VnReview
Hà Nội

Vox: Việt Nam là câu chuyện chống dịch thành công nhưng 'thầm lặng'

Việt Nam cùng Slovenia, Jordan, Iceland và Hy Lạp là những nước đã chống dịch thành công, dù câu chuyện của họ đến nay vẫn ít được thế giới chú ý.

"Một nước đông dân, hạn chế nguồn lực tài chính, lại có chung biên giới đất liền với Trung Quốc (nơi khởi phát và là tâm điểm dịch bệnh toàn cầu trong thời gian dài). Trên bề mặt, tất cả những điều đó khiến Việt Nam trở nên cực kỳ dễ tổn thương trước virus", bài viết của Vox miêu tả.

Thế nhưng, Việt Nam đã tránh được sự bùng phát virus trên diện rộng, cùng với 4 nước khác, gồm Slovenia, Jordan, Iceland và Hy Lạp, dù câu chuyện thành công của những nước này thường ít được chú ý hơn một số nước khác.

Sự ứng phó nghiêm túc và nhanh chóng của chính phủ là mấu chốt cho thành công. Thế giới có thể rút ra được nhiều bài học từ những câu chuyện chống dịch hiệu quả nhưng ít được chú ý này, theo Vox.

Lý giải thành công của Việt Nam

Tác giả bài viết trên Vox mô tả chính phủ Việt Nam đã hành động quyết liệt từ sớm, thậm chí trước khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch bệnh là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu, và đến nay vẫn chưa ghi nhận ca tử vong.

Việt Nam là câu chuyện chống dịch thành công nhưng 'thầm lặng'

Nhóm phun diệt khuẩn của xã Mê Linh, Hà Nội, đi đến từng xóm trong thôn Hạ Lôi để phun khử khuẩn. Ảnh: Duy Hiệu.

Thành công của Việt Nam được cho là xuất phát từ 3 yếu tố, có thể gọi là "3 nhiều": xét nghiệm nhiều, truy vết nhiều và cách ly nhiều.

Theo Vox, Việt Nam đã bắt đầu phát triển thiết bị xét nghiệm gần như ngay lập tức sau khi xác nhận 3 người trở về từ Vũ Hán dương tính với virus. Đến nay, Việt Nam đã xét nghiệm gần 300.000 người.

Nếu xét về giá trị tuyệt đối, con số này nhỏ hơn rất nhiều so với hàng triệu người được xét nghiệm tại những nước như Mỹ. Song điều quan trọng hơn ở đây là xem xét trung bình bao nhiêu người được xét nghiệm mới có một ca dương tính.

Theo dữ liệu của Our World in Data, Việt Nam là nước dẫn đầu thế giới ở khía cạnh này với tỷ lệ 966,7, có nghĩa là xét nghiệm gần 1.000 người mới phát hiện một ca dương tính. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với các nước và vùng lãnh thổ theo sau như Đài Loan (149,2), New Zealand (134,4), Australia (95,6), Hàn Quốc (58,7). Tại Mỹ, tỷ lệ này là 6,2, trong khi tại Italy là 10,4.

Việc xét nghiệm ở Việt Nam cũng thay đổi theo chiều hướng tích cực: Đầu tiên, Việt Nam chỉ xét nghiệm người có lịch sử đi lại, sau đó xét nghiệm cả người có tiếp xúc gần, và cuối cùng xét nghiệm bất cứ ai có triệu chứng giống nhiễm virus.

Theo Vox, kế hoạch này hợp lý vì một lý do là việc tập trung nguồn lực xét nghiệm cho đối tượng có tiếp xúc với người bệnh và cách ly những ai có triệu chứng sẽ có thể giúp chặn đứng sự lây lan virus từ đầu.

Việt Nam cũng ngăn chặn dịch bệnh bằng việc sớm quyết định tạm dừng hoạt động bay từ những vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người nhập cảnh phải trải qua kiểm tra thân nhiệt và tự khai báo về tình trạng sức khỏe. Người khai báo gian dối có thể bị phạt hình sự.

Việt Nam cũng nhanh chóng chuyển sang áp dụng chính sách cách ly bắt buộc 14 ngày với toàn bộ người trở về từ nước ngoài. Những người này được đưa đến các cơ sở cách ly tập trung và hoàn toàn miễn phí.

Người dân Việt Nam cũng được cho là tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn của cơ quan chức năng trong việc phòng chống dịch, bao gồm việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, tạo thuận lợi cho nỗ lực của chính phủ.

