VnReview
Hà Nội

Vì sao nhai kỹ thức ăn lại tốt cho sức khỏe, không chỉ giúp "no lâu"

Hành động nhai kỹ thức ăn trước khi nuốt thực tế có nhiều tác dụng với sức khỏe hơn là chỉ đơn thuần mang lại cảm giác "no lâu". Có thể nhắc đến một số lợi ích như: giúp hấp thu chất dinh dưỡng hiệu quả hơn, giữ vóc dáng thon gọn và tăng cảm giác ăn ngon miệng.

Cấu tạo của hệ tiêu hóa

Để duy trì hoạt động sống, cơ thể cần các chất dinh dưỡng, protein, chất béo, các vitamin, carbohydrate, nước và khoáng chất. Khi hệ thống tiêu hóa vận hành, thức ăn sẽ bị phá vỡ thành những mảnh nhỏ, đủ để cơ thể người có thể dễ dàng hấp thụ chất dinh dưỡng. Tác vụ này giúp cơ thể lấy lại phần năng lượng đã tiêu hao, tạo điều kiện phát triển thể chất, đồng thời góp phần sửa chữa những tế bào tổn thương.

Các cơ quan tối quan trọng của hệ thống tiêu hóa bao gồm: ống tiêu hóa, tuyến tụy, gan và túi mật. Ống tiêu hóa là một đường xoắn dài, bắt đầu từ khoang miệng và kết thúc ở cửa hậu môn. Cấu tạo của ống tiêu hóa gồm nhiều cơ quan thành phần khác như: miệng, thực quản, dạ dày, ruột già, ruột non, và cuối cùng là hậu môn. Ống tiêu hóa cũng chứa nhiều vi khuẩn (hay hệ vi khuẩn đường ruột) hỗ trợ quá trình tiêu hóa.

Cấu tạo hệ tiêu hóa

Hệ tiêu hóa gồm rất nhiều cơ quan quan trọng

Hệ tiêu hóa hoạt động như thế nào?

Đầu tiên, thức ăn được đưa vào khoang miệng. Lưỡi đẩy thức ăn xuống cổ họng với sự trợ giúp của thực quản. Từ đây, thức ăn tiếp tục di chuyển đến cơ thắt thực quản dưới và được tạm lưu lại, đảm bảo thức ăn có thể an toàn di chuyển qua một đoạn đường hẹp đến dạ dày. Cơ thắt cũng giúp đảm bảo thức ăn không bị trào ngược lại về thực quản. Một khi thức ăn đi đến dạ dày, nó được trộn lẫn với dịch tiêu hóa của dạ dày và đi xuống ruột non. Ruột non tiếp tục hỗn hợp này với dịch tiêu hóa tiết ra từ gan và tụy, đồng thời cũng hấp thụ chất dinh dưỡng và nước. Chất thải sau đó được đẩy đến ruột già. Tại ruột già, nước được hấp thụ và phần còn lại chuyển hóa thành phân. Cuối cùng, trực tràng đặt ở phía cuối ruột già sẽ lưu trữ lượng chất thải này cho đến khi chúng sẵn sàng được tống ra ngoài thông qua hậu môn.

Nắm được nguyên lý hoạt động của hệ tiêu hóa, giờ chúng ta có thể dễ dàng hiểu vì sao hành động nhai kỹ thức ăn lại quan trọng đối với cơ thể.

1. Giúp cơ thể hấp thụ hiệu quả hơn các chất dinh dưỡng

Như đã nói, con người cần rất nhiều chất dinh dưỡng khác nhau để duy trì sự sống. Về cơ bản, nếu cơ thể không hấp thu chất dinh dưỡng hiệu quả hơn, chúng ta vẫn sống. Tuy nhiên, nhiều người có khả năng sẽ bị thiếu hụt dinh dưỡng do không phải tất cả các loại thực phẩm đều có thể dễ dàng bị phân hủy và hấp thụ vào máu.

Nếu miệng làm nhiệm vụ nhai thức ăn kỹ càng. Quá trình nhai vật lý sẽ giúp phá vỡ các hạt thức ăn lớn thành các hạt thức ăn nhỏ, giảm căng thẳng cho thực quản. Thức ăn được chia thành các hạt càng nhỏ, cơ thể càng hấp thụ dễ dàng.

Có thể dễ dàng nhận thấy nhiều loại hạt cứng rất khó để có thể phá nhỏ. Nếu nuốt những thức ăn chưa được tách đủ nhỏ như vậy, cơ thể không chỉ cần nhiều năng lượng để xử lý chúng hơn mà còn khiến quá trình hấp thụ chất diễn ra lâu hơn, lượng dinh dưỡng nạp vào cũng ít hơn. Tóm lại, thức ăn càng được nhai kỹ, càng nhiều dưỡng chất được nạp vào cơ thể.

nhai kỹ hấp thu dinh dưỡng

Dưỡng chất được hấp thu dễ dàng hơn

2. Cân bằng vóc dáng và cân nặng

Khi ăn chậm và nhai kỹ, thời gian để kết thúc bữa ăn sẽ được kéo dài hơn. Khi này, não bộ sẽ xử lý thông điệp rằng bạn đã ăn đủ no. Lượng thức ăn đưa vào cơ thể do đó sẽ ít đi và trở nên vừa đủ, không bị dư thừa. Mặt khác, giả sử nếu ăn một cách ngấu nghiến chỉ trong vài phút, não bộ sẽ bị hiểu lầm rằng bạn vẫn đói và cần ăn nhiều hơn nữa. Các tín hiệu não tích cực giúp kiểm soát cân nặng vì không để bạn rơi vào nguy cơ ăn quá nhiều so với nhu cầu.

Giảm cân

Kiểm soát cân nặng bằng cách nhai kỹ thức ăn

Một nhóm các nhà khoa học đã nghiên cứu về mối liên kết giữa hành động nhai với cơn thèm ăn bằng cách sử dụng hạt hạnh nhân. Kết quả nghiên cứu phát hiện ra rằng: những người nhai hạnh nhân tối thiểu 40 lần trước khi nuốt có thể kiềm chế cơn đói tốt hơn những người chỉ nhai 10 hay 25 lần. Nhóm người nhai nhiều hơn 40 lần cũng cho thấy thời gian cơ thể duy trì cảm giác no, không thèm ăn, lâu hơn.

Tương tự, một quan sát khác cho thấy những người nhai thức ăn trong bữa trưa tối thiểu 30 giây có xu hướng ăn vặt ít hơn những người còn lại sau khi bữa trưa kết thúc.

3. Tác dụng khác

Ngoài các lợi ích rõ ràng đã nêu, hành động nhai kỹ thức ăn cũng giúp chúng ta cảm nhận được hương vị thức ăn chính xác hơn, từ cảm quan cho đến mùi vị. Thời gian ăn lâu hơn có thể khiến chúng ta suy nghĩ về sự hình thành của một món ăn, từ đó, dễ dàng cảm thông hơn với những người đã vất vả mang đến món ăn bổ dưỡng này: từ người nông dân, thương lái, đầu bếp, cho đến những người phục vụ.

Vui vẻ khi ăn

Tăng cảm giác hài lòng khi tận hưởng bữa ăn lâu hơn

Tất cả các lợi ích nêu trên là lý do chính đáng thúc giục mỗi người điều chỉnh thói quen sống sao cho cân bằng và hiệu quả, không nên dể đến khi bệnh đau dạ dày xuất hiện mới chịu thay đổi. Khi đó, mọi chuyện có lẽ đã muộn.

Shirley

Chủ đề khác