VnReview
Hà Nội

Mastercard : Thanh toán không chạm tăng 40% vì người mua sợ dùng tiền mặt và thẻ tín dụng

Nguyên nhân khiến hầu hết khách hàng hiện nay sợ dùng tiền mặt và thẻ tín dụng đó là do đại dịch Covid-19 có khả năng lây lan qua các bề mặt tiếp xúc hàng ngày.

Theo thống kê mới nhất của hãng thẻ tín dụng Mastercard, thanh toán không tiếp xúc trên toàn cầu đã tăng hơn 40% trong quý đầu tiên của năm 2020. Thanh toán không tiếp xúc bao gồm hình thức chạm để thanh toán và thanh toán bằng di động.

Trang CNBC cho rằng, điều này thực tế không quá ngạc nhiên khi Q1/2020 là quý tồi tệ nhất của nhân loại khi đại dịch Covid-19 bùng phát, khiến mọi thói quen và trật tự xã hội bị đảo lộn.

CEO của Mastercard, Ajay Banga cho biết, xu hướng thanh toán không chạm đã trở nên phổ biến hơn khi người tiêu dùng muốn tìm một cách nhanh chóng nhất để thanh toán khi mua hàng mà không cần phải trao đổi tiền mặt, chạm vào các thiết bị đầu cuối hoặc bất cứ thứ khác để tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Ông Banga cũng nhận định, xu hướng này có thể sẽ tiếp tục xảy ra sau khi đại dịch kết thúc.

Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã bác bỏ các thông tin cho rằng, cơ quan này đã cảnh báo người dân không sử dụng tiền mặt trong thời kỳ dịch bệnh. Nhưng bất kể những lời cảnh báo trên, yếu tố tâm lý lo sợ bị lây nhiễm bệnh qua tiền mặt vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của nhiều người. Chính vì lý do đó đã tạo nên sự thay đổi trong thói quen mua sắm và thanh toán của người tiêu dùng.

Theo hãng tư vấn quản lý Bain & Company, tỷ lệ thanh toán di động tại Mỹ luôn thấp hơn khoảng 10% trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Nguyên nhân xuất phát từ thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt và thẻ phần thưởng của người Mỹ khiến họ không thích dùng điện thoại để thanh toán. Ngược lại tại Trung Quốc, hơn 80% người tiêu dùng đã chuyển sang thanh toán bằng di động từ năm ngoái.

Mastercard cũng nhấn mạnh sự gia tăng mạnh mẽ của các giao dịch thanh toán trên mạng do lệnh phong tỏa ở nhiều thành phố trên thế giới. Các giao dịch thanh toán trực tuyến như vậy đã tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, các giao dịch trực tiếp hoặc qua thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ nội địa đã giảm mạnh. Banga cho rằng, tốc độ chi tiêu chậm lại của người tiêu dùng hiện đang trong giai đoạn ổn định ở hầu hết các thị trường. Với tình hình hiện nay, các chuyên gia nhận định, mức giảm chi tiêu sẽ sớm chạm đáy trước khi phục hồi lại sau khi đại dịch qua đi.

Lợi nhuận của Mastercard trong quý đầu đã giảm nhưng doanh thu 4,01 tỷ USD và khoản lợi nhuận 1,68 USD/cổ phiếu của Mastercard vẫn tốt hơn nhiều so với dự đoán của các chuyên gia phố Wall.

Mai Huyền

Chủ đề khác