VnReview
Hà Nội

Dấu hỏi về tỷ lệ xét nghiệm và việc Nhật Bản đánh bại Covid-19

Vào đầu tháng 4, một đô vật sumo trẻ tuổi người Nhật Bản tên Shobushi bị sốt. Huấn luyện viên của anh gọi cho trung tâm y tế công cộng địa phương để đưa đi xét nghiệm virus SARS-CoV-2, nhưng vấn đề là đường dây điện thoại luôn trong tình trạng bận.

Kỷ lục buồn tại Mỹ: Số người chết vì Covid-19 vượt mốc 100.000, gấp 21 lần Trung Quốc

Tỷ lệ xét nghiệm Covid-19 ở Nhật Bản quá thấp

Theo Reuters, trong 4 ngày sau đó, đô vật trẻ tuổi bị hàng loạt các phòng khám ở Tokyo từ chối xét nghiệm. Đến ngày 8/4, khi bắt đầu ho ra máu thì anh mới được vào bệnh viện. Tuy nhiên, hiệp hội sumo Nhật Bản cho biết ngày 13/5 thì Shobishi đã chết vì Covid-19.

Cái chết của Shobushi đã tạo nên một làn sóng phản đối công khai về những hạn chế trong việc xét nghiệm Covid-19 ở Nhật Bản. Nước này được cho vào phụ thuộc nhiều vào các trung tâm y tế công cộng đã quá tải tại thời điểm mà các chuyên gia cho rằng việc xét nghiệm trên diện rộng là rất quan trọng để ngăn chặn đại dịch.

Giao lộ Shibuya vẫn đông người qua lại trong những ngày Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp

Điều này càng gây lo ngại hơn khi Nhật Bản đã gỡ bỏ hoàn toàn lệnh tình trạng khẩn cấp và mở cửa trở lại nền kinh tế cách đây vài ngày. 'Đất nước mặt trời mọc' thời gian gần đây được ca ngợi về thành công không tưởng và đầy bất ngờ khi các số liệu báo cáo xác nhận có khoảng 800 ca tử vong và 16.000 trường hợp nhiễm bệnh, khá ít so với các nước châu Âu hay châu Mỹ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc ca ngợi thành quả chống dịch bệnh của Nhật Bản là quá sớm bởi nước này đứng thứ 2 từ dưới lên về số lượng xét nghiệm Covid-19 trong khối các quốc gia OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế). Tính đến hết ngày 20/5, Nhật Bản mới chỉ tiến hành 3,4 xét nghiệm/1.000 dân, thấp hơn rất nhiều so với 52,5 xét nghiệm/1.000 dân của Ý và 39 xét nghiệm/1.000 dân của Hoa Kỳ. Một quốc gia khác thuộc khu vực Đông Bắc Á là Hàn Quốc cũng đã thực hiện 15 xét nghiệm/1.000 dân.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, một số quan chức y tế công cộng, bác sĩ và chuyên gia y tế Nhật Bản cho rằng việc xét nghiệm quá ít có thể khiến nước này phát hiện thiếu ca bệnh và người dân dễ bị tổn thương trước những đại dịch có thể bùng phát trong tương lai. Thậm chí, một số người còn chỉ trích cơ quan chức năng của 'đất nước mặt trời mọc' đã để tình trạng quá tải tại các trung tâm y tế công cộng diễn ra.

Ông Yasuharu Tokuda - Giám đốc trung tâm đào tạo bệnh viện Muribushi Okinawa cho rằng: 'Đúng là số liệu người nhiễm và chết vì Covid-19 ở Nhật Bản được công bố là rất thấp. Rõ ràng là đã có khá nhiều trường hợp không được phát hiện'. Thậm chí, đến cố vấn hàng đầu của chính phủ Nhật Bản, ông Shigeru Omi cũng nói trước quốc hội rằng không ai biết được liệu số ca nhiễm Covid-19 ở Nhật Bản có hơn các con số báo cáo 10, 12 hay 20 lần hay không.

Dấu hỏi về việc xét nghiệm

Theo các báo cáo, đa phần các nhân viên y tế công cộng ở Nhật Bản đã phải làm việc quá sức trong đại dịch Covid-19 với rất nhiều các cuộc gọi đến mong muốn được xét nghiệm. Điều này khiến họ mong muốn chính phủ tăng cường cho phép nhiều phòng khám tư nhân xét nghiệm PCR.

