VnReview
Hà Nội

Bệnh nhân 91 phi công người Anh chỉ còn cách duy nhất: ghép phổi

Bệnh nhân 91 phi công người Anh (43 tuổi) sẽ nguy kịch nếu dứt ECMO, vì vậy cách duy nhất để cứu là ghép phổi.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 hiện lâm sàng của bệnh nhân 91 có cải thiện nhưng chưa có dấu hiệu hồi phục. Bệnh nhân nằm yên, an thần; được điều trị kháng sinh, kháng nấm. Hỗ trợ hô hấp mở khí quán ngày thứ 26, ECMO ngày thứ 43.

Bệnh nhân đang chờ kết quả cấy virus. Chiều 18/5, bệnh nhân được đưa đi chụp CT-Scanner để đánh giá lại. Để chuẩn bị cho phương án ghép phổi, bệnh nhân cần được chụp chiếu kỹ đánh giá tổng trạng sức khỏe. Khi có kết quả CT scan, Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế sẽ hội chẩn với bệnh viện để quyết định phương án điều trị.

Được biết phòng CT scan mà BN91 chụp chiếu phối nằm trong Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Việc di chuyển bệnh nhân đến phòng này được thực hiện khi bệnh viện vắng người, đảm bảo an toàn và đúng quy định kiểm soát nhiễm khuẩn.

Bệnh nhân 91 phi công người Anh chỉ còn cách duy nhất: ghép phổi

Đây là lần thứ hai bệnh nhân chụp CT scan trong 2 tháng điều trị tại viện. Trước đó ngày 13/5, kết quả CT scan phổi cho thấy toàn bộ 2 lá phổi đã xơ hóa đông đặc, chỉ còn khoảng 10% vùng phổi còn hoạt động. Với tình trạng này, bệnh nhân sẽ nguy kịch nếu dứt ECMO, vì vậy cách duy nhất để cứu là ghép phổi.

Đến nay, bệnh nhân này đã trải qua hơn 2 tháng điều trị (vào viện ngày 18/3). Trong quá trình điều trị, diễn biến sức khoẻ của BN đã có nhiều biến động. Kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 cũng thay đổi liên tục giữa âm tính và dương tính.

Dự kiến, hôm nay, Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế, các chuyên gia đầu ngành và các bệnh viện tiếp tục hội chẩn về tình hình sức khoẻ của bệnh nhân này.

Nam phi công 43 tuổi, ngụ tại quận 2, TP.HCM, làm việc cho hãng Vietnam Airlines. Đã hai tháng từ khi nhập viện, nhưng chưa có thân nhân nào của bệnh nhân phi công người Anh liên lạc với bệnh viện. Các bác sĩ cho biết thời gian đầu nhập viện, khi còn nói chuyện được, bệnh nhân này nói ông mồ côi cha mẹ và chưa có gia đình.

Có thể Đại sứ quán Anh sẽ phải đại diện phía người nhà bệnh nhân để làm các thủ tục ghép phổi. Có tới 50 người ở Việt Nam sẵn sàng tình nguyện hiến phổi tặng cho bệnh nhân 91, tuy nhiên Bộ Y tế hướng đến việc tìm nguồn phổi từ người cho đã bị chết não. Bệnh viện đã bỏ ra gần 130.000 USD để điều trị cho ông này. Việc ghép phổi sẽ tốn khoảng 64.000 USD.

Minh Hương

Chủ đề khác