VnReview
Hà Nội

Hàng loạt công ty Nhật chia sẻ miễn phí bằng sáng chế giúp nhân loại chống dịch Covid-19

Hàng trăm ngàn bằng sáng chế dự kiến sẽ được các công ty Nhật Bản như Toyota,Canon,… chia sẻ miễn phí tới các tổ chức và công ty khác nhằm thúc đẩy quá trình tìm ra các phương pháp điều trị đại dịch Covid-19 trên toàn cầu.

Theo nhật báo Nikkei, khoảng 20 công ty Nhật Bản, bao gồm Toyota và Canon, sẽ phát hành các bằng sáng chế và tài sản trí tuệ được đăng ký tại Nhật Bản hoặc các quốc gia khác để giúp chống lại đại dịch Covid-19.

Mục tiêu của sáng kiến này nhằm giúp các doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu có thể nhanh chóng phát triển các thiết bị y tế và các công nghệ thử nghiệm phục vụ điều trị căn bệnh nguy hiểm này hiệu quả hơn. Ngoài ra, các công ty cũng mong muốn sẽ có một giải pháp nào đó giúp nhanh chóng dập tắt cuộc khủng hoảng đang ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu này.

Ý tưởng ban đầu đến từ đề xuất của giáo sư Fumihiko Matsuda, người đứng đầu Trung tâm Y học chuyên về gen tại Đại học Kyoto. Ngoài các công ty trên, Nissan Motor, Honda Motor, Shimadzu, Ajinomoto Group cũng đã tham gia vào sáng kiến này. Những người đưa ra sáng kiến sẽ tiếp tục kêu gọi nhiều công ty hơn nữa tham gia vào sáng kiến này.

Về nguyên tắc, tất cả các bằng sáng chế, quyền thiết kế và bản quyền thuộc sở hữu của mỗi công ty sẽ được cung cấp miễn phí cho các tổ chức, công ty hoặc nhà sản xuất khác miễn là chúng được sử dụng để nghiên cứu thiết bị hỗ trợ điều trị Covid-19. Các công ty sẽ cung cấp miễn phí bằng sáng chế và bản quyền mà không đòi hỏi bản quyền cho tới khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đại dịch toàn cầu Covid-19 chính thức kết thúc.

Dự kiến sẽ có vài trăm ngàn bằng sáng chế sẽ được cung cấp miễn phí thông qua sáng kiến hợp tác đầy tính nhân văn này.

Một trong những bằng sáng chế đáng chú ý trong sáng kiến phải kể đến thuộc về Toyota. Bằng sáng chế của công ty chia sẻ công nghệ thu thập dữ liệu hô hấp từ bệnh nhân mắc Covid-19 mà không cần tiếp xúc với họ. Ban đầu nó được phát triển để sử dụng cho robot điều dưỡng.

Nếu các bác sỹ có thể theo dõi hơi thở của bệnh nhân theo cách an toàn hơn, họ có thể đưa ra các phác đồ điều trị dựa theo tình hình viêm phổi của bệnh nhân dễ dàng hơn. Đặc biệt công nghệ này của Toyota giúp giới hạn chi phí sản xuất ở mức tối đa và tiết kiệm công sức nghiên cứu máy móc chẩn đoán và dụng cụ y tế.

Trong khi đó thiết bị đo X-quang kích thước nhỏ của Shimadzu cũng rất đáng quan tâm. Phổi của bệnh nhân nhiễm Covid-19 thường có hình dạng rất đặc trưng do bị virus tấn công gây tổn thương. Với các thiết bị X-quang nhỏ gọn này, các bệnh viện có thể chủ động theo dõi sức khỏe của bệnh nhân hoặc phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm cần can thiệp sớm.

Sáng kiến này đem lại nhiều lợi ích cho các công ty và tổ chức nghiên cứu thừa hưởng bằng sáng chế. Thông thường các công ty khác muốn sử dụng một bằng sáng chế sẽ phải đàm phán với chủ sở hữu, nhưng quá trình này thường mất từ 1-2 năm vì quy trình ra quyết định cuối cùng khá lâu. Nhưng với sáng kiến trên, bằng sáng chế sẽ được phát hành và sử dụng ngay lập tức và tất cả hoàn toàn miễn phí, nhờ đó bỏ qua những cuộc đàm phán kéo dài tốn thời gian. Ngoài ra bằng sáng chế mở cũng sẽ giúp tránh rủi ro nếu các công ty khác không thể sử dụng bằng sáng chế do không đạt được thỏa thuận về phí bản quyền.

Các công ty phát bằng sáng chế miễn phí này sẽ không được nhận bất kỳ lợi ích nào, nhưng rõ ràng việc giúp đỡ cộng đồng và chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19 cũng là một cách giúp giảm thiểu tác động của suy thoái kinh tế tới các công ty này.

Cuối cùng sáng kiến đảm bảo khả năng tiếp cận nhanh và đơn giản nhất cho các công ty cần công nghệ thông qua việc đơn giản hóa thủ tục, bao gồm việc chỉ cần tải xuống các tài liệu từ một trang web chuyên dụng.

Mai Huyền

Chủ đề khác