VnReview
Hà Nội

Chiến lược 'sống chung' với Covid-19 ở Thụy Điển khiến người già phải trả giá đắt

Anders Tegnell - người đứng sau chiến lược chống Covid-19 gây tranh cãi của Thụy Điển nói trên tờ Nature rằng nước này tiếp cận đại dịch 'dựa trên niềm tin' và tinh thần tự giác của người dân.

Hình ảnh bên trong bệnh viện ở Bắc Ý khiến châu Âu phải tỉnh ngộ về dịch Covid-19

Chiến lược chống Covid-19 của Thụy Điển đúng hay sai?

Thụy Điển có cách chống Covid-19 khác biệt gần như hoàn toàn so với phần còn lại của thế giới. Quốc gia ở khu vực Bắc Âu không chọn cách phong tỏa xã hội mà vẫn mở cửa nền kinh tế khi đại dịch bùng phát.

Cách làm của Thụy Điển được nhà báo người Đan Mạch Lisbeth Davidsen bình luận trên truyền hình TV4 rằng 'giống như đang xem một bộ phim kinh dị'. Cụ thể hơn, quốc gia ở khu vực Bắc Âu chọn cách không phong tỏa hay áp dụng các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt mà đưa ra chính sách mang sự 'pha trộn' dựa trên niềm tin và tinh thần tự giác của người dân.

Các cuộc tụ tập trên 50 người bị cấm ở Thụy Điển nhưng các bữa tiệc riêng tư, các sự kiện liên quan đến doanh nghiệp vẫn có thể tổ chức. Thư viện, nhà hàng, quán cafe... vẫn được cho phép mở cửa. Các trường dành cho học sinh trên 16 tuổi bị đóng cửa nhưng học sinh mẫu giáo, tiểu học vẫn được đến lớp. Chính phủ Thụy Điển khuyên người dân nên làm việc ở nhà để tránh những nơi đông đúc nhưng không áp dụng các biện pháp hạn chế bắt buộc chính thức. Theo trang Euronews, chính phủ Thụy Điển thúc giục người dân 'hành xử như những người trưởng thành', tự giác chấp hành các biện pháp phòng tránh dịch.

Chiến lược chống dịch của Thụy Điển được dẫn dắt bởi ông Anders Tegnell - một nhà dịch tễ học tại cơ quan y tế công cộng nước này. Ông cho rằng không cần tìm cách ngăn chặn đại dịch mà có thể làm chậm đà lây lan của nó để không làm quá tải hệ thống y tế. Các quan chức nước này cho rằng cách chống dịch này không vì mục đích xây dựng miễn dịch cộng đồng mà hướng tới việc hướng dẫn người dân các biện pháp giãn cách xã hội ít nghiêm trọng hơn, để họ có thể sống chung với dịch trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, một số quan chức nước này vẫn nhắc tới miễn dịch cộng đồng trong các phát biểu của mình. Đại sứ Thụy Điển tại Mỹ - Ulrika Olofsdotter trả lời phỏng vấn đài NPR cho biết các biện pháp chống dịch Covid-19 của nước này đang mang lại thành quả, đặc biệt là tại thủ đô Stockholm. Bà cho biết: 'Khoảng 30% dân số Stockholm đã được miễn dịch. Chúng tôi có thể đạt miễn dịch cộng đồng tại Thủ đô sớm nhất là vào tháng 6'.

Dù vấp phải một số phản đối từ các nhà hoạch định chính sách nhưng nhìn chung đến hiện tại khoảng 3/4 người Thụy Điển vẫn bày tỏ sự tin tưởng vào cơ quan y tế công cộng với chính sách chống dịch Covid-19 của nước này. Nhiều người ca ngợi việc không đóng cửa nền kinh tế giúp nước này không phải trải qua thời kỳ nỗ lực để tái mở cửa sau thời gian phong tỏa. Thậm chí, nhiều người đã xăm hình ông Anders Tegnell để biểu thị sự ngưỡng mộ với chiến lược gia chống Covid-19 này.

Vấn đề cách chống Covid-19 theo một 'con đường riêng' của Thụy Điển đúng hay sai hiện tại vẫn chưa ai dám khẳng định. Theo nhiều chuyên gia, phải đợi đến năm sau thì mới có câu trả lời chính xác cho vấn đề này. Tuy nhiên, hiện nay nước này đã phát hiện 18.926 trường hợp nhiễm Covid-19 và 2.276 tử vong. Thụy Điển đang đứng thứ 21 trên danh sách các quốc gia có nhiều người nhiễm Covid-19 nhất thế giới.

Số người chết vì Covid-19 ở Thụy Điển nếu so với một số nước khác tại châu Âu như Tây Ban Nha hay Ý có thể không phải là quá lớn. Tuy nhiên, cần phải biết rằng đất nước ở Bắc Âu này chỉ có dân số khoảng 10 triệu người. Điều này dẫn tới Thụy Điển đang có tỷ lệ người tử vong vì Covid-19 cao hàng đầu châu Âu nếu xét trên quy mô dân số.

Thụy Điển áp dụng chính sách chống dịch dựa trên tự giác của người dân tuy nhiên một số ý kiến cho rằng nhiều người không hề biết mình đang nhiễm bệnh để có thể tự giác. Phân tích dữ liệu điện thoại di động cho thấy người dân ở thủ đô Stockholm dành nhiều thời ở trung tâm thành phố hơn ở nhà. Cảnh sát nước này cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng quá tải ở các địa điểm vui chơi ban đêm. Thời tiết Thụy Điển đang dần ấm lên và người dân bắt đầu ra ngoài nhiều hơn để dạo chơi.

