VnReview
Hà Nội

Toàn văn bức tối hậu thư ông Trump gửi Tổng giám đốc WHO

Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Tổng thống Trump đã nhiều lần công khai cáo buộc WHO "thiên vị", giúp đỡ Trung Quốc giấu dịch. Ông vừa chia sẻ lên trang Twitter cá nhân bức tối hậu thư dài 4 trang gửi tới Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Adhanom Ghebreyesus, cùng lời bình luận rằng nội dung trong bức thư này đã "tự giải thích" cho chính nó.

Trong bức tối hậu thư được ông Trump đăng tải trên Twitter, nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã đưa ra những minh chứng cho cáo buộc WHO thông đồng với Trung Quốc, cùng với đó là lời đe dọa sẽ cắt tài trợ vĩnh viễn và xét lại tư cách thành viên của Mỹ tại WHO, nếu tổ chức này không có những thay đổi "thực sự và to lớn" trong vòng 30 ngày tới.

Cho đến nay, cả Trung Quốc và WHO bác bỏ hoàn toàn các cáo buộc liên quan từ phía Mỹ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 18/5 tuyên bố nước này đã minh bạch và "làm tất cả những gì có thể" để giúp đỡ các nước khác chống dịch. Ông Tập cũng đánh giá cao vai trò dẫn dắt của WHO trong cuộc chiến toàn cầu đẩy lùi COVID-19.

Sau đây là toàn văn bức tối hậu thư Tổng thống Trump đã gửi cho Tổng Giám đốc WHO.

"Gửi Tiến sĩ Tedros:

Vào ngày 14/4/2020, tôi đã tạm dừng các khoản đóng góp của Mỹ cho Tổ chức Y tế Thế giới (sau đây sẽ được ghi vắn tắt là WHO) trong thời gian Chính quyền của tôi tiến hành công tác đánh giá về những thất bại của WHO trong việc phản ứng với đại dịch COVID-19.

Việc đánh giá đã xác thực rất nhiều quan ngại nghiêm trọng mà tôi đã nêu ra hồi tháng trước, đồng thời chỉ ra thêm những điều mà đáng ra WHO phải giải quyết, đặc biệt là tình trạng thiếu độc lập đáng báo động của WHO trong mối quan hệ với Trung Quốc.

Sau đây là những điều chúng tôi rút ra được từ cuộc đánh giá này:

• WHO đã liên tục phớt lờ các báo cáo đáng tin cậy về sự lây lan của virus tại Vũ Hán vào đầu tháng 12/2019 hoặc thậm chí là sớm hơn thời điểm đó, bao gồm các báo cáo của tạp chí y học Lancet.

WHO cũng đã không tiến hành các cuộc điều tra độc lập nhằm xác minh các báo cáo đáng tin cậy nhưng lại đưa ra thông tin mâu thuẫn trực tiếp với các tuyên bố chính thức của Trung Quốc, trong đó có cả những báo cáo đến từ những nguồn tin nội bộ tại Vũ Hán.

• Văn phòng của WHO tại Bắc Kinh đã biết đến vấn đề "y tế cộng đồng" lớn ở Vũ Hán trước ngày 30/12/2019. Từ ngày 26-30/12/2019, truyền thông Trung Quốc đã đăng tải những bằng chứng cho thấy một chủng virus mới xuất hiện tại Vũ Hán, dựa trên những dữ liệu của bệnh nhân được gửi đến nhiều công ty nghiên cứu về gene của Trung Quốc.

Cũng trong giai đoạn này, Bác sĩ Trương Kế Tiên (Zhang Jixian) đến từ Bệnh viện Đông-Tây Y của tỉnh Hồ Bắc đã cảnh báo giới chức y tế Trung Quốc về chủng virus corona mới gây ra bệnh lạ và đã khiến khoảng 180 người lây nhiễm vào thời điểm đó.

• Ngày hôm sau, chính quyền đảo Đài Loan đã gửi thông tin cảnh báo về khả năng lây nhiễm từ người sang người của virus corona chủng mới cho WHO. Thế nhưng WHO đã quyết định không chia sẻ bất kỳ điều gì trong số thông tin quan trọng này với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới, có thể là vì các lí do chính trị.

