VnReview
Hà Nội

Hãy ngưng dìm chết các tựa game online!

Việc gọi một game nào đó là "chết" đã trở thành một trò đùa nhạt nhẽo và lỗi thời.

Hãy ngưng dìm chết các tựa game online!

Ba tháng sau khi Apex Legends ra mắt, khi mà tựa game "battle royale" của Respawn này đang chập chững bước những bước đi đầu tiên vào thế giới của thể thao điện tử thì tài khoản Twitter Kentucky Fried Chicken Gaming Twitter đã đăng một "meme" (một trào lưu trên mạng Internet, trong trường hợp này ám chỉ ảnh chế). Trong bức ảnh này vẽ hình một người cầm que chọc vào một cái xác in hình logo của game Apex và nói: "Dậy đi, hãy làm gì đi!".

Lúc đó, Apex Legends còn đang chỉ là một "đứa trẻ sinh sau đẻ muộn" của dòng game Battle Royale, và Respawn đã có một con đường phát triển cụ thể cho tựa game này. Các tháng tiếp theo mọi người chứng kiện sự xuất hiện của hàng loạt các nhân vật với, vũ khí mới, map mới cũng như sự những bước đầu tiên hướng đến thể thao điện tử chuyên nghiệp. Nhưng có vẻ theo một tài khoản Twitter đang thèm khát sự nổi tiếng nào đó, Apex Legends đã "chết" rồi. "Kẻ tiêu diệt" Fortnite đã không còn, và bất kì thành công nào sau này của Apex cũng không còn nghĩa lý gì nữa. "Sinh ra" vào ngày 11 tháng 2 năm 2019  và rồi đột ngột "qua đời vào ngày 11 tháng 5. RIP.

"Dead game" (game thủ Việt Nam thường gọi vui là ded gêm hay ded gaem) đã trở thành một trò đùa nhạt nhẽo cũng như vô lý nhất trên Internet. Nó làm chúng ta nhớ về "cuộc chiến" giữa các hệ máy chơi game những năm 2000, khi những lũ trẻ 9 tuổi thường cãi nhau xem máy chơi game của ai "xịn" hơn – Microsoft, Sony hay Nintendo. Mỗi khi một tựa game nào đó chứng kiến một sự sụt giảm nhẹ lượng người chơi, một làn sóng những "chuyên gia" sẽ xuất hiện và tuyên bố rằng tựa game này đã "chết" và nhảy múa trên "nấm mồ" của nó một cách thoả mãn.

Sau đây là một số các tựa game đã bị các "cư dân mạng" tuyên bố đã "chết": World of Warcraft, Hearthstone, League of Legends, PUBG, Dota 2, và cả Fortnite. Đây đều là những tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử. Apex Legends chỉ là một nạn nhân của một nhóm người đang ngày càng thiếu kiên nhẫn trong hệ sinh thái "dịch vụ game" đang dần trở thành tiêu chuẩn của ngành công nghiệp tỷ đô này. Nếu bạn chơi Apex Legends hôm nay, bạn sẽ vẫn thấy hàng nghìn game thủ vẫn đang "thưởng thức" tựa game bắn súng ưa thích của họ, cho dù tài khoản Twitter vô danh kia có nói gì đi chăng nữa.

Hãy ngưng dìm chết các tựa game online!

Vậy tại sao nhiều người lại cảm thấy ám ảnh vì số lượng người chơi một tựa game đến vậy? Và bao nhiêu lần nữa chúng ta phải xem các Youtuber phân tích các số liệu trên Google Trends chỉ để chứng minh rằng một tựa game không, và sẽ không bao giờ "chết"? Don Caldwell, tổng biên tập của trang KnowYourMeme, cho biết trang web nhận thấy cụm từ "dead game" bắt đầu xuất hiện giữa thập niên 2010, rất nhiều bài viết liên quan đến tựa game StarCraft 2. "Có hơn 1000 bài viết được đăng trên trang reddit r/StarCraft (bao gồm cụm từ 'dead game') trước năm 2015," ông chia sẻ.

StarCraft 2 là một trường hợp có thể dùng cụm từ này để miêu tả hoàn toàn chính xác. Một trong những tựa game đình đám nhất của Blizzard đã bị gạt sang một bên, và việc tựa game này không còn nhận được nhiều sự chú ý tại các sự kiện BlizzCon qua nhiều năm khiến nhiều người không khỏi cảm thấy nuối tiếc. Những người trung thành với StarCraft có lý do để phàn nàn vì tựa game yêu quý của họ có thể gọi là đã "chết"; nhưng không may sự kiện này đã mở đầu việc "lây nhiễm" cụm từ "dead game" cho cả ngành công nghiệp, tới mức mà nó có thể "giết" Apex Legends chỉ sau 3 tháng.  

