VnReview
Hà Nội

Tại sao giá dầu giảm nhưng Trung Quốc vẫn miệt mài đi đào than?

Đốt than để sản xuất điện không chỉ là một thảm họa đối với khí hậu mà nó ngày càng không còn ý nghĩa kinh tế nữa. Nhưng cả hai đều không phải là thứ mà Trung Quốc quan tâm.

Than không còn là năng lượng rẻ tiền

Than đã được sử dụng làm nhiên liệu cho các thợ rèn ở Hy Lạp cổ đại, nhưng động cơ hơi nước đã biến nó thành một nguồn năng lượng được nhìn nhận chính thức từ thế kỷ 18. Than đã hỗ trợ cuộc sống của con người trong khoảng 200 năm, kể từ khi nó trở thành động lực của cuộc cách mạng công nghiệp. Nhưng trong những năm gần đây, một số quốc gia như Đức đã công bố kế hoạch đóng cửa tất cả các nhà máy nhiệt điện than vào năm 2038. Trên thế giới, có một phong trào đang không ngừng phát triển để giảm và ngừng sử dụng than đá.

Lý do lớn nhất khiến than không còn được sử dụng một cách ưu ái là tác động của nó đến môi trường. Khi than bị đốt cháy, các chất có hại như oxit nitơ, oxit lưu huỳnh và thủy ngân được tạo ra, gây ô nhiễm không khí. Một vấn đề khác là lượng tro còn lại sau khi đốt than cũng khó giải quyết.

Than cũng thải ra rất nhiều carbon. Và quy trình sản xuất điện bằng việc đốt than không chỉ tạo ra carbon dioxide mà còn cả khí metan. Theo một số nhà khoa học, than đá được coi là nhiên liệu hóa thạch tồi tệ nhất cho vấn đề biến đổi khí hậu.

Tại sao giá dầu giảm nhưng Trung Quốc vẫn miệt mài đi đào than?

Ống khói của một nhà máy nhiệt điện than.

Tuy nhiên, lý do đằng sau việc sử dụng than là nó có chi phí thấp so với các nguồn năng lượng thay thế, như dầu mỏ. Tuy nhiên, do giá dầu thô đang ngày càng giảm, thậm chí ghi nhận mức giá âm đầu tiên trong lịch sử vào tháng 4/2020 vừa qua, cán cân chênh lệch đã xuất hiện. Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA mới đây đã đưa ra báo cáo cho rằng nhu cầu than toàn cầu trong quý đầu tiên của năm 2020 sẽ giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong bối cảnh cạnh tranh tăng cường chi phí, ngành công nghiệp than vẫn đang cố gắng tận dụng việc sản xuất năng lượng theo chu trình kết hợp, sử dụng nhiệt thải từ sản xuất nhiệt điện để tạo ra nhiều năng lượng hơn. Hiệu quả cũng đáng kể hơn so với trước đây. Nhưng ngược lại, các nguồn năng lượng tái tạo cũng lớn mạnh không ngừng, đẩy loại nhiên liệu này đến một vị trí ngày càng khó khăn.

Ví dụ như chi phí sản xuất điện mặt trời đã giảm xuống chưa đến 1/7 trong thập kỷ qua. Năng lượng tái tạo không yêu cầu chi phí nhiên liệu và có thể được vận hành chỉ với chi phí xây dựng nhà máy điện và chi phí bảo trì tối thiểu. Vì vậy ngay cả khi giá điện gần bằng 0, vẫn có thể bán điện.

Câu chuyện ở Trung Quốc

Trái ngược với xu thế chung của toàn cầu, số lượng các nhà máy nhiệt điện than lại đang gia tăng ở Trung Quốc. Mặc dù lợi thế về chi phí của than đang dần biến mất, số lượng các nhà máy nhiệt điện than mới được xây dựng ở Trung Quốc đang gồng gánh hộ chỉ số tổng các nhà máy nhiệt điện than của cả thế giới tăng lên.