• Theo Quy định Y tế Thế giới, các quốc gia cần báo cáo về rủi ro xảy ra tình trạng y tế khẩn cấp trong vòng 24 giờ. Nhưng Trung Quốc đã không thông báo với WHO về những bệnh nhân mắc chứng viêm phổi không rõ nguồn gốc. Đến ngày 31/12/2019, Trung Quốc mới thông báo cho WHO về điều này, dù Trung Quốc nhiều khả năng đã có thông tin về những trường hợp nói trên từ nhiều ngày hoặc nhiều tuần trước đó.

• Ngày 5/1/2020, Bác sĩ Trương Vĩnh Chấn (Zhang Yongzhen) từ Trung tâm Y tế Cộng đồng Thượng Hải đã nói với giới chức Trung Quốc rằng ông đã nghiên cứu được trình tự gene của loại virus mới.

Tuy nhiên, không có bất kỳ thông tin nào về phát hiện này được công bố. Phải đến 6 ngày sau, vào ngày 11/1/2020, khi Bác sĩ Trương tự đăng tải thông tin này trên mạng, mọi người mới biết đến điều đó. Ngày hôm sau, Trung Quốc đã đóng cửa phòng thí nghiệm của Bác sĩ Trương để "sửa chữa".

Ngay cả WHO cũng thừa nhận rằng việc Bác sĩ Trương tự đăng tải thông tin lên mạng là một hành động "minh bạch" vĩ đại. Thế nhưng, WHO đã giữ im lặng một cách đáng ngờ khi phòng thí nghiệm của Bác sĩ Trương bị đóng cửa, và cả khi vị bác sĩ này khẳng định đã thông báo cho giới chức Trung Quốc về phát hiện của mình từ 6 ngày trước đó.

tối hậu thư gửi who

• WHO đã liên tục đưa ra những tuyên bố không chính xác hoặc gây hiểu nhầm nghiêm trọng về virus corona:

- Ngày 14/1/2020, WHO đã vô căn cứ xác nhận tuyên bố của Trung Quốc rằng virus corona không thể lây từ người sang người. Hiện nay tuyên bố này đã được chứng minh là sai lầm.

Theo thông cáo của WHO: "Các cuộc điều tra sơ bộ do giới chức Trung Quốc tiến hành không phát hiện ra bất cứ bằng chứng rõ ràng nào cho thấy virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) được phát hiện tại Vũ Hán có khả năng lây nhiễm từ người sang người". Thông cáo này trái ngược với nội dung trong các bản báo cáo bị kiểm duyệt từ Vũ Hán.

- Ngày 21/1/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là đã gây sức ép, yêu cầu ông không tuyên bố dịch bệnh virus corona là tình trạng khẩn cấp. Ông đã cúi đầu trước sức ép này, và ngày hôm sau, ông đã tuyên bố với toàn thế giới rằng virus corona không phải là Tình trạng Y tế Công cộng Khẩn cấp gây Quan ngại Quốc tế. Chỉ một tuần sau, vào ngày 30/1/2020, những chứng cứ trái ngược đã buộc ông phải đảo chiều tuyên bố của mình.

- Ngày 28/1/2020, sau cuộc gặp với Chủ tịch Tập tại Bắc Kinh, ông đã khen ngợi Trung Quốc "minh bạch" về virus corona, tuyên bố Trung Quốc đã đặt ra một "tiêu chuẩn mới về kiểm soát dịch bệnh" và "giúp thế giới có thêm thời gian"...

• Ngay cả sau khi ông tuyên bố Tình trạng Y tế Công cộng Khẩn cấp gây Quan ngại Quốc tế muộn màng vào ngày 30/1/2020, ông đã không hề thúc giục Trung Quốc chấp nhận đoàn chuyên gia y tế quốc tế của WHO vào cuộc. Hậu quả là, phải đến 2 tuần sau, vào ngày 16/2/2020 đội ngũ quan trọng này mới tới Trung Quốc.

Thậm chí vào thời điểm đó, đội ngũ chuyên gia của WHO cũng phải đợi đến những ngày cuối cùng của chuyến công tác mới được phép tới Vũ Hán. Một điều đáng nói là WHO cũng đã im lặng khi 2 thành viên có quốc tịch Mỹ trong đội chuyên gia này bị từ chối tiếp cận Vũ Hán.

