VnReview
Hà Nội

Những bức ảnh cho thấy cách ly xã hội giúp giảm ô nhiễm môi trường như thế nào

Một phần ba thế giới đang bị đặt dưới tình trạng phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona. Giao thông đường không đình trệ, đường sá ít xe cộ hơn, và các nhà máy thì đóng cửa.

o nhiem

Trong bối cảnh con người chúng ta mắc kẹt trong chính ngôi nhà của mình, thì thế giới tự nhiên ngoài kia đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các loài động vật hoang dã tràn xuống những con phố vắng lặng, và thiên nhiên dường như đang đòi lại những khu vực đô thị mà con người đã chiếm giữ.

Tại một số nơi, tình trạng ô nhiễm không khí đã giảm đi đáng kể; ví dụ tại Trung Quốc, mức độ ô nhiễm giảm đến 25% so với trước đại dịch.

Điều này hoàn toàn có thể hiểu được, bởi 1/3 dân số thế giới hiện đang thực hiện cách ly xã hội, và 96% số điểm đến trên toàn cầu đang được đặt dưới tình trạng hạn chế di chuyển. Theo CNN, số lượng chuyến bay trên bầu trời giảm đến 96%, còn CEO Thomas Wilson của Allstate cho biết lưu lượng giao thông đường bộ tại Mỹ giảm từ 35 – 50%, tùy thuộc vào bang.

Các chuyên gia không cho rằng "kỳ nghỉ dưỡng" của môi trường sẽ tiếp diễn lâu dài. Dẫu vậy, chúng ta phải thừa nhận rằng những hiệu ứng trước mắt là rất ấn tượng, và những bức ảnh trước – sau dưới đây sẽ cho bạn thấy rõ điều đó.

Ấn Độ

Theo New York Times, Ấn Độ là quốc gia có 14 trong số 20 thành phố với bầu không khí độc hại nhất thế giới trong năm 2019. Hai bức ảnh dưới đây là thủ đô New Delhi dưới góc nhìn từ sông Yamuna, ảnh đầu chụp ngày 21/3/2018, ảnh sau chụp ngày 8/4/2020, tức 21 ngày sau lệnh cách ly toàn quốc. Có thể thấy, Delhi chưa bao giờ có bầu không khí thông thoáng như vậy trong nhiều thập kỷ. Một giáo sư tiếng Anh đã nghỉ hưu tại đây cho biết: "Tôi thường nhìn lên bầu trời và tận hưởng màu xanh của nó từ balcon nhà mình".

an do

Trong năm 2019, CNN từng đưa tin về "mức độ ô nhiễm nguy hiểm" ở New Delhi, miêu tả thủ đô Ấn Độ như bị bao trùm trong "một đám mây khói bụi màu nâu độc hại khiến cổ họng khô cứng". Hiện nay, New Delhi dường như đang tận hưởng "màn phép thuật không khí trong lành dài nhất trong lịch sử".

an do

Đài tưởng niệm chiến tranh Ấn Độ ở New Delhi, lần lượt được chụp vào ngày 17/10/2019 và ngày 8/4/2020

Khi Ấn Độ triển khai kế hoạch cách ly kéo dài 21 ngày, 1,3 tỷ dân của quốc gia này đã phải chôn chân ở nhà, biến nó thành đợt cách ly lớn nhất trên thế giới. Và hiệu ứng của đợt cách ly này đối với môi trường là gì? Theo một bản tin trên trang Insider thì người dân tại một số khu vực của Ấn Độ đã lần đầu tiên thấy được núi Himalayas trong suốt nhiều thập kỷ qua.

an do

New Delhi, lần lượt được chụp vào ngày 8/11/2018 và ngày 8/4/2020

Theo tờ USA Today, bầu không khí của New Delhi ô nhiễm đến mức bạn có thể thấy từ trên vũ trụ. Sau cách ly, CNN đưa tin rằng mức độ các hạt vi mô độc hại (PM 2.5) và nitrogen dioxide đều thấp hơn trước rất nhiều. Tại New Delhi, chỉ số PM 2.5 đã giảm đến 71% chỉ trong đúng một tuần.

an do

New Delhi, lần lượt được chụp vào ngày 30/10/2019 và ngày 13/4/2020

Italy

Thành phố Venice của Italy thường có không khí khá u ám. Vào tháng 3 vừa qua, nhiều bức ảnh chụp các con kênh của thành phố này xuất hiện trên mạng, cho thấy nước trong veo đến mức có thể thấy cả đáy. Tuy nhiên, thị trưởng thành phố nói rằng sự thay đổi này là do "lưu lượng giao thông trên các con kênh ít đi, cho phép các loại cặn rác ở yên dưới đáy".

y

Grand Canal, lần lượt được chụp vào ngày 6/1/2018 và ngày 17/4/2020

Thành phố Milan của Italy vào năm 2008 đã bị xướng tên là thành phố ô nhiễm nhất châu Âu, và cho đến nay, bầu không khí đầy khói bụi kia vẫn là một vấn đề cần giải quyết. Trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, lưu lượng giao thông tại thành phố này đã giảm đáng kể, tình trạng ô nhiễm không khí cũng giảm theo. Nhận thấy điều này, chính quyền Milan đang cân nhắc giới thiệu một kế hoạch nhằm giảm tần suất sử dụng xe hơi sau đại dịch để tránh tình trạng ô nhiễm trước đây trở lại.

milan

Một góc Milan, lần lượt được chụp vào ngày 8/1/2020 và ngày 17/4/2020

Indonesia

Ô nhiễm không khí ở Jakarta tồi tệ đến mức một nhóm các nhà hoạt động môi trường địa phương đã quyết định kiện chính phủ Indonesia, với hi vọng nước này sẽ đưa ra những giải pháp khắc phục. Ảnh dưới cho thấy chất lượng không khí tại Jakarta đã được cải thiện nhiều sau khi thành phố này thực hiện cách ly xã hội vào cuối tháng 3.

jakarta

Jakarta, lần lượt được chụp vào ngày 4/7/2019 và ngày 16/4/2020

Có những lúc, Jakarta bị đánh giá là thành phố khói bụi nhất thế giới. Sau thời gian cách ly, bầu trời thành phố này trong xanh giống như những ngày tháng 6, khi nhiều người dân thành phố tạm rời đi để tham dự lễ Eid al-Fitr.

jakarta

Bắc Jakarta, lần lượt được chụp vào ngày 26/7/2018 và ngày 16/4/2020

Pakistan

Một tờ báo địa phương đưa tin rằng chất lượng không khí vốn đã tệ ở thủ đô Islamabad ngày càng tệ hơn vì số lượng xe hơi lưu thông tăng lên, cũng như do ảnh hưởng từ hoạt động của các nhà máy thép. Nhờ lệnh cách ly, lưu lượng giao thông giảm đi đáng kể, tầm nhìn cũng được cải thiện nhiều.

pakistan

Đài quan sát Daman-e-Koh ở Islamabad, lần lượt được chụp vào ngày 3/8/2017 và ngày 20/4/2020

Mỹ

Los Angeles nổi tiếng vì hai thứ: khói bụi và giao thông. Trong tháng 3 vừa qua, thành phố này đã đạt số ngày liên tiếp có bầu không khí thoáng đãng nhiều nhất kể từ năm 1995. Tuy nhiên, nguyên nhân có phải xuất phát từ việc cách ly xã hội, hay do những yếu tố khác nhau những cơn bão vừa diễn ra gần đây, thì vẫn chưa rõ.

my

Los Angeles, ngày thường và ngày 14/4/2020

Minh.T.T theo Insider

Chủ đề khác