Dưới đây là biểu đồ về công suất phát điện của các nhà máy nhiệt điện than đang được xây dựng hoặc dự kiến ​​xây dựng vào năm 2020, được phân tích bởi nhóm nghiên cứu Global Energy Monitor của Mỹ và hãng Carbon Tracker của Anh. Có thể thấy rằng các nhà máy nhiệt điện than không được xây dựng ở EU và Mỹ, trong khi chuẩn bị ra đời hàng loạt ở Trung Quốc và các khu vực châu Á khác.

Tại sao giá dầu giảm nhưng Trung Quốc vẫn miệt mài đi đào than?

Thanh màu xanh là nhà máy đang được xây dựng, thanh màu đen cho thấy nhà máy đã được công bố. Trung Quốc đang tạo ra sự bất ngờ.

Theo Christian Roserund, thành viên ban biên tập tại Học viện Rocky Mountain, một tổ chức phi lợi nhuận nghiên cứu về chính sách năng lượng bền vững, thì có ba yếu tố chính đằng sau sự gia tăng liên tục của các nhà máy nhiệt điện than ở Trung Quốc.

Yếu tố đầu tiên là "an ninh năng lượng". Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, nền kinh tế phụ thuộc lớn vào lượng dầu mà họ nhập khẩu. Trong khi đó, một nguồn năng lượng thay thế khác là than thì lại có thể tự sản xuất trong nước. Như vậy, than đá được coi là một phương tiện để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng. Là nhà sản xuất than lớn nhất thế giới, Trung Quốc cũng có một số lượng lớn công nhân viên từ khai thác đến vận hành các nhà máy điện, vì vậy sản xuất điện bằng việc đốt than cũng đồng nghĩa với bảo vệ nền kinh tế nội địa.

Tại sao giá dầu giảm nhưng Trung Quốc vẫn miệt mài đi đào than?

Một mỏ than ở Trung Quốc.

Yếu tố thứ hai nằm ở "cơ chế hoạch định chính sách". Trong một thời gian dài ở Trung Quốc, chính phủ trung ương có quyền lực độc quyền để ra quyết định xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới. Nhưng việc ra quyết định đã bất ngờ được chuyển từ chính phủ trung ương sang cấp tỉnh vào năm 2014. Ngay lập tức, chính quyền địa phương của mỗi tỉnh đã ký một loạt quyết định xây nhà máy nhiệt điện than mới, như một cách để tăng trưởng kinh tế, mở rộng việc làm. Do đó, vào thời điểm việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than bị thắt chặt lại vào năm 2016, vẫn còn rất nhiều nhà máy đã được cấp phép và đang được xây dựng ngày hôm nay.

Yếu tố thứ ba là "chính sách môi trường". Với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, vấn đề ô nhiễm không khí đang trở nên nghiêm trọng hơn ở các khu vực đô thị. Đã có lúc, "không khí đóng hộp" trở thành mặt hàng bán chạy. Do đó, chính quyền trung ương bắt đầu đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than ở gần các thành phố lớn. Nhưng đi kèm với đó là việc tăng số lượng các nhà máy nhiệt điện than ở khu vực nông thôn, để bù đắp vấn đề năng lượng. Điều này cũng thúc đẩy quá trình xây dựng các nhà máy nhiệt điện than.

"Tại Trung Quốc, các mục tiêu tăng trưởng, an ninh năng lượng và các công việc liên quan đến than đá được ưu tiên hơn so với thực tế của các dự án xây dựng", nhà phân tích Sriya Sundaresan của Carbon Tracker cho biết.

"Chúng ta đang phải đối mặt với hai thảm họa lớn, vấn đề khí hậu và việc các nền kinh tế phụ thuộc vào than đá. Vẫn còn thời gian để giải quyết tình trạng này, nhưng nó sẽ đòi hỏi các nhà đầu tưvà chính phủ phải có cái nhìn nghiêm túc về những rủi ro mà họ đang gặp phải", chuyên gia này chia sẻ.

Theo Trí thức trẻ

Chủ đề khác