VnReview
Hà Nội

Học sinh, sinh viên ở TP.HCM trở lại trường từ ngày 4/5

Học sinh, sinh viên tại TP.HCM sẽ quay lại trường vào ngày 4/5. Các trường không tổ chức giảng dạy trong ngày đầu tiên đi học lại, chỉ thực hiện kiểm tra, khai báo y tế...

Ngày 28/4, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký quyết định, chấp thuận đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM về việc cho học sinh quay lại trường từ ngày 4/5.

Theo đó, học sinh, học viên, sinh viên các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp có thời gian nhập học từ ngày 4/5. Việc đi học lại được phân bổ theo từng khối, lớp, không tập trung đồng loạt.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Sở LĐTBXH phải xây dựng kế hoạch cụ thể việc đi học trở lại, hướng dẫn cụ thể các giải pháp đảm bảo an toàn phòng, chống Covid-19.

Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 các quận, huyện cần hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở giáo dục (kể cả trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở dạy thêm, giáo dục kỹ năng sống, tư vấn du học...) thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống Covid-19.

Đối với các cơ sở mầm non công lập, ngoài công lập, nhóm trẻ, UBND các quận, huyện cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức kiểm tra phòng dịch trước khi trẻ đi học lại.

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM trước đó đã có văn bản yêu cầu trong ngày đầu tiên tới trường trở lại, các cơ sở giáo dục trên địa bàn không tổ chức học tập và chỉ kiểm tra tình trạng sức khỏe, khai báo y tế, tập huấn hướng dẫn học sinh các biện pháp tự phòng ngừa và triển khai giờ học, kế hoạch học tập, kế hoạch phòng, chống dịch bệnh của nhà trường.

Sáng cùng ngày,;Đại học Quốc gia TP.HCM cũng thông báo lộ trình trở lại trường học của sinh viên và học viên từ 4/5. Nhóm thành phần sắp đi học lại bao gồm nghiên cứu sinh, học viên sau đại học, sinh viên năm thứ tư, các lớp thực hành, ôn tập thi cuối kỳ. Các đối tượng sinh viên còn lại tiếp tục học online.

Sáng 27/4, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo về kế hoạch, công tác chuẩn bị cho học sinh đi học lại.

Để đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát, ngành giáo dục TP.HCM đã ban hành bộ tiêu chí an toàn trước đó. Cụ thể, trẻ em, giáo viên, cán bộ nhân viên ngoài phòng sinh hoạt, phòng làm việc, phải giữ khoảng cách 2,2 m trở lên.

TP.HCM ban hành bộ tiêu chí quy định an toàn phòng dịch ngành giáo dục để đảm bảo an toàn khi học sinh quay lại trường. Ảnh: Quỳnh Trang.

Bộ tiêu chí cũng có những quy định về việc trang bị khẩu trang, nước rửa tay cho học sinh, giáo viên và các hoạt động phòng dịch trên phương tiện đưa đón, khu vực tiếp đón học sinh...

Bộ tiêu chí đánh giá thang điểm an toàn phòng dịch của từng cơ sở và xếp loại an toàn. Từ 90-100% là mức độ an toàn rất cao, các cơ sở giáo dục được tổ chức hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ/học sinh.

Từ 70 đến dưới 90% được đánh giá mức độ an toàn cao. Cơ sở giáo dục được tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục học sinh nhưng phải kiểm tra định kỳ để khắc phục hạn chế ở thành phần có điểm đánh giá thấp.

Từ 50 đến dưới 70% là mức độ an toàn trung bình. Các trường có thể tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục nhưng thường xuyên kiểm tra để khắc phục hạn chế.

Đặc biệt, chỉ số an toàn từ 30 đến dưới 50% là mức độ an toàn thấp. Cơ sở giáo dục phải có giải pháp đảm bảo an toàn mới được tổ chức hoạt động.

Những cơ sở có chỉ số an toàn dưới 30% được đánh giá mức rất thấp sẽ không được hoạt động.

Hôm 24/4, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã ký ban hành kế hoạch cung cấp khẩu trang miễn phí cho học sinh, học viên khi đi học lại. Theo đó, mỗi học sinh sẽ được cấp 9 khẩu trang trong vòng 3 tháng ngay khi quay lại trường.

Khẩu trang được cung cấp là loại khẩu trang vải kháng khuẩn, có thể giặt để tái sử dụng 10 lần.

Theo bản báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với ngành giáo dục TP.HCM, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết dịch bệnh đã tác động lớn tới các cơ sở giáo dục, giáo viên, đặc biệt là giáo viên và nhân viên của các cơ sở ngoài công lập.

TP.HCM có 1.002 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập bị ảnh hưởng. Trong đó, 879 cơ sở giáo dục mầm non đặc biệt khó khăn, không có kinh phí chi trả cho giáo viên và duy trì hoạt động.

Đến ngày 28/4, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 270 ca mắc Covid-19. Từ 16/4 đến nay, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện 222 người khỏi bệnh, 48 người tiếp tục điều trị tại các cơ sở y tế.

TP.HCM đã công bố 54 bệnh nhân nhiễm Covid-19, trong đó 53 người đã được điều trị khỏi. Số trường hợp được cách ly tại các điểm cách ly tập trung là 32 người, 96 trường hợp được áp dụng hình thức cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà.

Theo Zing

Chủ đề khác