VnReview
Hà Nội

Có phải các quân bài J, Q, K được tạo hình từ những nhân vật có thật?

Trong bộ bài tây, bộ 12 lá bài hình người thuộc 3 nhóm J, Q, K (Jack, Queen, King) thường được xem là những lá bài quyền lực nhất. Có ý kiến cho rằng các quân bài hình người này được thiết kế dựa trên hình ảnh nhân vật có thật trong lịch sử. Liệu có đúng như vậy?

tú lơ khơ

Những quân bài hình người J, Q, K quen thuộc trong bộ bài tây

Chắc hẳn chúng ta không ai còn xa lạ với bộ bài tây (hay còn gọi là tú lơ khơ) và những quân bài hình người J, Q, K (Jack, Queen, King) – những quân bài mà trong hầu hết các luật chơi luôn được xem là có giá trị nhất. Liệu bạn có bao giờ thắc mắc những khuôn mặt in trên lá bài là của nhân vật lịch sử nào, hay chỉ đơn giản là sản phẩm tưởng tượng, khái quát về hoàng gia xưa?

Một reviewer kỳ cựu của trang BoardGameGeek có tên EndersGame nhận định: "Trong lịch sử, thiết kế các lá bài hình người chưa bao giờ có bất cứ tiêu chuẩn chính thức nào là phải đại diện cho nhân vật có thật. Ban đầu, những lá bài này chỉ đơn giản mô tả một số trang phục và phụ kiện thường thấy của hoàng gia châu Âu."

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không tồn tại một bộ bài lấy nguyên mẫu từ những vị vua thật sự. Các thiết kế bài luôn rất đa dạng, tùy theo tư tưởng và sở thích nghệ thuật của các nhà thiết kế bài, của nhà sản xuất, và của khu vực tiêu thụ chúng. Bài tây xuất hiện ở châu Âu vào khoảng giữa thế kỷ 15, nhiều thế kỷ sau khi các hình thức chơi bài đã trở nên phổ biến. Bộ bài của Pháp và Anh thế kỷ 16 được cho là miêu tả Alexander Đại đế, Julius Caesar, vua David và vua Charlemagne Charles trên các quân bài King (K) – tương ứng đại diện cho 4 đế chế vĩ đại là Hy Lạp, Rome, người Do Thái và người Franks.

Lá bài Queen (Q) thường có hình ảnh nữ thần Athena và hoàng hậu Rachel, vợ của vua Jacob, cùng với một số hình tượng phụ nữ khác. Nhiều bộ bài ở Tây Ban Nha và Đức trong lịch sử lại tránh thể hiện trực tiếp hình ảnh nữ hoàng, nhằm ngầm ủng hộ quyền lực của nam giới.

EndersGame lưu ý rằng: "Cuối thế kỷ 16, người Pháp có xu hướng đưa hình ảnh người nổi tiếng hoặc các nhân vật văn học in trên các lá bài J, Q, K. Tuy nhiên, không có tiêu chuẩn cụ thể nào về điều này. Tại các khu vực khác nhau, với những nhà in khác nhau, bộ bài cũng có thiết kế khác nhau. Những mảnh ghép lịch sử không chính thức cho thấy việc sử dụng hình ảnh người thật trên các lá bài tại Pháp chỉ là xu hướng tạm thời mà thôi."

Nếu có bất cứ mô tả nào về các vị vua hay hoàng hậu thật trên các lá bài tây thì đó không phải là mô tả về bộ bài gốc. Việc gán các quân bài hình người với các nhân vật nổi tiếng chỉ phát sinh sau khi bộ bài tây đã trở nên nổi tiếng. Do đó đi đến nhận định, bộ bài tây ban đầu hoàn toàn chỉ là tác phẩm nghệ thuật nhằm mô tả khái quát những đặc trưng của giới quý tộc.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là "Nếu mô tả khái quát thì tại sao hình ảnh vị vua trên cây K cơ lại không có ria mép? Sự đặc biệt này phải chăng có ý nghĩa ám chỉ một nhân vật cụ thể nào đó?". Các chuyên gia tin rằng, ở những bộ bài đầu tiên, tất cả các nhà vua đều có ria mép. Bộ ria mép chỉ bị mất dần theo thời gian trong quá trình chế tác mà thôi.

Shirley

Chủ đề khác