"Học sinh tuần này đã quay lại trường học và nền kinh tế đang trên đường tái mở cửa hoàn toàn - cho thấy sự phản ứng sớm và mạnh mẽ trước virus corona đã mang lại thành công thế nào", Vox nói.

"Việt Nam đã không sử dụng công nghệ tân tiến hay biện pháp mới. Họ chỉ làm những điều bình thường một cách cực kỳ tốt".

Tỷ lệ người được xét nghiệm trên mỗi ca dương tính. Biểu đồ: Vox.

Những bài học khác

Các nước Slovenia, Jordan, Iceland và Hy Lạp cũng đem đến những bài học đáng chú ý.

Slovenia, đất nước chỉ hơn 2 triệu dân, có gần 1.500 ca nhiễm và 100 ca tử vong, tính đến ngày 5/5. Con số này được cho là ấn tượng nếu xét đến việc Slovenia là điểm đến du lịch đang lên và nằm sát sườn Italy, một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới.

Thành công của Slovenia được cho là đến từ việc chính phủ quyết liệt phong tỏa từ sớm, cách ly người bệnh và chi tiêu mạnh tay.

Theo Vox, trong 2 tuần từ khi xác nhận ca đầu tiên hôm 4/3, nước này đã đóng cửa trường học, cơ sở kinh doanh và đóng băng giao thông công cộng. Chính phủ cũng chi 3 tỷ euro, tức 6% GDP, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Người dân Slovenia đeo khẩu trang tại tiệm cắt tóc hôm 4/5. Ảnh: Getty.

Jordan là một trong những nước hành động sớm. Năm tuần trước khi ca nhiễm đầu tiên ở nước này được xác nhận hôm 2/3, chính phủ đã thành lập ủy ban chuyên trách, ban hành hướng dẫn phòng chống dịch.

Các biện pháp bao gồm chỉ định bệnh viện nào sẽ điều trị cho bệnh nhân virus corona và bác sĩ chính xác sẽ làm những gì. Chính phủ, theo đề nghị của nhà vua, cũng thông qua luật khẩn cấp để cho phép quân đội thực thi lệnh phong tỏa và giới nghiêm.

Trên cả nước, còi sẽ hú vào lúc 18h mỗi ngày để nhắc nhở người dân ở trong nhà đến 10h sáng hôm sau. Việc sử dụng phương tiện bị cấm, trừ khi có giấy phép đặc biệt.

Trong khi đó, "bí quyết" của Iceland là xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm. Với hơn 350.000 dân và chỉ một sân bay quốc tế ở ngoại ô thủ đô Reykjavik, Iceland dường như khó bị virus tàn phá, nhưng không vì thế giới chức nước này lơ là chống dịch, theo Vox.

Iceland đã xét nghiệm 13% dân số với sự trợ giúp của một công ty địa phương, DeCode. Công ty này đã xây dựng chương trình xét nghiệm và truy vết mạnh mẽ nhất thế giới. Iceland là nước dẫn đầu về số lượng người được xét nghiệm trong mỗi 1.000 dân, vượt xa các nước khác.

Số lượng ca nhiễm mới đã giảm từ mức hơn 100 ca/ngày cách đây không lâu, xuống còn chỉ vài ca một ngày hiện tại. Dù vậy, quyết định không đóng băng hoàn toàn nền kinh tế hay đóng cửa toàn bộ trường học cũng gây ra nhiều hoài nghi.

Hy Lạp lại là một trường hợp khác khi không ít người lo lắng rằng với hệ thống y tế đang gặp khó khăn, dân số già và nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào du lịch, nước này sẽ không chống đỡ nổi đại dịch. Song 5 tháng từ khi dịch bệnh bùng phát, Hy Lạp chỉ có 2.600 ca nhiễm và gần 1.500 ca tử vong, tính đến 5/5.

Sở dĩ Hy Lạp có thể như vậy là vì họ đã thực thi phong tỏa nghiêm ngặt, khuyến khích giãn cách xã hội và tăng cường hệ thống y tế - hành động được xem là quyết đoán nhất.

Nước này đã tăng số lượng giường hồi sức tích cực sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân lên 70% từ tháng 2, cũng như bổ sung hơn 3.000 nhân viên y tế. Hàng nghìn vị trí khác cũng đang tuyển người.

Hy Lạp đến nay đã mời gọi du khách trở lại đất nước vào mùa hè, dù điều này gây lo lắng cho nhiều chuyên gia. Song các quan chức ở Athens đã làm tốt trong việc ngăn chặn những gì có thể trở thành một cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn.

Theo Zing

Chủ đề khác