VnReview
Hà Nội

Covid-19: Tình báo Mỹ bắt đầu nghi ngờ "có chuyện" ở Vũ Hán như thế nào?

Dưới tác động của dịch Covid-19, hai nước Mỹ-Trung Quốc không ngừng công kích và đổ lỗi cho nhau về nguồn gốc của virus corona mới (SARS-Cov-2).

Những mẩu tình báo rời rạc được chắp nối

Tạp chí TIME (Mỹ) cho hay, vào giữa tháng 11/2019, quân đội và cơ quan tình báo CIA của Mỹ bắt đầu nghi ngờ về điều bất ổn đang xảy ra tại Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. CIA nhận được thông tin tình báo về căn bệnh viêm phổi lạ phát sinh tại thành phố này.

Vệ tinh gián điệp đã ghi lại được hoạt động xung quanh các trung tâm y tế và lưu lượng giao thông giảm dần ở trên đường phố. Ngoài ra, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) nghe lén và phát hiện sự gia tăng các cuộc gọi y tế bên trong thành phố Vũ Hán, trong tỉnh Hồ Bắc, và từ Vũ Hán đến các ban ngành trung ương ở Bắc Kinh.

Trong khoảng 1 tháng, Mỹ không có cách nào chắp nối những mẩu tin tình báo rời rạc thành một đánh giá khả tín về tình hình đang diễn ra - TIME trích lời 4 quan chức tình báo và quốc phòng Mỹ (ẩn danh).

Nhưng báo cáo từ Vũ Hán cho thấy các hoạt động đáng ngờ trên tiếp tục tăng lên. Một số quan chức tại CIA và Trung tâm Tình báo Y tế Quốc gia (NCMI) bắt đầu đặt nghi vấn liệu có gì đó còn nghiêm trọng hơn cả bệnh viêm phổi hay cúm mùa đang lan rộng hay không.

Tuy nhiên, thay vì làm tất cả những gì có thể để chia sẻ thông tin và giảm thiểu sự lây lan của virus, cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều tập trung vào đổ lỗi cho nhau xem đâu mới là nguồn gốc của đại dịch Covid-19. Hơn 5 tháng từ thời gian trên, thế giới đã có gần 260.000 người tử vong do dịch bệnh này. Mỹ đang là nước chịu thiệt hại nặng nề nhất về người, trong khi Trung Quốc cũng chịu tổn thất lớn khi là quốc gia đầu tiên bùng phát dịch.

Từ tháng 1/2020, Văn phòng Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ (ODNI) bắt đầu đưa nội dung cảnh báo vào nhiều bản báo cáo hàng ngày gửi tổng thống Donald Trump - TIME dẫn thông tin từ hai quan chức tham gia tổng hợp báo cáo. Các nguồn tin cho hay ông Trump không quan tâm đến các cảnh báo, và Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper cùng các quan chức cấp cao khác cũng vậy.

Cơ sở của Viện nghiên cứu virus Vũ Hán (WIV), nơi các quan chức Mỹ cáo buộc là nguồn gốc rò rỉ virus SARS-Cov-2

Cuộc chiến xoay quanh các thuyết âm mưu

Trên các phương tiện truyền thông bắt đầu tràn ngập thuyết âm mưu liên quan đến nguồn gốc của virus SARS-Cov-2 từ tháng 2, bao gồm vụ việc thượng nghị sĩ Mỹ Tom Cotten lên Twitter nêu giả thuyết dịch bệnh Covid-19 là "vụ rò rỉ vũ khí sinh học" - sau đó đã bị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bác bỏ.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khai lên án các thuyết âm mưu nhằm vào Trung Quốc là "nguy hiểm". Đối đầu Mỹ-Trung về vấn đề nguồn gốc Covid-19 bắt đầu nóng lên từ ngày 13/3, khi phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên lên Twitter đăng một loạt thông điệp nghi ngờ virus được quân đội Mỹ đưa tới Vũ Hán. Giả thuyết này cũng được truyền thông nhà nước Trung Quốc đề cập, cũng như trên các mạng xã hội Trung Quốc và Nga.

Căng thẳng tạm lắng vào cuối tháng 3 đầu tháng 4, với việc ông Trump ngưng gọi SARS-Cov-2 là "virus Trung Quốc" hay "virus Vũ Hán", trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng trên thế giới. Trung Quốc cũng kiềm chế những cáo buộc của mình.

Nhưng khi đại dịch leo thang và gây khủng hoảng sâu sắc cho nền kinh tế và xã hội Mỹ, chính quyền Trump những tuần gần đây tiếp tục nhằm vào Trung Quốc. Tổng thống Trump vào giữa tháng 4 đã thổi bùng lại giả thuyết mầm bệnh Covid-19 vô tình rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán. Cho đến nay, đây là giả thuyết được các quan chức Mỹ đề cập nhiều lần.

Ngoại trưởng Pompeo nói Trung Quốc đặt ra mối đe dọa cho toàn thế giới vì đã che giấu những gì họ biết về nguồn gốc của Covid-19. Trong khi đó, Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành đáp trả trong cuộc phỏng vấn với NBC News, khẳng định chính Mỹ đã phản ứng chậm đến 50 ngày và khiến dịch bệnh lây lan.

Covid-19 đang bị chính trị hóa.;

Thứ trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành

Theo tuyên bố của ODNI ngày 30/4, các quan chức tình báo Mỹ đã điều tra và khẳng định rằng virus SARS-Cov-2 "do con người tạo ra hoặc bị biến đổi gen". Nhưng cả điệp viên lẫn các nhà khoa học đều không thể tìm thấy bằng chứng củng cố giả thuyết virus thoát khỏi phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Theo các quan chức tình báo, thông qua nhiều công cụ - gồm vệ tinh, nguồn lực con người, chặn thông tin liên lạc,... Mỹ không phát hiện hoạt động bất thường bên trong hay xung quanh Viện nghiên cứu virus Vũ Hán (WIV) và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Vũ Hán cho thấy có sự "tẩy xóa" dấu vết, phong tỏa, điều tra chính thức,... Giới tình báo Mỹ không thu được bằng chứng, nhưng một quan chức cho biết họ "không loại trừ khả năng nào".

Tờ TIME nhận xét, dù Mỹ không thể chứng minh giả thuyết của mình, song có thực tế rằng ngay cả phòng thí nghiệm an toàn bậc nhất (được xếp vào loại An toàn Sinh học cấp 4) cũng không tránh khỏi việc rò rỉ.

Ví dụ điển hình là vào năm 2019, Viện nghiên cứu y tế quân đội Mỹ tại Fort Detrick, bang Maryland, đã ngừng thực hiện nghiên cứu cấp cao sau khi CDC phát hiện thiếu sót về an ninh.

Lãnh đạo WIV đã lên tiếng khẳng định cơ sở nghiên cứu này không có đủ năng lực để "tạo ra" chủng virus corona mới, cũng như có quy trình an ninh nghiêm ngặt để bảo đảm không có sự rò rỉ virus.

Theo báo Tổ Quốc

Chủ đề khác