VnReview
Hà Nội

Làn sóng Covid-19 thứ hai sau khi Châu Á dần hồi phục trước đại dịch toàn cầu

Một phụ nữ lớn tuổi và không đi du lịch tại Hồng Kông hay hơn 100 ca tại một hộp đêm tại Hàn Quốc mới bùng phát gần đây đã chính thức phá vỡ công sức kiểm soát dịch và dần phục hồi kinh tế của một số quốc gia Châu Á.

Theo Bloomberg, sau khi ngăn chặn thành công sự bùng phát của dịch Covid-19 nhờ các biện pháp phong tỏa, kiểm soát dịch chặt chẽ, tăng tốc độ xét nghiệm, các nền kinh tế Châu Á thành công trong việc dập tắt dịch Covid-19 như Hồng Kông, Hàn Quốc và Trung Quốc đang trải qua giai đoạn sống chung với dịch và hồi phục lại hoạt động kinh doanh, sản xuất. Tuy nhiên mọi thứ không "êm đềm" như nhiều người nghĩ.

Covid-19 là đại dịch toàn cầu và chắc chắn sẽ còn kéo dài cho tới khi chúng ta tìm được vắc-xin. Con người sẽ phải học cách sống chung với nó cho dù nguy cơ về khả năng bùng phát dịch trở lại như hồi đầu vẫn đang hiện hữu. Trước đây các nhà khoa học đã cảnh báo rằng, căn bệnh này có thể không bao giờ biến mất vì nó vẫn đang "lẩn trốn" trong cơ thể người mà không lộ ra bất kỳ dấu hiệu mắc bệnh nào.

Nicholas Thomas, phó giáo sư chuyên ngành y tế công cộng tại Đại học Hồng Kông chia sẻ: "Với nhóm dân số không có triệu chứng, họ sẽ là những nguồn lây nhiễm bất ngờ. Sẽ không thể tránh khỏi nếu như việc tái khởi động lại xã hội có thể dẫn tới nhiều ca nhiễm hơn".

Tại Hồng Kông, một bệnh nhân 66 tuổi không đi du lịch gần đây là người đã "chấm dứt" chuỗi 23 ngày không có ca nhiễm nào ở đặc khu này. Một số thành viên gia đình của người này xác nhận cũng đã bị nhiễm và nỗi sợ hãi ngày càng tăng khi người phụ nữ này được cho đã đi qua các khu vực đông đúc ở Hồng Kông trước khi bị phát hiện nhiễm bệnh.

Tại Trung Quốc đại lục, một đợt bùng phát với hơn 20 ca nhiễm mới ở vùng đông bắc Trung Quốc cũng buộc các nhà chức trách phải áp đặt lệnh hạn chế di chuyển ở hai thành phố giống như lệnh phong tỏa tại Vũ Hán hồi cuối tháng 1. Các trường học vừa mở cửa trở lại cho học sinh đã buộc phải đóng cửa một lần nữa ở 3 thành phố lớn với khoảng 13 triệu dân tại Trung Quốc.

Không xa Trung Quốc là Hàn Quốc cũng mới ghi nhận hơn 100 ca nhiễm mới từ một số hộp đêm, nơi có khách đồng tính lui tới. Các quan chức y tế Hàn Quốc đang cố gắng kiểm tra hơn 5,5 ngàn người đã tới câu lạc bộ này từ cuối tháng 4. Sự bùng phát trở lại của đại dịch cho thấy, bất kể nơi đâu chỉ cần nới lỏng các biện pháp phong tỏa hoặc kiểm soát chặt chẽ đều có thể dẫn tới những hậu quả tương tự.

Covid-19 sẽ "dai dẳng" như cúm mùa

Ngày càng có nhiều quan điểm cho rằng, virus SARS-CoV2 không thể biến mất như người "anh em" thân thiết của nó là SARS đã từng gây ra cho khoảng 8 ngàn người ở Châu Á.

Những người mắc SARS hầu như đều có các triệu chứng và bệnh lý rõ ràng. Một khi họ được cách ly và điều trị, nguy cơ lây nhiễm sẽ không còn nữa. Nhưng chủng mới của coronavirus là SARS-CoV2 lại có cơ chế lây nhiễm, biểu hiện lâm sàng và mức độ nguy hiểm rất khác so với các biến thể trước đó.

Đã có nhiều nghiên cứu xác nhận, SARS-CoV2 có thời gian ủ bệnh khá lâu, từ 14-21 ngày. Thậm chí có trường hợp lên tới 27 ngày. Đó là chưa kể người mắc Covid-19 không có hiểu hiện bệnh hoặc các triệu chứng rất ít, không phổ biến, dẫn tới việc kiểm soát những người có nguy cơ đã bị mắc bệnh rất khó khăn.

