VnReview
Hà Nội

Vì sao người lớn tuổi mắc Covid-19 nặng hơn?

Không phải chỉ Covid-19 mà hầu hết các dịch bệnh khác đều tác động đến người lớn tuổi mạnh hơn. Những bệnh nhân lớn tuổi thường có triệu chứng nặng hơn và khó hồi phục hơn.

Phải mất đến 6 tuần, nhiều cuộc gọi và một buổi tư vấn với Apple Care trước khi Laurie Jacobs quyết định gọi cho người cha 89 tuổi của mình qua FaceTime. Jacobs hiện là Trưởng khoa Y tại Trung tâm Y tế ĐH Hackensack, bang New Jersey (Mỹ). Cô đã rất lo cho tình hình của bố mẹ của mình trong thời kỳ dịch bệnh. Dù được chăm sóc y tế dài hạn nhưng họ vẫn cảm thấy bị tách biệt và cô đơn. Qua điện thoại, Jacobs không thể theo dõi liệu mẹ của cô có ổn không hay có đi lại thoải mái không, hiện bà đang mắc chứng suy giảm nhận thức. "Việc liên lạc từ xa rất khó khăn. Không phải lúc nào bạn cũng có thể xác định được tình trạng của những người lớn tuổi qua điện thoại", cô nói.

Và cũng giống như đa số người Mỹ khác trong thời gian cách ly, bố mẹ của cô không có việc gì để làm. "Họ dường như thấy chán và thiếu cảm xúc, vì vậy tìm ra cách để tương tác với họ là rất quan trọng", Jacobs cho biết.

Dịch Covid-19 tác động đến người già mạnh hơn gấp hai lần so với người trẻ. Người lớn tuổi không chỉ có nguy cơ nhiễm virus cao hơn mà họ cũng có thể gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng hơn và có thể dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, những người lớn tuổi cũng là nhóm người gánh chịu hậu quả lớn nhất từ lệnh dãn cách xã hội. Với những người mắc các bệnh như mất trí nhớ, bệnh Alzheimer hay suy giảm khả năng vận động, lệnh dãn cách xã hội có thể không thực tế, hay thậm chí là khiến quá trình theo dõi và điều trị những bệnh nhân này càng phức tạp hơn.

Những người lớn tuổi, đặc biệt là trên 80 tuổi, chịu tác động mạnh từ virus. Một phần nguyên nhân là vì nhóm tuổi này thường có các bệnh lý đi kèm như tiểu đường, cao huyết áp. Các bác sĩ vẫn chưa chắc chắn vì sao các bệnh lý nền này có thể khiến tác động của virus mạnh hơn. Tuy nhiên, cả hai loại bệnh trên đều liên quan đến sự biểu hiện mạnh hơn của thụ thể ACE2. Đây là một loại protein có trong tế bào giúp virus corona có thể bám vào và bắt đầu sinh sôi.

Nhiều người lớn tuổi còn mắc các bệnh mãn tính, viêm cấp thấp hay còn gọi là "viêm già" trong cơ thể dẫn đến không thể kiểm soát sự giải phóng cytokines. Đây là loại protein nhỏ bé giúp điều chỉnh phản ứng miễn dịch của cơ thể. Sự rối loạn này có thể khiến bệnh nhân lớn tuổi mắc phải hội chứng "cơn bão cytokine". Hội chứng này đã xảy ra ở một số bệnh nhân nhiễm Covid-19 khi hệ miễn dịch của họ mất kiểm soát và bắt đầu tấn công phần nội tạng khỏe mạnh.

Người lớn tuổi cũng dễ bị nhiễm bệnh hơn bởi tình trạng immunosenescence, là sự suy giảm miễn dịch tự nhiên theo độ tuổi. Khi chúng ta còn trẻ, hệ miễn dịch có một lượng lớn tế bào T và tế bào B sẵn sàng chiến đấu với mầm bệnh. Những tế bào này được gọi là "tế bào non" vì chúng chưa tiếp xúc với bất cứ vi khuẩn, virus hay mầm bệnh nào. Khi những tế bào non chạm trán với nguồn lây nhiễm, một số sẽ học được cách phát hiện mầm bệnh và sẵn sàng chống lại nó khi gặp lại sau này. "Khi chúng ta già đi, cơ thể chúng ta sẽ cạn dần các tế bào T và tế bào B", Wayne McCormick cho biết, ông là Trưởng khoa Lão tại ĐH Washington. "Rất khó để cơ thể có thể tạo ra những tế bào mới, dù vậy thì một số người lại có thể duy trì hệ miễn dịch lâu hơn những người khác". Điều này có nghĩa là hệ miễn dịch của cơ thể chúng ta khi về già sẽ phản ứng ít quyết liệt hơn so với khi còn trẻ.

