VnReview
Hà Nội

Tại sao Singapore từ hình mẫu chống Covid-19 trở thành điểm dịch lớn nhất Đông Nam Á?

Dịch Covid-19 tại Singapore tưởng chừng đã khống chế được tại đảo quốc Đông Nam Á này nay đột ngột bùng phát trở lại với 6.588 ca nhiễm, trong đó 11 ca tử vong vẫn, trở thành vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á.

Với chỉ hơn 5,6 triệu dân (chỉ bằng nửa già của dân số Hà Nội hay TP.HCM) chắc chắn quốc đảo này có nhiều lợi thế hơn các quốc gia khác về kiểm soát dịch bệnh.

Theo New York Times, các quan chức Singapore đã sàng lọc và cách ly tất cả khách du lịch từ nước ngoài kể từ khi bắt đầu đại dịch. Truy tìm liên lạc F0, F1, F2… của Singapore phải nói nhanh không ai sánh kịp. Mỗi lần họ xác định ca nhiễm, họ cam kết xác định nguồn gốc của nó trong hai giờ. Họ đăng trực tuyến nơi những người nhiễm bệnh được xác định làm việc, sinh sống và đã dành thời gian để có thể xác định được các liên hệ tiềm năng. Họ thi hành kiểm dịch và cách ly những người liên lạc như vậy, với các cáo buộc hình sự đối với những người vi phạm mệnh lệnh.

Tại sao Singapore từ hình mẫu chống Covid-19 trở thành điểm dịch lớn nhất Đông Nam Á?

Các nhà khoa học ở trường Y tế Công cộng của Đại học Havard (Mỹ) trong một báo cáo khoa học gần đây đã lưu ý rằng, Singapore có hệ thống hồ sơ theo dõi bệnh tật rất mạnh và khả năng của họ trong việc phát hiện các ca bệnh là cao gấp 3 lần mức trung bình của thế giới.

Quá trình này bắt đầu tại bệnh viện khi các bệnh nhân được phỏng vấn để tạo ra một bản đồ chi tiết về các hoạt động và một danh sách các tiếp xúc gần. Một quan chức của Bộ Y tế Singapore nói với báo Straits Times rằng "việc lập bản đồ rất chi tiết, 24 giờ, từng phút một, không có kẽ hở". Thậm chí cảnh sát nước này cũng nhập cuộc để hỗ trợ theo dõi dữ liệu.

Dựa trên tấm bản đồ này, các tiếp xúc gần được nhận diện và được theo dõi hoặc cách ly để ngăn ngừa lây nhiễm rộng. Một "tiếp xúc gần" là bất cứ ai ở trong vòng 2m tính từ người lây nhiễm hoặc dành 30 phút ở bên họ. Ngoài gia đình và bạn bè, danh sách này còn gồm những người cung cấp dịch vụ như là bồi bàn hay tài xế taxi.

Từ đầu tháng 2/2020, Singapore đã nâng cấp độ cảnh báo lên màu Da cam - mức nguy hiểm. Hạn chế tụ tập đông người là một trong những cách để phòng, chống sự lây lan của dịch, từ người nhiễm virus sang người khỏe mạnh.

Tuy nhiên, trường học và ngay cả trung tâm thương mại trên đảo quốc sư tử vẫn mở cửa, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường. Hơn nửa triệu học sinh, sinh viên (trong đó có trên 260 ngàn học sinh tiểu học) vẫn ngày ngày đến trường kể từ khi năm học mới bắt đầu tháng 1/2020. Các cơ sở giáo dục tư nhân vẫn mở cửa đón học viên. Không hề có sự thay đổi lớn nào trong kế hoạch và chương trình giảng dạy. Các lớp học vẫn tiến hành bình thường, nhưng không thực hiện tập trung toàn trường trong các lễ chào cờ, sinh hoạt ngoại khóa. Giờ nghỉ giải lao được bố trí đan xen giữa các lớp.

Tại Singapore, đeo khẩu trang thời điểm đó không phải là bắt buộc. Người dân nước này không phải đổ xô tích trữ khẩu trang vì Thủ tướng Lý Hiển Long cùng với các quan chức y tế nước này đã kêu gọi công chúng không đeo khẩu trang trừ khi họ bị ốm.

