VnReview
Hà Nội

Lịch sử thú vị của đôi giày cao gót: hoá ra đàn ông là những người sử dụng đầu tiên

Vì nhiều lý do khác nhau, rất hiếm khi chúng ta thấy một gã đàn ông mang giày cao gót. Những lý do đó là gì? Hãy cùng nhìn lại lịch sử của giày cao gót để tìm kiếm câu trả lời.

giay

Giày cao gót có một lịch sử khá dài và nổi tiếng. Ví dụ đầu tiên về loại giày này là từ những năm 900 sau Công nguyên, và chúng không được mang trong những buổi yến tiệc thời Trung cổ bởi những phụ nữ quý tộc. Thay vào đó, người mang chúng là những kỵ binh Ba Tư. Gót giày giúp giữ chân họ trong bàn đạp của yên ngựa, khiến việc cưỡi ngựa trở nên dễ dàng hơn, và quan trọng nhất là cho phép họ vươn ra khỏi yên ngựa để bắn tên khi ngựa đang phi nước đại. Giày cao gót chính là loại giày được kỵ binh Ba Tư mang ra chiến trận.

Vào năm 1599, Shah Abbas I của Ba Tư gửi một vị sứ giả đến triều đình các quốc gia Tây Âu là Nga, Đức và Tây Ban Nha. Ông muốn thành lập một liên minh nhằm chống lại kẻ thù lớn nhất của mình: đế quốc Ottoman. Sứ mệnh ngoại giao này, ngoài nhiệm vụ vốn có, còn mang giày cao gót hiện đại đến với châu Âu.

Những người đàn ông quý tộc phương Tây ao ước có được vẻ ngoài nam tính như một kỵ binh Ba Tư, do đó họ nhanh chóng xem giày cao gót như một biểu tượng thể hiện đẳng cấp của mình. Khi loại giày này trở nên phổ biến trong số thường dân nói chung, giới quý tộc liền tăng chiều cao của phần gót, tạo nên những chiếc giày cao gót đúng nghĩa. Một chiếc giày với gót cao 10cm thực sự là một thứ lố bịch khi sử dụng trên những con đường lấm bùn của Tây Âu, do đó nó là một lời tuyên bố chắc nịch rằng người mang hẳn phải là một gã giàu có và quan trọng; chẳng người lao động phải chạy ăn từng bữa nào, hoặc phải lê lết những quãng đường dài, lại mang một đôi giày ngớ ngẩn như vậy cả.

Xuyên suốt những năm 1600, giày cao gót trở thành vật bất ly thân đối với những người trong triều đình phương Tây. Vua Louis XIV của Pháp có sở thích mang giày cao gót đỏ. Vua Charles II của Anh, dù cao đến hơn 1m8, vẫn mang một đôi giày cao gót trong lễ đăng quang. Và vào thời này, phụ nữ cũng bắt đầu mang giày cao gót.

Vào những năm 1630, thời trang của phụ nữ trong triều đình phương Tây chuyển sang xu hướng "con nhà binh": họ mặc áo khoác với cầu vai, cắt tóc ngắn, và để hoàn thiện vẻ ngoài đậm chất chiến binh, họ mang món đồ nam tính nhất trong số những món đồ nam tính – một đôi giày cao gót.

Đến cuối những năm 1600, giày cao gót đã trở nên khá đa dạng, phân chia thành những phong cách khác biệt. Giày cao gót của đàn ông thường chắc chắn hơn và vuông vức hơn, trong khi giày phụ nữ thường xinh xắn hơn và cao hơn.

Những phong cách này tồn tại đến những năm 1700, nhưng sau đó mờ nhạt dần vì hai xu hướng văn hóa lớn. Đầu tiên, thời kỳ Khai sáng và nền giáo dục ngày càng được phổ biến rộng rãi, cũng như những thay đổi trong suy nghĩ hợp với thời đại, khiến cho các nam quý tộc từ bỏ những bộ trang phục rườm rà cùng các loại trang sức – bao gồm cả giày cao gót. Thay vào đó, họ ưa chuộng những bộ quần áo đơn giản và thực dụng hơn. Cánh đàn ông muốn trông như thể họ vừa mới bước ra khỏi biên giới quốc gia vậy. Đến những năm 1740, gót giày của đàn ông đã thấp xuống sát đất rồi.

giay

Giày cao gót của kỵ binh Ba Tư

Trong khi đó, giày cao gót của phụ nữ vẫn duy trì "phong độ" và vẫn phổ biến cho đến cuộc Cách mạng Pháp những năm 1790. Giới quý tộc nói chung và trang phục quý tộc nói riêng dần hết thời – và cùng với họ, giày cao gót cũng bị; quên lãng.

Giữa những năm 1800 và 1940, giày cao gót thỉnh thoảng lại trỗi dậy, nhưng không bao giờ có lại sự phổ biến như xưa nữa. Một sự kiện quân sự khác giúp điều đó xảy ra: Đệ nhị Thế chiến.

Tuy nhiên, lần này chiến tranh lại biến giày cao gót phụ nữ trở nên thịnh hành. Những binh sỹ chán chường nhớ nhung gia đình nghĩ ra một cách giải tỏa bản thân: treo tranh ảnh đầy các trại lính nơi họ đóng quân. Nhiều tranh ảnh trong số này là hình người mẫu mang giày cao gót (và khá thiếu vải) để trông hấp dẫn hơn, và do đó giày cao gót đã trở thành một vật thể hiện nữ tính. Sau chiến tranh, loại giày này từ chỗ thường xuất hiện trong các tranh ảnh khiêu dâm đã dần trở thành một món đồ đại chúng, và kể từ đó, giày cao gót hiện đại dành cho phụ nữ chưa bao giờ được xem là lỗi thời.

Tuy nhiên, giày cao gót unisex (dành cho cả hai giới) đang ngấp nghé trở lại. Trong 3 năm trở lại đây, doanh số loại giày này đang tăng dần, và những người người đàn ông nổi tiếng trong giới thời trang, như Jonathan Van Ness, Sam Smith, Marc Jacob, và Harry Styles, đều mang chúng và đăng ảnh về chúng trên mạng xã hội.

Dù hiếm thấy, nhưng thực sự thì giày cao gót dành cho nam chưa từng biến mất. Xét cho cùng, giày cao bồi chẳng phải là một biến thể hiện đại, gót cao của giày kỵ binh Ba Tư hay sao? Và chúng chưa bao giờ lỗi thời cả.

Minh.T.T (theo MindBounce)

Chủ đề khác