Nếu so với các nước thuộc khu vực Bắc Âu khác như Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan thì chính sách chống Covid-19 của Thụy Điển cũng khác biệt gần như hoàn toàn. Đan Mạch và Na Uy đã đóng cửa biên giới và trường học khi dịch bệnh bắt đầu lan rộng, Phần Lan thì đóng cửa hầu hết trường học và cách ly vùng đô thị chính của nước này. Thậm chí, Đan Mạch còn là nước thứ 2 ở châu Âu công bố các biện pháp cách ly xã hội vào ngày 11/3.

Tính đến nay, cả 3 nước kể trên đều có số người nhiễm và chết vì Covid-19 khá thấp nếu xét trên bình diện cả châu Âu. Đan Mạch hiện có 8.698 người nhiễm Covid-18, 427 người chết; Na Uy có 7.599 người nhiễm Covid-19, 205 người chết; Phần Lan có 4.695 người nhiễm Covid-19, 193 người chết.

Giáo sư virus học lâm sàng Anders Vahlne cho rằng: 'Thật không thể tin được rằng cơ quan y tế Thụy Điển không nói rõ với người dân Covid-19 lây nhiễm như thế nào. Đây là một đại dịch mà tôi nghĩ rằng chủ yếu nó lây lan qua các cá nhân không có triệu chứng'. Ông cũng cho rằng vì người Thụy Điển không bắt buộc phải thực hiện cách ly xã hội nên trường hợp người nhiễm bệnh mà không có triệu chứng vô tình lây virus SARS-CoV-2 cho những người dễ bị tổn thương về thể chất trong xã hội là rất cao.

Chiến dịch chống Covid-19 khác lạ khiến người già trả giá

Theo các thống kê gần đây, 1/3 số trường hợp tử vong vì Covid-19 ở Thụy Điển diễn ra tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi dù chính phủ nước này tuyên bố sẽ bảo vệ an toàn cho những người già khỏi Covid-19. Chiến lược gia Anders Tegnell thừa nhận tình hình ở các viện dưỡng lão là 'một vấn đề lớn' còn Thủ tướng Stefan Löfven cho biết nước này đang đối mặt với 'một tình huống nghiêm trọng'.

Sonja Aspinen là một người chuyển đến Thụy Điển từ Phần Lan 20 năm trước rồi thành lập một công ty cung cấp người chăm sóc sức khỏe. Trong vài tuần vừa qua, cơ sở của cô chủ yếu cung cấp người chăm sóc người già và đặc biệt là các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Sonja Aspinen trả lời Euronews cho rằng: 'Tôi nghĩ rằng Thụy Điển đã thất bại trong việc bảo vệ người già'. Cô tin là các nhân viên viện dưỡng lão đã mang dịch bệnh từ ngoài vào và người già không được bảo vệ

Cô cũng cho biết nhân viên làm việc ở viện dưỡng lão phàn nàn rằng họ không nhận đủ đồ bảo hộ cần thiết và họ cũng không được kiểm tra sức khỏe đúng cách. Sonja Aspinen nói thêm: 'Ngay cả những người có triệu chứng nhiễm Covid-19 thì họ cũng chưa được xét nghiệm'.

Một y tá ở Thụy Điển từng phát biểu trên truyền hình: 'Điều tồi tệ nhất chính là những nhân viên chăm sóc như chúng tôi có thể đang khiến dịch bệnh lây nhiễm tới người già'. Một nhân viên ở viện dưỡng lão chia sẻ: 'Ở nơi làm việc, chúng tôi không có khẩu trang trong khi tiếp xúc với những người dễ bị tổn thương nhất. Chúng tôi cũng không có nước khử trùng tay mà chỉ có xà phòng. Tất cả chỉ có vậy và mọi người đang rất lo lắng'.

Một nhà nghiên cứu ở Thụy Điển có tên Einhorn cho rằng số ca nhiễm Covid-19 ở viện dưỡng lão Thụy Điển cao hơn Na Uy hay Phần Lan lý do không nằm ở bản thân các trung tâm này. Nguyên nhân chính là do chính phủ không đóng cửa các địa điểm như trường học, quán bar, quán cafe...

Theo nhiều nguồn tin, các y tá và những người chăm sóc cho người ở viện dưỡng lão tại Thụy Điển được khuyên rằng không cần đeo khẩu trang hoặc dùng các thiết bị bảo hộ trừ khi đang chăm sóc cho những người mà họ có lý do để tin rằng đã bị nhiễm bệnh. Lena Einhorn - một nhà nghiên cứu virus cho rằng: 'Chính phủ phải thừa nhận rằng có thất bại lớn. Họ luôn nói rằng mục tiêu chính là bảo vệ người già'.

Hiện tại các cửa hàng, quán bar, trường tiểu học... vẫn mở ở Thụy Điển dù số người nhiễm Covid-19 ngày càng tăng. Tuy nhiên, tuần trước một số cơ sở đã bị đóng cửa như một biện pháp để phòng dịch khi có quá đông người dân nước này tụ tập tại các địa điểm công cộng bởi thời tiết đang dần ấm lên.

T.T

Chủ đề khác