• Ông cũng đã khen ngợi lệnh hạn chế di chuyển trong nước nghiêm ngặt của Trung Quốc hết lời, nhưng lại phản đối một cách rất khó hiểu việc tôi đóng cửa biên giới Mỹ - cụ thể là cấm những người đến từ Trung Quốc nhập cảnh. Bất chấp những mong muốn của ông, tôi đã ban bố lệnh cấm này.

Trò chơi chính trị của ông trong vấn đề dịch bệnh là hành động gây chết người, bởi chính phủ các quốc gia khác vì làm theo những phát ngôn của ông nên đã chậm trễ trong việc đưa ra các lệnh hạn chế nhập cảnh từ Trung Quốc - dù đây là biện pháp giúp cứu sống mạng người.

Thật khó tin, vào ngày 3/2/2020, ông lại tiếp tục tái khẳng định lập trường của mình và nói rằng các lệnh hạn chế di chuyển là "lợi bất cập hại", trên quan điểm Trung Quốc đang làm tốt trong việc bảo vệ thế giới trước sự tấn công của virus. Khi đó, cả thế giới đã biết rằng trước khi phong tỏa thành phố Vũ Hán, giới chức Trung Quốc đã cho phép hơn 5 triệu người dân rời khỏi thành phố này, và cũng có bấy nhiêu người đi đến các quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới.

• Ngày 3/2/2020, Trung Quốc đã mạnh mẽ gây sức ép, yêu cầu các quốc gia khác dỡ bỏ các hạn chế đi lại. Chiến dịch gây sức ép này càng được tiếp thêm sức mạnh khi ông đưa ra những tuyên bố sai lệch vào ngày hôm đó rằng sự lây lan của virus corona ngoài lãnh thổ Trung Quốc là "cực kỳ hãn hữu và chậm chạp", rằng "nguy cơdịch bệnh này lây lan ra bất cứ đâu ngoài lãnh thổ Trung Quốc là cực kỳ thấp".

• Ngày 3/3/2020, WHO đã trích dẫn số liệu chính thức của Trung Quốc để giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của nguy cơlây nhiễm bệnh không triệu chứng.

WHO đã tuyên bố rằng "COVID-19 không dễ dàng lây nhiễm như bệnh cúm mùa", và khác với bệnh cúm, những người "nhiễm virus nhưng chưa bị ốm" không phải là con đường lây nhiễm chính của COVID-19. Trích dẫn những "bằng chứng của Trung Quốc", WHO cho biết "chỉ có 1% số ca nhiễm được ghi nhận không có triệu chứng, và đa số những trường hợp này thường có biểu hiện bệnh lý trong vòng 2 ngày".

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã trích dẫn số liệu từ Nhật Bản, Hàn Quốc và những nơi khác và bày tỏ hoài nghi về những phát ngôn của WHO. Giờ đây, mọi người đã có thể thấy rõ rằng các tuyên bố của Trung Quốc - và sau đó được WHO nhắc lại - là điều không chính xác.

• Đến khi ông tuyên bố COVID-19 là đại dịch vào ngày 11/3/2020, đã có hơn 4.000 người thiệt mạng, hơn 100.000 người nhiễm bệnh tại ít nhất 114 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

• Vào ngày 11/4/2020, một số bộ trưởng của các quốc gia châu Phi đã gửi thư đến Bộ Ngoại giao Trung Quốc về tình trạng phân biệt đối xử liên quan đến dịch bệnh mà các công dân châu Phi tại Quảng Châu và các thành phố khác của Trung Quốc đã trải qua.

Ông biết rằng Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp kiểm dịch bắt buộc, từ chối dịch vụ và thậm chí yêu cầu công dân các nước châu Phi này rời đi. Nhưng ông lại không hề lên tiếng về những hành động phân biệt chủng tộc của Trung Quốc. Trong khi đó, ông lại chê trách Đài Loan là phân biệt chủng tộc khi họ đưa ra lời chỉ trích đúng đắn về cách ông phạm sai lầm trong chuyện xử lý dịch bệnh.

