VnReview
Hà Nội

Tâm sự của bác sĩ ở Mỹ: Phòng cấp cứu quá yên tĩnh, nhiều người không nhiễm Covid-19 vẫn chết ở nhà

Theo một bác sĩ ở phòng cấp cứu tại bệnh viện ở thành phố New York (Mỹ), nhiều bệnh nhân không nhiễm Covid-19 đang không muốn đến bệnh viện bởi sợ bị lây virus SARS-CoV-2.

Các quan chức WHO trở thành mục tiêu tấn công mới của hacker

Sau nhiều tuần hoảng loạn, đông đúc, chật chội trong cuộc chiến cứu chữa cho các bệnh nhân Covid-19, các phòng cấp cứu tại thành phố New York hiện tại đang trở nên yên tĩnh và vắng lặng đến đáng lo ngại. Theo bác sĩ Snehalata Topgi - vắng bệnh nhân ở phòng cấp cứu không phải là điều tốt lành vào lúc này khi nhiều người không mắc Covid-19 đang tránh né việc đến bệnh viện, chịu đựng đau đớn và chết tại nhà vì hệ thống y tế dồn lực chống lại virus SARS-CoV-2.

Snehalata Topgi từ chối tiết lộ bệnh viện ở quận Brooklyn nơi cô làm việc vì lý do tế nhị nhưng đã có những chia sẻ đáng giá về sự yên tĩnh của các bệnh viện có bệnh nhân Covid-19 trong thời gian gần đây. Chia sẻ của nữ bác sĩ được đăng tải trên tờ New York Post và VnReview lược dịch lại.

'Ca làm việc của tôi bắt đầu từ lúc 3h chiều và bản thân cảm thấy may mắn vì có thể lái xe đến bệnh viện. Tôi không thể đi tàu điện ngầm vào lúc một cách an toàn nữa vì mức độ tiếp xúc với người khác rất cao. Lái xe qua những con đường ở Brooklyn vắng vẻ, tôi chỉ thấy một vài người ngoài đường. Tôi thấy ai đó tháo bỏ khẩu trang trên mặt. Đây là một nỗ lực tập thể (ý nói mọi người đều đeo khẩu trang nếu ra đường), chúng ta cần bảo vệ không chỉ bản thân mà còn tất cả mọi người xung quanh nữa.

Phòng cấp cứu có vai trò rất quan trọng bởi là nơi đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân từ cộng đồng (tại Mỹ thường người bệnh sẽ gọi 911 và được đưa đến các phòng cấp cứu). Và hôm nay, tôi thực sự thấy nó đã thay đổi so với 2 tuần trước. Tuần trước tôi đến nơi làm việc và chẳng nghe thấy gì ngoài tiếng ho, tiếng rít của mặt nạ dưỡng khí,... Nhờ các biện pháp giãn cách xã hội, số lượng bệnh nhân đến phòng cấp cứu nơi tôi làm việc đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, bên trong bệnh viện, bệnh nhân Covid-19 vẫn rất nhiều.

Sau nhiều năm làm việc, tôi biết bệnh nhân nào sẽ không tiến triển tốt. Không may là có bệnh nhân lớn tuổi của tôi không tiến triển tốt. Ông ấy thở khó khăn dù được thở oxy ở mức cao nhất. Thận và tim ông ấy đang suy kiệt. Tôi rất đau lòng. Ông ấy diễn biến tệ hơn và tôi cho ông ấy dùng thiết bị hỗ trợ, đưa ông ấy vào trạng thái hôn mê.

Rất nhiều bệnh nhân Covid-19 được đặt máy thở nhưng vẫn chết ở bệnh viện. Tôi gọi cho gia đình ông ấy để thông báo cho họ về tình trạng của bệnh nhân. Ông ấy sẽ chết trong cô đơn và không có cơ hội nói lời từ biệt với người thân.

Trước đại dịch, tôi có thời gian ngồi với gia đình bệnh nhân để thảo luận về việc chăm sóc những ngày cuối đời cho người bệnh. Họ có thời gian để nói lời từ biệt với người sắp ra đi. Thông thường, các cuộc trò chuyện của người sắp ra đi với gia đình diễn ra trong phòng chăm sóc đặc biệt. Nhưng giờ, các cuộc trò chuyện như vậy diễn ra trong vài phút qua điện thoại.

Bác sĩ Snehalata Topgi

Đến khoảng 23h đêm, ca làm việc của tôi bỗng trở nên yên tĩnh đến lạ thường. Tôi tự hỏi có bao nhiêu bệnh nhân đang chết vì đau tim ở nhà? Tôi tự hỏi: Có bao nhiêu bệnh nhân đang chết ngay trong chính ngôi nhà của họ vì những căn bệnh về tim mà có thể chữa trị được? Những bệnh nhân bị đau tim ở đâu? Những người đáng lẽ nên tới phòng cấp cứu có lẽ lại quá sợ hãi. Người đàn ông với cơn đau ngực ở đâu? Người phụ nữ lớn tuổi với cánh tay trái bị tê liệt suốt 2 giờ và gặp khó khăn trong việc nói, cần được điều trị tim, ở đâu? Tôi biết rằng họ đang ở nhà, tránh bệnh viện (vì đến bệnh viện có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao).

23h30 đêm, tôi về nhà, ném quần áo ngay vào máy giặt rồi thư giãn trong phòng tắm. Tôi kiệt sức và lo lắng về việc tiếp xúc với người thân ở nhà. Một đồng nghiệp của tôi đã chuyển ra sống xa gia đình để bảo vệ người thân.

1h sáng, tôi nằm trên giường và ước cuộc sống trở lại bình thường. Mùa hè - mùa lễ hội đang đến. Tuy nhiên, với quá nhiều sự kiện đã bị hủy bỏ, nhiều địa điểm vui chơi đã đóng cửa, kế hoạch mùa hè của mọi người sẽ thay đổi.

Chúng ta không thể thay đổi những gì đã xảy ra nhưng vẫn có thể nhìn vào tương lai. Chúng ta phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng y tế để chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo. Nước Mỹ chi rất nhiều tiền cho quân sự nhưng hiện giờ lại không thể cung cấp thiết bị đầy đủ và giữ an toàn cho nhân viên y tế'.

Hiện nay, tại Mỹ đang có khoảng 856.209 người nhiễm Covid-19, 78.339 người phục hồi và 47.272 người tử vong. Riêng tại bang New York đã có tới khoảng 263.000 người được xác nhận nhiễm bệnh, 15.740 người tử vong.

T.T - theo New York Post

Chủ đề khác