VnReview
Hà Nội

Nước Mỹ bỏ tiền tỷ mua 400 triệu liều vaccine phòng ngừa virus corona có thể sẽ… chẳng bao giờ tồn tại

Thật khó để tưởng tượng bất cứ thứ gì có tầm quan trọng hơn đối với tương lai (và hiện tại) của nền kinh tế toàn cầu hơn là những liều vaccine phòng chống virus corona, và nước Mỹ có vẻ như đang đặt cược một "canh bạc" đầy khó khăn để trở thành một trong những quốc gia đầu tiên sở hữu và ứng dụng vaccine này.

Mặc dù những hy vọng của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc loại vaccine này sẽ sẵn sàng để triển khai sử dụng rộng rãi vào cuối năm nay (hoặc thậm chí sớm hơn, như chính ông đã tuyên bố trước đây) dường như sẽ không thể trở thành hiện thực, song một số công ty dược phẩm đã khuyến khích kết quả nghiên cứu sớm và đã bắt đầu thử nghiệm một số loại vaccine có tiềm năng.

Nước Mỹ vừa mua 400 triệu liều vaccine phòng ngừa virus corona có thể sẽ… chẳng bao giờ tồn tại

Thông qua Cơ quan nghiên cứu và phát triển y sinh tiên tiến (BARDA), Mỹ đã đầu tư rất nhiều vào một số chương trình phát triển vaccine, với số tiền hơn 2,1 tỷ USD cho các công ty dược phẩm, cả các hãng có trụ sở tại Mỹ và ở nước ngoài, đang nghiên cứu phát triển vaccine phòng virus corona. Cho đến nay, các khoản tài trợ đang được cung cấp cho công tác phát triển, thử nghiệm và nhân rộng sản xuất vaccine.

BARDA, cơ quan thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, được thành lập năm 2006 với nhiệm vụ đầu tư nghiên cứu nhằm tăng cường sự chuẩn bị của Mỹ chống lại các mối đe dọa về y sinh, từ khủng bố sinh học đến đại dịch. Ngân sách của cơ quan cho năm 2020 đã được cấp là 1,6 tỷ USD, nhưng đến nay cơ quan này đã được cấp thêm 2 tỷ USD trong khuôn khổ gói tài trợ khẩn cấp được thông qua vào tháng 3.

Với thỏa thuận tài trợ mới nhất, được công bố hôm nay, BARDA đã trao khoản tài trợ 1,2 tỷ USD cho công ty AstraZeneca (có trụ sở ở Anh), không chỉ để tăng tốc độ nghiên cứu và phát triển vaccine, mà còn để "đặt trước" 400 triệu liều cho nước Mỹ.

Nhà sản xuất dược phẩm đang bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ ba và hy vọng có thể đưa liều vaccine đầu tiên vào sử dụng trong tháng 10, và cung cấp rộng rãi vào năm 2021. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng loại vaccine này sẽ thực sự có hiệu quả, an toàn và được chấp thuận từ các cơ quan quản lý để sử dụng trên diện rộng. Mặc dù kết quả ban đầu rất hứa hẹn, vẫn chưa có gì chắc chắn rằng loại vaccine do công ty này phát triển sẽ cho kết quả tốt, hoặc được hoàn thiện sớm hơn các sản phẩm của các công ty đối thủ.

Đây không phải lần đầu tiên chính quyền Mỹ tìm cách đặt trước và bảo đảm nguồn cung các loại vaccine phòng virus corona tiềm năng cho người Mỹ. Trước đó trong đại dịch, Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã tìm cách mua lại CureVac, một công ty của Đức chuyên nghiên cứu vaccine, với mục đích đảm bảo loại vaccine này sẽ được sử dụng độc quyền riêng cho Mỹ.

Gần đây hơn, Mỹ đã đầu tư 30 triệu USD cho nhiệm vụ nghiên cứu vaccine của công ty dược phẩm Sanofi của Pháp, với điều kiện rằng nếu một loại vaccine được nghiên cứu thành công, những liều đầu tiên sẽ được chuyển đến Mỹ. Tuy nhiên, không giống như với AstraZeneca, thỏa thuận này không nêu rõ số lượng liều cụ thể sẽ được cung cấp cho Mỹ.

Tổng cộng, BARDA đã đầu tư vào việc nghiên cứu phát triển bốn loại vaccine chống virus corona. Cho đến nay, khoản đầu tư lớn nhất dành cho công ty AstraZeneca, tiếp theo là hơn 456 triệu USD đầu tư vào bộ phận Nghiên cứu & Phát triển Janssen trực thuộc Johnson & Johnson, công ty có trụ sở tại Mỹ. Sau đó là khoản đầu tư khoảng 430 triệu USD được trao cho Moderna, một công ty cũng có trụ sở tại Mỹ. Khoản đầu tư vào Sanofi là khoản đầu tư có giá trị thấp nhất trong danh mục đầu tư vaccine của BARDA.

Trong số các chương trình phát triển vaccine Covid-19 do BARDA tài trợ, mới chỉ có Johnson & Johnson công bố kế hoạch bán ra vaccine thành phẩm, ít nhất là cho tới thời điểm hiện tại.

Quang Huy

Chủ đề khác