Tại sao Singapore từ hình mẫu chống Covid-19 trở thành điểm dịch lớn nhất Đông Nam Á?

Nhiều ổ dịch là các khu tập thể của người lao động nhập cư

Tuy nhiên, từ đầu tháng Tư đến nay tình hình dịch bệnh ở nước này đã đảo ngược 180 độ khi làn sóng lây nhiễm thứ hai xuất hiện, mà theo CNN là Singapore đã khá chủ quan. Theo South China Morning Post, làn sóng đầu tiên bắt đầu khi du khách từ Trung Quốc đại lục sang và lây cho người dân Singapore. Tuy nhiên, phần lớn của làn sóng lây nhiễm thứ hai lại liên quan đến người Singapore trở về từ các nước như Mỹ, Anh và đáng lo ngại hơn là bắt đầu xuất hiện một số ca lây nhiễm từ cộng đồng công nhân nhập cư không rõ nguồn gốc.

Đến đầu tháng Tư, Singapore đã quyết định "khóa" toàn bộ đất nước. Đóng cửa trường học từ ngày 8/4 và hầu hết nơi làm việc từ ngày 7/4, chính phủ khuyến cáo người dân ở nhà, chỉ ra ngoài để mua nhu yếu phẩm. Cảnh cáo các nhà tuyển dụng có thể bị truy tố nếu không để nhân viên làm việc từ xa.

Tất cả công nhân nhập cư bị cách ly tập trung trong ít nhất hai tuần. Singapore có hơn 300 ngàn công nhân nhập cư, làm những công việc tay chân trong ngành xây dựng, sản xuất. Đa số họ được các công ty đưa hợp pháp từ các nước đang phát triển trong khu vực như Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc. Những người công nhân bị lây nhiễm virus corona chủ yếu là từ cộng đồng công nhân Ấn Độ và Bangladesh.

Thủ tướng Singapore khẳng định sự cần thiết đeo khẩu trang trong thời điểm hiện nay bởi có nhiều ca nhiễm từ những người chưa có triệu chứng, trái ngược lời khuyên cũng của ông trước đây rằng người khỏe mạnh không cần đeo khẩu trang, mà chỉ người bệnh mới nên đeo.

Bất cứ ai vi phạm các quy tắc, bao gồm dành thời gian với bất kỳ ai không ở trong gia đình của họ, đều có thể bị bỏ tù, bị phạt tương đương 7.000 đô la Mỹ hoặc cả hai.

Đến nay Singapore đã ghi nhận 6.588 ca nhiễm Covid-19, trong đó khoảng 70% số ca là công nhân công nhân nhập cư sống trong các khu tập thể.

Để giải quyết tình trạng báo động này, chính phủ Singapore, đã cho tiến hành, thứ nhất là cách ly các khu nhà có người dương tính với virus. Các công nhân không được ra khỏi phòng, ăn uống được phục vụ. Tiếp đến là xét nghiệm đại trà công nhân nhập cư và có thể phải xét nghiệm đến vài ngàn công nhân trong một ngày để xác định và cách ly các trường hợp dương tính. Và cuối cùng cho chuyển các công nhân âm tính sang nơi ở khác: doanh trại quân đội, trung tâm triển lãm, các khu nhà dân cư vẫn chưa có người ở…

Phải nói từ đầu dịch Singapore đã chống dịch rất tốt, nhưng chỉ chủ quan lơ là một chút, nước này đã trở thành điểm dịch lớn nhất của Đông Nam Á. Trong khi ở các quốc gia bị thiệt hại nặng nhất như Mỹ, Ý, Tây Ban Nha… mỗi ngày ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới, Singapore có dân số 5,7 triệu người và tổng diện tích khoảng 700 km2 - nhỏ hơn thành phố New York – ngày 19/4 có 596 ca mắc Covid-19 trong vòng 24 giờ có nghĩa là con số này rất nghiêm trọng.

Hồng Thúy

Chủ đề khác