệu, bao gồm 1.001 trình tự bộ gen. Càng phân tích nhiều chủng loại, họ sẽ càng có thể theo dõi chính xác của sự lan truyền virus. Bằng cách đếm đột biến, họ có thể tiến gần hơn đến việc tìm ra người đầu tiên nhiễm chủng virus corona bắt nguồn từ dơi.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra SARS-CoV-2, virus gây bệnh Covid-19 có đến 96% điểm tương đồng về gen với một loại virus corona được tìm thấy trong chất thải dơi ở khu vực tây nam tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Điều đáng nói ở chỗ cứ mỗi tháng, chủng virus này sinh ra đến hàng trăm loài đột biến. Vì thế một số nhà khoa học nghi ngờ rằng đây có thể là nguồn lây lặng lẽ ở động vật chủ trong nhiều năm, và cho đến nay phát triển lên một loài có thể thích nghi và lây nhiễm sang người.

Su Bing, một nhà nghiên cứu di truyền thuộc Viện Động vật học Côn Minh ở Vân Nam của Trung Quốc cho biết mạng lưới phát triển gen là một công cụ đáng tin cậy được sử dụng bởi các nhà điều tra gen trong nhiều thập kỷ và được ứng dụng trong một loạt lĩnh vực bao gồm theo dõi sự di chuyển của con người thời tiền sử.

Nhưng phương pháp này có giới hạn của nó. Độ chính xác về ước tính thời gian dựa trên mạng phát triển gen bị ảnh hưởng bởi kích thước mẫu và giả định tốc độ đột biến.

Trong một đợt bùng phát chưa từng có, virus có thể trải qua nhiều biến đổi theo mô hình không thể lường trước. Vì vậy, độ chính xác không hoàn toàn là 100% nên phương pháp luôn có một vài sai sót nhỏ, Forster nói.

"Các nghiên cứu có thể cung cấp một số manh mối quan trọng cho các cuộc điều tra trong tương lai, nhưng kết luận sau cùng nên được xử lý một cách thận trọng, kỹ lưỡng".

Nghiên cứu của Đại học Cambridge cũng đưa ra một số câu hỏi mới. Chủng virus đầu tiên được phân lập và báo cáo bởi các nhà khoa học Trung Quốc thực sự trẻ hơn loài gốc gây ra dịch. "Tại sao Hoa Kỳ có nhiều chủng gen virus gần giống với virus dơi hơn Vũ Hán" là câu hỏi đã gây nên nhiều tranh cãi trong cộng đồng nghiên cứu.

Cá nhân Forster cho biết dù là chủng virus có thể xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc đi chăng nữa nhưng nó vẫn có thể thích nghi và phát triển tốt với dân số và môi trường Mỹ.

Hiện tại, nguồn cơn của dịch bệnh này đã trở thành điểm nóng trong các vấn đề chính trị. Tống thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần gọi virus corona là virus Trung Quốc, trong khi Trung Quốc lên tiếng bác bỏ, thậm chí còn ám chỉ virus này đã được quân đội Mỹ bào chế và phát tán cho người dân Trung Quốc.

Một số tờ báo Mỹ như Fox News hay CNN tuần này đã đưa tin về khả năng virus corona có thể bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm sinh học ở Vũ Hán. Giả thuyết nguồn gốc từ phòng thí nghiệm từ lâu đã bị các nhà khoa học hàng đầu thế giới bác bỏ, bởi vì tất cả các bằng chứng khoa học hiện nay đều chỉ ra chúng có nguồn gốc ngoài tự nhiên. Nghiên cứu của Đại học Cambridge có thể sẽ làm sáng tỏ sự việc này.

Forster cho biết: "Nếu bị buộc phải trả lời, tôi cho rằng nguồn gốc lây lan có nhiều khả năng nằm ở phía nam Trung Quốc hơn là Vũ Hán. Tuy nhiên, để có được bằng chứng chính xác, chúng ta cần tiến hành nghiên cứu sâu vào loài dơi, hoặc các động vật có tiềm năng làm vật chủ khác, và các mẫu mô được bảo quản tại nhiều bệnh viện Trung Quốc từ tháng 9 đến tháng 12".

Ông cũng bày tỏ hy vọng nếu nghiên cứu thành công, ngành khoa học sẽ có cơ sở phòng ngừa và ngăn chặn các trường hợp tương tự diễn ra trong tương lai.

Thái Âu theo SCMP

Chủ đề khác