Immunosenescencecũng có nghĩa là những người cao tuổi sẽ có nhiều bệnh nền khác nhau khiến các bác sĩ và nhân viên chăm sóc y tế khó có thể nhận ra dấu hiệu nhiễm Covid-19. Ví dụ như bệnh nhân Covid-19 thường có triệu chứng sốt, thì ở các bệnh nhân cao tuổi còn có thêm triệu chứng chóng mặt, mê sảng, buồn ngủ hay chán ăn. Đó là vì có thể virus đã tấn công vào các bộ phận khác trong cơ thể như não, thận, hay hệ tiêu hóa. "Khi con người già đi, virus có thể tấn công nhiều nội tạng mà không gặp trở ngại nào và khi đó sẽ xảy ra những triệu chứng rất nặng", William Greenough, Trưởng khoa Lâm sàng của đơn vị thở máy tại Trung tâm y tế Johns Hopkins Bayview. "Đối với người già, chúng tôi phát hiện ra hiện tượng tắc nghẽn mạch máu ở não và thận".

Loại virus corona mới này vẫn còn nhiều điều mà các bác sĩ lẫn các nhà khoa học chưa thể hiểu hết được. Tuy vậy, Greenough cho biết virus này đang ngày càng phức tạp và chúng gây ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác trong cơ thể hơn. Một số báo cáo gần đây về hiện tượng "ngón chân Covid", đột quỵ hay khối máu đông cho thấy virus đã tấn công các hệ thống mạch máu bên ngoài hệ hô hấp. Do đó, loại virus này đặc biệt nguy hiểm đối với những người lớn tuổi có nguy cơ mắc phải các bệnh về mạch máu như co thắt hay tắc nghẽn mạch máu.

Không chỉ những người lớn tuổi dễ mắc bệnh về mặt sinh học hơn, mà họ còn dễ bị lây nhiễm chéo do thường xuyên tiếp xúc với nhiều người. Một số người già sống tại nhà và được chăm sóc bởi các nhân viên dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Những nhân viên này có thể đã sử dụng phương tiện công cộng, tiếp xúc với nhiều khách hàng khác và cũng có thể là họ còn làm những công việc khác nữa. Do vậy, những người này khó mà có thể ở yên trong nhà. "Đây là đối tượng dễ tiếp xúc với mầm bệnh và mang chúng về nhà", Jacobs cho biết.

Jacobs cũng cho biết tình huống tương tự cũng xảy ra tại các cơ sở chăm sóc dài hạn. Tại đây, virus corona lây nhiễm rất nhanh giữa nhân viên và những người sống tại đó. Mặc dù người già có thể gặp phải tình trạng nghiêm trọng, vẫn có những người nhiễm virus mà không có triệu chứng. Do đó, rất khó để khoanh vùng mà không tiến hành xét nghiệm toàn bộ cơ sở. Một trong những ổ dịch lớn và sớm nhất là ở một cơ sở chăm sóc y tế dài hạn tại Kirkland (bang Washington) vào giữa tháng 4, số ca tử vong tại đây chiếm một nửa tổng số ca tử vong tại bang Washington. Một số ổ dịch lớn khác cũng xuất hiện tại các viện dưỡng lão ở Connecticut, New Jersey và Maine. Nguyên nhân được cho là những cơ sở này có mật độ người già dày đặc, thiếu nhân viên và thiếu trang thiết bị bảo hộ cá nhân. Và gần đây, các cơ quan y tế đã phát hiện ra rằng virus đang lây lan rất nhanh trong cộng đồng công nhân do thường xuyên làm việc trong nhà với mật độ người cao, di chuyển trên phương tiện công cộng trong thời gian dài và khó đảm bảo khoảng cách an toàn, ví dụ như công nhân đóng gói thịt hay làm việc trên nông trường.

Dù là cơ sở chăm sóc y tế dài hạn, viện dưỡng lão hay ngay tại gia đình thì nhiều người già vẫn có những yếu tố khiến họ không thể tuân thủ dãn cách xã hội. Một số cần hỗ trợ khi ăn, tắm rửa, đi vệ sinh hay thậm chí là khi di chuyển. "Bạn không thể giúp họ bằng gọi FaceTime", giáo sư chuyên khoa lão tại ĐH California San Francisco, Eric Widera nói.

Dãn cách xã hội buộc người già phải ở yên trong nhà có thể khiến bọ cảm thấy bị tách biệt và cô đơn. Hầu hết người lớn tuối đều muốn duy trì các hoạt động xã hội trong khi trung tâm người già, thư viện, nhà thờ… đều đóng cửa. Các gia đình thì không muốn tiếp khách. "Chúng tôi lo rằng sẽ xuất hiện tình trạng cô độc trên diện rộng", Widera nói. Điều này có thể dẫn đến những tình trạng sức khỏe nghiêm trọng như suy giảm nhận thức, cao huyết áp và đau tim.

