VnReview
Hà Nội

Nikkei: Thái Lan dẫn đầu ASEAN trong triển khai 5G nhờ Covid-19

Nhà mạng hàng đầu Thái Lan, AIS, sẵn sàng đầu tư đến 1,2 tỷ USD để mở rộng mạng lưới của công ty trong năm nay.

5g

Đại dịch Covid-19 đã buộc các nhà mạng viễn thông lớn tại Thái Lan phải đẩy mạnh triển khai các công nghệ thế hệ thứ 5, biến họ trở thành quốc gia đầu tiên trong 10 thành viên của ASEAN thương mại hóa các dịch vụ 5G.

Hai nhà mạng di động hàng đầu Thái Lan, Advanced Info Service (AIS) và True Corp, đang chạy đua để triển khai mạng 5G tại các bệnh viện để hỗ trợ cho các bác sỹ và đội ngũ nhân viên y tế chiến đấu với Covid-19.

Vào ngày 11/5, AIS tiết lộ rằng công ty đã quyết định dành ra 1,2 tỷ USD để đầu tư mở rộng mạng 5G, hướng đến mục tiêu phục vụ khoảng 13% tổng dân số Thái Lan vào cuối năm nay.

Các nhà phân tích trước đây từng dự báo rằng các nhà mạng di động của Thái Lan sẽ cần thêm thời gian trước khi đầu tư vào mạng di động thế hệ mới, bởi họ đã chi ra hàng tỷ đô-la vào năm 2015 để mua giấy phép 4G – giấy phép mang lại quyền sử dụng các dải sóng dành riêng cho các dịch vụ mạng di động thế hệ trước. Nhu cầu đối với các mạng tốc độ siêu nhanh cũng được dự báo sẽ thấp, khiến việc triển khai nhanh mạng 5G là điều rất khó có khả năngg xảy ra.

Tuy nhiên, sự lây lan của Covid-19 đã nhanh chóng đảo ngược mọi dự báo nói trên, làm nảy sinh nhu cầu đối với một loạt các dịch vụ viễn thông mới.

"Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhu cầu đối với điều trị từ xa và robot (hoạt động trong các bệnh viện) lên cao, và cuối cùng là đẩy nhanh việc triển khai thương mại hóa 5G" – một nhà phân tích tại Asia Plus Securities nói.

GSMA, một tổ chức trong ngành công nghiệp viễn thông chuyên tổ chức các sự kiện MWC nổi tiếng tại các thành phố như Barcelona và Thượng Hải, đã chứng nhận AIS là nhà mạng di động đầu tiên trong ASEAN triển khai các dịch vụ 5G thương mại.

AIS, nhà mạng lớn nhất của Thái Lan với 42 triệu người dùng và được chống lưng bởi Singapore Telecommunications, đã triển khai các mạng 5G tại 158 bệnh viện ở Bangkok và các thành phố lớn xuyên suốt nền kinh tế lớn thứ nhì Đông Nam Á. Mạng 5G sẽ giúp các bệnh viện có thể thực hiện các dịch vụ khám chữa bệnh từ xa và đưa các robot vào hoạt động nhằm hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa bác sỹ với bệnh nhân.

"Đây là một cuộc khủng hoảng mà mọi người Thái nên cùng chung tay giúp đỡ nhau vượt qua. AIS sẽ đảm bảo vai trò là một nhà cung cấp cơ sở hạ tầng số cho một nền tảng dành cho mọi người, để họ sử dụng 5G nhằm chống lại COVID-19" – Somchai Lertsutiwong, CEO của AIS, nói.

Những con robot hoạt động thông qua 5G đang giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho các nhân viên y tế - theo lời Tiến sỹ Sukrom Chi-Charoen, Phó giám đốc của Bệnh viện Rajavithi ở Bangkok.

"Những con robot này rất hữu dụng, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta thiếu hụt trang thiết bị tự bảo vệ. Ngay cả khi chúng tôi không đủ khẩu trang y tế và trang phục bảo vệ cá nhân, chúng tôi vẫn có thể thực hiện công việc của mình bởi robot cho phép chúng tôi hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân" – Tiến sỹ Sukrom nói.

Một y tá chăm sóc các bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Vachira Phuket ở thành phố biển phía Nam Phuket cho biết robot giúp phân phát thức ăn và thuốc cho các bệnh nhân, cũng như đảm bảo quá trình giao tiếp tương tác mượt mà nhất có thể.

"Nó giúp tôi làm việc an toàn và vui vẻ, và nó còn giúp giảm stress cho các bệnh nhân khi mà họ thích nói chuyện với các bác sỹ thông qua các món đồ công nghệ mới này" – người y tá cho biết.

True Corp, công ty viễn thông thuộc Tập đoàn Charoen Pokphand của Thái Lan, hiện có 30 triệu người dùng, đã triển khai mạng 5G tại các bệnh viện lớn ở Bangkok và các thành phố lớn khác như Chiang Mai, Khon Kaen, Chonburi, và Phuket. Tại đây, các robot chuyển hàng, các xe hàng điều khiển từ xa, và hệ thống telepresence (giao tiếp từ xa hiển thị qua màn hình) đều giúp giảm nguy cơ gây ra bởi quá trình tiếp xúc trực tiếp giữa các nhân viên y tế và bệnh nhân.

Ngoài bệnh viện, hai công ty còn cạnh tranh để triển khai các mạng 5G tại các cửa hàng tạp hóa, các quận tài chính và các điểm du lịch của Bangkok. Cả AIS và True Corp đều đang chạy đua để cung cấp các dịch vụ internet gia đình tốc độ cao cho nhiều người Thái muốn làm việc tại nhà trong thời gian phong tỏa.

5g

Các quốc gia ASEAN khác vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm dịch vụ 5G, trong khi một số khác vẫn chờ kết quả đấu thầu để phân bổ các giấy phép cần thiết. Quốc gia tiếp theo trong khu vực nhiều khả năng sẽ triển khai 5G thương mại trong năm nay là Việt Nam, khi mà Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông của nước ta cho biết đã có kế hoạch thương mại hóa dịch vụ trong tháng 6 tới đây.

Ba nhà mạng viễn thông lớn của Việt Nam, bao gồm Viettel, MobiFone, và Vinaphone (đều thuộc sở hữu Nhà nước), đã thử nghiệm thành công mạng 5G tại các thành phố lớn vào tháng 4 vừa qua. Các nhà mạng này đều khẳng định đã sẵn sàng để triển khai thương mại, tuy nhiên chưa có nhà mạng nào công bố khung thời gian cụ thể để bắt đầu các dịch vụ thương mại.

Singapore được cho là sẽ bắt đầu triển khai 5G thương mại từ tháng 1/2021, với hai giấy phép 5G đang được đệ trình dành cho các công ty bao gồm Singapore Telecommunications. Quốc gia này hiện nhắm đến mục tiêu phủ sóng 5G ít nhất một nửa quốc gia vào cuối năm 2022.

Trong khi đó, nền kinh tế lớn nhất khu vực, Indonesia, vẫn khá im hơi lặng tiếng trong việc phát triển dịch vụ di động thế hệ tiếp theo. Cho đến thời điểm này, Indonesia vẫn chưa có một lộ trình rõ ràng nào nhằm phân bổ dải sóng và triển khai thương mại 5G cả.

Minh.T.T (theo Nikkei)

Chủ đề khác