VnReview
Hà Nội

Tổng giám đốc WHO: 'Đáng lẽ thế giới nên lắng nghe cẩn thận lời khuyên của WHO hồi tháng 1/2020'

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus,Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO);nhận xét phần lớn các quốc gia phớt lờ cảnh của WHO hồi tháng 1/2020 đều không thành công trong việc giải quyết đại dịch Covid-19.

WHO cảnh báo người đã hồi phục vẫn có thể là một nguồn lây nhiễm Covid-19

Tờ RT đưa tin, khi phát biểu trong một cuộc họp báo vào thứ 2 (27/4), Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: 'Vào ngày 30/1, chúng tôi đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về sức khỏe cộng đồng với sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Trong thời gian đó, nếu như các bạn có thể nhớ thì chỉ có 82 trường hợp nhiễm Covid-19 bên ngoài Trung Quốc. Không có trường hợp nhiễm bệnh nào ở khu vực châu Mỹ Latin hay châu Phi và chỉ có 10 trường hợp ở châu Âu. Đáng lẽ thế giới nên nghe theo lời khuyên của WHO và sau đó cẩn thận hơn với dịch bệnh'.

Ông Tedros cho rằng các quốc gia nghe theo lời khuyên của WHO và thực hiện xét nghiệm rộng rãi trên dân số, truy tìm nguồn gốc dịch bệnh thì đang chống dịch rất tốt. Nhưng WHO hoạt động trong khả năng tư vấn và không thể bắt buộc các chính phủ phải tuân theo khuyến nghị.

Thời điểm ngày 30/1, WHO đã chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về sức khỏe cộng đồng với sự lây lan của Covid-19. Khi đó, Trung Quốc mới có hơn 9.000 ca nhiễm bệnh và tổng số ca bệnh bên ngoài Trung Quốc là 98. Toàn thế giới ở thời điểm WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu có tổng 213 người tử vong liên quan đến virus SARS-CoV-2, tất cả đều ở Trung Quốc. Theo New York Times, tuyên bố của WHO không mang giá trị về pháp lý nhưng là lời cảnh báo từ cơ quan tư vấn sức khỏe hàng đầu thế giới đến tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc về dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, kể cả khi WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu vào ngày 30/1 thì vẫn là quá muộn và không truyền tải được mức độ nghiêm trọng của đại dịch. Hơn nữa, chỉ trước đó chưa đến 2 tuần, WHO còn cho rằng virus SARS-CoV-2 không thể truyền từ người sang người và cả khi bệnh dịch đã diễn biến phức tạp thì tổ chức này vẫn cho rằng các lệnh hạn chế đi lại, đặc biệt với người đến từ Trung Quốc là không hiệu quả.

Trên thế giới, tổng thống Mỹ Donald Trump là một trong những người phê phán WHO mạnh mẽ nhất. Ông đã cáo buộc Tổ chức Y tế thế giới che đậy sự lây lan của dịch bệnh và đưa ra quyết định rút tài trợ của Mỹ với WHO vô thời hạn.

Cũng cần phải nói thêm rằng dù Tổng thống Mỹ Donald Trump có chỉ trích WHO thì ông cũng bị phản đối gay gắt với một số quyết định. Ông được coi là đã phớt lờ các báo cáo của cộng đồng tình báo về quy mô dịch bệnh. Đến cuối tháng 2/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn nói với người dân nước này rằng dịch bệnh sẽ được kiểm soát ở Mỹ. Ngoài ra, ông cũng được cho là đã quyết định đóng cửa các trường học và triển khai xét nghiệm rộng rãi quá chậm trễ.

Tất nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump không phải là người duy nhất bị công chúng phản ứng với các quyết định chống dịch Covid-19. Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson cũng bị chỉ trích vì đã bỏ qua các mối đe dọa của dịch bệnh. Nước này đã đóng cửa các doanh nghiệp, trường học khá chậm và để dịch bệnh lây lan nghiêm trọng. Chính phủ Anh cũng được cho là có nghiên cứu chiến lược miễn dịch bầy đàn trong một thời gian.

Trên toàn thế giới, hiện tại đã có hơn 3 triệu người nhiễm Covid-19, 884.676 ca phục hồi và 210.258 ca tử vong. Tại Việt Nam, nước ta đã có tổng cộng 270 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, 222 ca phục hồi và chưa có ca tử vong nào.

T.T

Chủ đề khác