Nhật Bản cho biết họ có thể chạy tới 22.000 xét nghiệm PCR mỗi ngày. Tuy nhiên, chưa tới 1/3 trong số đó - khoảng 6.000 xét nghiệm thực sự được tiến hành hàng ngày tại đây. 75% trong 6.000 xét nghiệm này được tiến hành thông qua các trung tâm y tế công cộng và những cơ quan khác thuộc chính phủ.

Trong một bức thư được gửi đi ngày 6/5, Hiệp hội các giám đốc trung tâm y tế công cộng đã kêu gọi Bộ trưởng bộ y tế nước này - ông Katsunobu Kato có phương án mới trong chính sách xét nghiệm Covid-19.

Không chỉ vậy, theo Reuters, vào lúc các trung tâm y tế công cộng Nhật Bản quá tải thì nhiều phòng thí nghiệm đại học lại 'ngồi không'. Ông Shinya Yamanaka - một nhà sinh học tế bào gốc từng đoạt giải Nobel đang làm việc ở Đại học Kyoto đã đề nghị phòng thí nghiệm của mình được xét nghiệm Covid-19 nhiều hơn. Ông cho biết trong một cuộc tranh luận trên truyền hình: 'Nếu chúng ta có thể sử dụng tốt tài nguyên từ các phòng thí nghiệm ở nhiều trường đại học thì con số xét nghiệm PCR có thể vượt mốc 100.000 mỗi ngày, tức là hơn con số 22.000 rất nhiều'.

Hiện tại, đang có rất nhiều câu hỏi xung quanh cách chống dịch Covid-19 tại Nhật Bản. Vào tháng 4, bệnh viện của Đại học Keio ở Tokyo đã công bố một nghiên cứu. Ở đó, họ xét nghiệm Covid-19 trên những bệnh nhân không nhập viện vì Covid-19. Kết quả chỉ ra rằng, có tới 6% trong số những người được xét nghiệm có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là một con số gây sốc với rất nhiều chuyên gia y tế.

Nhật Bản là một trong số ít những quốc gia không ban bố lệnh hạn chế đi lại, các doanh nghiệp, nhà hàng vẫn được mở cửa trong đại dịch Covid-19. Thậm chí, họ cũng không triển khai một ứng dụng công nghệ cao nào để giám sát người dân. Nước này cũng đã dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp từ ngày 25/5, sớm hơn 1 tuần so với kế hoạch ban đầu. Đồng thời, Nhật Bản cũng là một trong những quốc gia phát triển có tỷ lệ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 rất thấp.

Tờ BBC đã đăng tải câu chuyện có thật từ Jordain Haley - một người Mỹ làm phân tích kinh doanh ở Nhật Bản. Ngày 10/4, bạn của Haley bị sốt và ho nhưng phải đợi 4 ngày mới gọi đường dây nóng để xét nghiệm theo hướng dẫn. Người này có triệu chứng khó thở, chóng mặt vì thiếu oxy. Ngày 14/4, bạn của Haley gọi cho đường dây nóng nhưng bị từ chối giúp đỡ, họ nói cô bị ốm và nên gọi xe cứu thương. Đến ngày 15/4, người này tìm được một phòng khám và bác sĩ sau khi chụp x-quang ngực nói rằng cô có thể đã nhiễm Covid-19 nhưng không đến nỗi phải nhập viện, nên về nhà rồi tự cách ly.

Tối muộn ngày 16/4, người này cảm thấy quá khó chịu và phải mất 2h đồng hồ mới tìm thấy một bệnh viện chấp nhận khám cho mình. Lúc này, hơi thở của cô đã ngày càng tệ hơn. Tại bệnh viện, cô tiếp tục được chụp x-quang ngực và được khuyên nên đi xét nghiệm Covid-19 ở trung tâm y tế địa phương. Tuy nhiên, bác sĩ không viết thư giới thiệu và cô được gửi về nhà bằng taxi.

Ngày 17/4, cuối cùng cô cũng tìm được một trung tâm y tế địa phương để xét nghiệm Covid-19. Tuy nhiên, người này bị yêu cầu giữ kín việc xét nghiệm với lý do: 'nó có thể gây ra một cuộc hỗn loạn'.

T.T Theo Reuters, BBC

Chủ đề khác