Caldwell tin rằng đây là một biểu hiện của sự thay đổi trong mối quan hệ giữa các studio sản xuất game và cộng đồng game thủ. Không lâu về trước, các tựa game thường được ra mắt với đầy đủ các tình năng, cùng với lời hứa hẹn về một bản mở rộng hay một gói map trong tương lai. Nhưng ngành công nghiệp game đang trở nên vô định và khó đoán hơn trong những năm gần đây. Chúng ta đã được chứng kiến những "đóa hoa nở muộn" (Rainbow Six Siege, Destiny), những sự hồi sinh mãnh liệt (Fallout 76, No Man's Sky), hay những màn ra mắt thành công nhưng dần biến mất (World of Warcraft: Battle For Azeroth, Apex Legends), khái niệm "thành công" trong mắt công chúng cũng nhanh chóng thay đổi. Đây là một con quỷ sẽ ám lấy gaming khi ngành công nghiệp này dần chuyển sang loại hình kinh doanh dịch vụ.

Hãy ngưng dìm chết các tựa game online!

Không giống như đầu thập niên 2000, những số liệu giờđây đã có thể dễ dàng đượcsử dụng làm "vũ khí". Cụm từ "Dead game" được tiếp sức bởi những nguồn thông tin phong phú và đa dạng trên các công cụ như Twitch charts hay SteamSpy. Một sự giảm nhẹ về lượng người chơi trong một tháng có thể trở thành một luận điểm mạnh mẽ, chứng minh với các fan trung thành rằng tựa game "con cưng" của họ đang "chết dần, chết mòn". Thực sự chúng ta đều biết điều đó là không có thật; khi trong năm 2019, League of Legends tiếp tục nắm giữ "ngôi vương" trên với lượng người chơi gấp đôi Fortnite. Nhưng chỉ 2 năm trước đó, rất nhiều "chuyên gia" trên Twitch tin rằng Riot sẽ không bao giờ "tìm lại" được thành công như những năm về trước nữa. Những sự thay đổi số liệu này là một điều bình thường và thường xuyên xảy ra. Nhưng nó có thể thay đổi hoàn toàn một cuộc tranh luận trên Facebook hay một server trên Discord.

Anjana Sursala, giáo sư tại trường đại học bang Michigan, người đã và đang nghiên cứu cách thức các phương tiện truyền thông đại chúng ảnh hưởng đến quan điểm của công chúng, cho rằng khi một trào lưu được lan rộng, bất kể bản chất của nó như thế nào, sẽ đều có ảnh hưởng đến suy nghĩ của nhiều người. Và hậu quả? Mặc dù những tựa game như Apex Legend đang vẫn đang "sống khỏe", nếu như có hàng nghìn người cho rằng nó đã "chết", thì nó đã "chết" rồi. 

Sursala cho biết: "Khi một trào lưu lên đỉnh điểm của sự nổi tiếng, những cuộc tranh luận giữa các cá nhân trên mạng sẽ càng làm khiến trào lưu đó lan rộng hơn".

Đây là một vấn đề đặc biệt phổ biếntrên Twitter, cô cho biết thêm. Các mạng xã hội thường có những thuật toán thúc đẩy sự tranh luận giữa người dùng, điều đó có nghĩa là các post mang tinh chia rẽ cộng đồng thường xuất hiện ở trên đầu bảng tin Twitter hay YouTube của bạn.

Có lẽ bây giờ chúng ta đều đã từ bỏ hoàn toàn niềm tin về một thế giới hoàn hảo, khi các game thủ cũng như các cộng đồng game có thể - bằng một cách nào đó – "chung sống" hòa thuận với nhau. Văn hóa trò chơi điện tử cũng đã chứng kiến biết bao nhiêu cuộc "cãi vã" từ cái ngày mà nó ra đời: máy tính cá nhân vs. máy chơi game, Mario vs. Sonic, người thích dùng điều khiển ngược vs. với người bình thường. "Dead game" cũng chỉ là một "chương" đáng quên trong "cuốn sách" lịch sử đầy loạn lạc này.

Với nhiều tựa game đang trên đà phát triển mạnh mẽ, hy vọng rằng trào lưu nhảm nhí này sẽ đi vào quên lãng. Với season 5 ra mắt tuần sau, Apex Legends có một tương lai tươi sáng đang chờ đợi ở phỉa trước. Kể cả League of Legends, Dota 2, hay thậm chí StarCraft cũng thế. Chúng ta đã và đang cố gắng không để những con số vô hồn này trở thành thước đo tuyệt đối của sự thành công của một tựa game. Hãy cảm thấy may mắn rằng chúng ta đang không phải sống trong một thế giới, nơi một quán bán gà rán có thể tuyên bố rằng một tựa game đã "chết" chỉ vì nó chưa được cập nhật trong vòng 2 tháng.

Tuấn Bảo theo PC Gamer

Chủ đề khác