Người lớn tuổi không chỉ dễ bị nhiễm virus hơn mà vaccine cũng có thể sẽ kém hiệu quả hơn đối với họ. Nguyên nhân là do hệ miễn dịch của người già không phản ứng như hệ miễn dịch của người trẻ, thường là không phản ứng tốt với vaccine. Người lớn tuổi không phải lúc nào cũng được kiểm nghiệm lâm sàng cho vaccine mới. "Nếu nhìn vào lịch sử nghiên cứu trong những thập kỷ qua, phần lớn các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên không tiến hành trên người già. Và nếu có thì cũng không phải là những người già yếu trong khi đây là đối tượng có nguy cơ cao nhất", Widera nói. "Đó là một trong những điều mà chúng tôi đang lo lắng. Chúng ta đang tìm kiếm phương pháp đặc trị và vaccine nhưng lại không thử nghiệm trên những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm lớn nhất".

Với những người mắc phải chứng suy giảm trí nhớ cũng như các loại nhận thức khác, sự việc có thể diễn ra càng phức tạp hơn. Widera chỉ ra rằng người mắc bệnh suy giảm trí nhớ có thể không nhớ được họ cần rửa tay thường xuyên và hạn chế dùng tay tiếp xúc vùng mặt. Và những bệnh nhân này thường gặp phải tình trạng lạc đường. Trong các cơ sở sinh sống và chăm sóc, họ có thể qua lại phòng của các bệnh nhân khác, đi ra sảnh hay thậm chí là các khu dân cư lân cận. Tất cả đều có thể làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm và phát tán mầm bệnh. Việc chẩn đoán Covid-19 trên những bệnh nhân này thậm chí còn khó khăn hơn nữa. "Những bệnh nhân bị suy giảm nhận thức không thể thông báo đầy đủ triệu chứng của họ", McCorrmick cho biết."Thậm chí nếu họ có ho thì một giờ sau chưa chắc gì họ đã nhớ".

Với những người bị mất trí nhớ thì khi vào viện lại xuất hiện một trở ngại lớn hơn. Covid-19 có thể làm tăng nặng triệu chứng đãng trí và mê sảng khi gặp phải môi trường xa lạ như phòng bệnh chẳng hạn. Những bệnh nhân này có thể sẽ hoảng loạn khi bị tách khỏi gia đình hay người chăm sóc và trở nên hung hăng trước những nhân viên y tế trùm kín người bởi bộ đồ bảo hộ. Và các y tá cần phải hạn chế tối đa tiếp xúc với bệnh nhân nên hầu hết thời gian trong ngày họ sẽ phải ở một mình.

Giáo sư lão khoa tại bệnh viện Mount Sinai ở New York, Martine Sanon cho biết thông thường, họ sẽ khuyến gia đình bệnh nhân tham gia đội chăm sóc để an ủi người bệnh. Tuy nhiên trong tình hình thiếu hụt trang thiết bị bảo hộ cũng như để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh thì bệnh viện đã dừng việc này lại. Có cho biết "các gia đình đã có giải pháp tuyệt vời", họ thường dùng FaceTime để gọi cho bệnh nhân và mở những bản nhạc quen thuộc. "Cách làm này đã có hiệu quả".

Tại trung tâm y tế ĐH Hackensack, Jacobs cho biết họ thường sử dụng các phương pháp phi dược lý để giúp các bệnh nhân giảm căng thẳng và lo âu. "Cách chúng tôi thường làm là các nhân viên của bệnh viện sẽ ngồi cạnh bệnh nhân và an ủi họ bằng âm nhạc và tiếp xúc cơ thể", cô nói. Nhưng với dịch Covid-19 thì phương pháp này quá nguy hiểm. Thay vào đó, bệnh viện đang phải sử dụng thuốc để giữ bệnh nhân bình tĩnh.

Dù tỉ lệ tử vong do Covid-19 ở người già cao hơn, nhưng vẫn có tỉ lệ sống sót. Sự hồi phục có thể diễn ra phức tạp hơn. William Greenough, tại trung tâm y tế Johns Hopkins, cho biết "Việc này giống như chờ kết quả cuối cùng vậy". Người lớn tuối thường yếu hơn và phục hồi chậm hơn sau khi được chữa trị. Ngoài ra, các phòng thể dục, trại cai nghiện và trung tâm vật lý trị liệu đều đóng cửa nên quá trình phục hồi sẽ còn khó khăn hơn.

Cô độc, immunosenescence và khó phục hồi không phải là những vấn đề mới. Và không cái nào trong số chúng là cá biệt với virus corona. Nhưng virus corona chủng mới đã khiến những đặc điểm trên trở nên trầm trọng hơn so với những gì người già đã phải đối mặt. Greenough nhận xét rằng "Covid-19 đã làm mọi thứ trở nên trầm trọng và phức tạp hơn".

Minh Bảo (theo Wired)

Chủ đề khác