Ngoài ra virus SARS-CoV2 có thể lây lan ngay từ khi giai đoạn ủ bệnh, dẫn tới việc nhiều người chủ quan và không có biện pháp phòng tránh lây lan cho cộng đồng. Trong trường hợp con người không thể kiểm soát virus này, nó có thể tiếp tục đột biến theo thời gian và trở thành một căn bệnh theo mùa như cúm.

Takeshi Kasai, giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: "Chúng ta phải tìm cách sống chung với virus và hãy coi nó như một điều bình thường. Virus vẫn sẽ lây lan trong thế giới kết nối này và cho đến khi chúng ta có một loại vắc-xin an toàn và hiệu quả, mọi người vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh".

Khó truy tìm

Ngay cả khi Trung Quốc không còn ghi nhận ca nhiễm nào nữa, các chuyên gia vẫn cảnh báo về nguy cơ của một làn sóng lây nhiễm thứ hai. Đặc biệt làn sóng thứ hai này sẽ khó theo dõi hơn.

Cụ thể một trường hợp vẫn đang làm đau đầu các nhà dịch tễ học ở Trung Quốc. Một nhân viên giặt ủi 45 tuổi làm việc trong một đồn cảnh sát ở phía bắc thành phố Thư Lan đã bị nhiễm bệnh trong tháng này. Bà này cũng là nguyên nhân dẫn tới một chuỗi hơn 20 ca nhiễm sau đó, buộc hàng trăm ngôi làng xung quanh bị phong tỏa.

Theo chuyên gia Wu của CDC Trung Quốc, bà có thể không phải là ca nhiễm đầu tiên vì thời gian ủ bệnh của mỗi người rất khác nhau. Wu nói thêm: "Người phụ nữ này có thể đã bị ốm sau khoảng 2-3 ngày trong khi thực tế một người bị nhiễm chỉ có biểu hiện bệnh sau 7-8 ngày. Trong trường hợp đó, rất khó để nói chính xác ai đã lây nhiễm cho ai".

Các quan chức y tế nước này đang tiến hành giải trình tự gen của virus lấy từ những bệnh nhân lây nhiễm mới. Dữ liệu này sau đó sẽ được so sánh với những du khách bị nhiễm bệnh khi trở về từ Nga để xác định xem họ có liên quan hay không. Một số người nghi ngờ rằng, những ca tái nhiễm này có thể đến từ Bắc Triều Tiên do khu vực này nằm sát với biên giới Triều Tiên.

Trong khi đó, Hàn Quốc được khen ngợi vì kiểm soát sự bùng phát của dịch bệnh mà không cần phải thực hiện các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt. Chiến lược của nước này là xét nghiệm hàng loạt và sàng lọc nhanh bệnh nhân bị nhiễm bệnh để cách ly, từ đó làm chậm sự lây lan của virus và giảm tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên chiến lược này có thể sắp đạt đến giới hạn.

Hơn một nửa số người đi câu lạc bộ vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của các quan chức y tế Hàn Quốc. Nguyên nhân bởi xã hội Hàn Quốc khá kỳ thị những người đồng tính nên họ có thể đã ngại không đi xét nghiệm.

Trở lại trường hợp của Vũ Hán, sự xuất hiện của 6 ca nhiễm mới trong tháng này đã buộc chính quyền thành phố này tính đến một nhiễm vụ đầy tham vọng, đó là xét nghiệm toàn bộ 11 triệu cư dân của thành phố.

Nhưng bất chấp các phản ứng nhanh chóng, cộng với nguồn tài nguyên y tế dồi dào, bao gồm số lượng bộ kit xét nghiệm lớn, các quốc gia Châu Á vẫn dễ bị tổn thương hơn trong thời kỳ hậu Covid-19 và phục hồi kinh tế. Nguyên nhân bởi đây là lục địa có số dân đông nhất thế giới và hầu hết mọi người thường sống rất sát nhau trong các khu chung cư đông đúc.

Nhà khoa học Thomas đến từ Đại học Hồng Kông cho biết, mật độ dân số cao, đặc biệt ở các khu nhà ở công cộng là điều kiện tuyệt vời để virus có thể lây lan trong phạm vi hẹp trước khi lây rộng hơn ra cộng đồng. Đây chính là "thách thức" mà các quốc gia Châu Á đang phải đối mặt so với phần còn lại của thế giới.

Hiện có hơn 100 loại vắc-xin đang được phát triển trên toàn cầu nhưng các chuyên gia cho biết, có thể mất ít nhất 1 năm cho tới khi xuất hiện một loại vắc-xin đủ an toàn để dùng trên người.

Tiến Thanh

Chủ đề khác