• Trong cuộc khủng hoảng này, thật kỳ lạ khi WHO liên tục khen ngợi Trung Quốc "minh bạch". Ông cũng đã nhiều lần đưa ra những lời khen ngợi như vậy, dù Trung Quốc không hề có hành động nào được coi là minh bạch.

Ví dụ, hồi tháng 1, Trung Quốc đã ra lệnh hủy các mẫu virus, tước đi quyền lợi được biết về thông tin quan trọng này của thế giới. Ngay cả bây giờ, Trung Quốc vẫn tiếp tục không tuân thủ các Quy định Y tế Thế giới khi từ chối chia sẻ các dữ liệu chính xác và kịp thời, như mẫu virus và thể phân lập của virus, hay tiếp tục giấu kín thông tin về virus và nguồn gốc của nó.

Và, cho đến ngày hôm nay, Trung Quốc vẫn tiếp tục từ chối các yêu cầu tiếp cận của quốc tế nhằm tìm hiểu về các nhà khoa học và các cơsở nghiên cứu có liên quan của nước này. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục đổ lỗi vô căn cứ, bừa bãi và kiểm duyệt phát ngôn của chính các chuyên gia của họ.

• WHO đã không công khai kêu gọi Trung Quốc cho phép mở cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus corona, dù chính Ủy ban Khẩn cấp của WHO đã chấp thuận điều đó.

Chính vì WHO không làm điều đó, nên các quốc gia thành viên của WHO đã buộc phải thông qua nghị quyết về "Phản ứng COVID-19" (COVID-19 Response) tại phiên họp Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) năm nay, hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ và nhiều quốc gia khác về việc mở cuộc đánh giá công bằng, độc lập và toàn diện về cách WHO xử lý cuộc khủng hoảng. Nghị quyết này cũng đã kêu gọi việc mở cuộc điều tra về nguồn gốc của virus corona - đây là điều cần thiết để thế giới hiểu rõ về các ứng phó tốt nhất trước đại dịch này.

Nhưng, một điều có lẽ còn tồi tệ hơn những thất bại kể trên, là chúng tôi biết rằng WHO có thể làm tốt hơn thế rất nhiều. Chỉ vài năm trước thôi, dưới sự dẫn dắt của một vị Tổng Giám đốc khác, WHO đã chứng minh cho toàn thế giới thấy giá trị của mình.

Năm 2003, khi đại dịch SARS bùng phát từ Trung Quốc, cựu Tổng Giám đốc WHO Harlem Brundtland đã dũng cảm ban bố khuyến nghị đi lại đầu tiên trong vòng 55 năm, cụ thể là khuyến cáo người dân không nên xuất/nhập cảnh từ tâm dịch ở miền Nam Trung Quốc. Bà Brundtland cũng không hề do dự khi lên tiếng chỉ trích Trung Quốc vì đã gây nguy hiểm tới sức khỏe của người dân toàn cầu khi họ cố gắng che giấu dịch bệnh bằng những hành động quen thuộc. Nhiều người lẽ ra đã thoát chết nếu ông học tập theo hình mẫu của Tiến sĩ Brundtland.

Rõ ràng những sai lầm lặp lại của ông và WHO trong việc phản ứng trước dịch bệnh đã khiến toàn thế giới phải trả cái giá rất đắt. WHO chỉ có thể tiếp tục tiến về phía trước, nếu như các vị có thể thực sự chứng minh sự độc lập của tổ chức trước Trung Quốc.

Chính quyền của tôi đã bắt đầu thảo luận với các vị về các phương án cải tổ tổ chức. Nhưng các vị cần hành động nhanh chóng. Chúng tôi không có thời gian để lãng phí.

Đó là lí do tôi, trên cương vị là Tổng thống Mỹ, có nhiệm vụ thông báo với ông rằng, nếu WHO không có những thay đổi thực sự và to lớn trong vòng 30 ngày tới, tôi sẽ biến quyết định tạm ngưng tài trợ cho WHO thành vĩnh viễn, đồng thời cân nhắc lại tưcách thành viên của Mỹ trong tổ chức. Tôi không thể tiếp tục cho phép tiền thuế của người dân Mỹ được đem đi tài trợ cho một tổ chức - mà với tình trạng hiện nay - rõ ràng không phục vụ lợi ích của nước Mỹ."

Theo báo Tổ Quốc

Chủ đề khác