VnReview
Hà Nội

CNN lý giải vì sao Việt Nam với 97 triệu dân lại không có ai chết vì Covid-19?

Hãng tin CNN của Mỹ đã tìm hiểu nguyên nhân và thực sự kinh ngạc trước những thành quả trong việc chống lại đại dịch Covid-19 của Việt Nam.

Em bé 1 tuổi xét nghiệm lần thứ 4 mới phát hiện mắc Covid-19, ca thứ 328 ở Việt Nam

Khi thế giới nhìn vào châu Á để lấy ví dụ thành công trong việc ngăn chặn sự bùng phát của virus SARS-CoV-2, nhiều sự chú ý và khen ngợi được dành cho Hàn Quốc, Đài Loan và Hong Kong. Nhưng có một câu chuyện chống dịch đạt hiệu quả rất tốt ít được biết đến - Việt Nam. Hãng tin CNN vừa có 1 bài viết dài lí giải thành công của Việt Nam trong việc ngăn chặn đại dịch vẫn đang khiến rất nhiều nước trên thế giới khốn khổ. VnReview.vn xin lược dịch lại bài viết này.

Việt Nam là đất nước có 97 triệu dân nhưng chưa có một trường hợp tử vong nào do Covid-19. Tính đến nay, Việt Nam cũng mới ghi nhân 328 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 mặc dù có đường biên giới dài với Trung Quốc và hàng triệu du khách từ 'quốc gia tỷ dân' du lịch đến Việt Nam hàng năm.

Thành tích kể trên càng đáng chú ý hơn khi theo số liệu từ Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam là một quốc gia có thu nhập bình quân trên người ở mức trung bình thấp với hệ thống chăm sóc sức khỏe được coi là kém tiên tiến hơn nhiều so với khá nhiều đất nước khác trong khu vực. Các tính toán cho thấy, Việt Nam chỉ có khoảng 8 bác sĩ trên 10.000 dân.

Sau 3 tuần triển khai, Việt Nam đã dỡ bỏ lệnh cách ly toàn xã hội vào cuối tháng 4. Đặc biệt hơn, hơn 40 ngày qua Việt Nam không có bất kỳ trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 nào được ghi nhận tại cộng đồng. Các doanh nghiệptrong nước đã được mở cửa, cuộc sống đang dần trở lại bình thường.

Với nhiều người hay hoài nghi, con số được Việt Nam đưa ra có vẻ như là quá 'ảo diệu' và không đúng thực tế. Tuy nhiên, một bác sĩ về bệnh truyền nhiễm có tên Guy Thwaites làm việc ở một trong những bệnh viện được chính phủ chỉ định điều trị cho bệnh nhân Covid-19 cho biết những số liệu kể trên là phù hợp và đúng với thực tế. Người này cho biết: 'Tôi đến các phường mỗi ngày, tôi biết các trường hợp nhiễm Covid-19 và tôi cũng biết ở đây không có ai tử vong vì đại dịch này'. Thwaites được giới thiệu là người đứng đầu đơn viện nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford tại thành phố Hồ Chí Minh.

Thành quả chống dịch của Việt Nam được các chuyên gia y tế công cộng hàng đầu lý giải là sự kết hợp của rất nhiều yếu tố. Đó là việc hành động sớm của chính phủ, các chính sách theo dõi và kiểm dịch nghiêm ngặt cũng như truyền thông công cộng hiệu quả.

Hành động sớm của chính phủ

Trước khi phát hiện bệnh nhân đầu tiên dương tính với virus SARS-CoV-2, Việt Nam đã chuẩn bị cho công tác phòng dịch được 1 tuần. Vào thời điểm đó, cả Trung Quốc và WHO đều khẳng định không có bằng chứng rõ ràng cho việc loại virus kể trên truyền từ người sang người. Nhưng Việt Nam vẫn hành động để chống dịch.

'Chúng tôi không chỉ chờ đợi các chỉ dẫn của WHO mà còn dùng dữ liệu thu thập được để quyết định hành động sớm' - ông Phạm Quang Thái - Phó trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại Viện vệ sinh dịch tễ Quốc gia nói với CNN.

Đến đầu tháng 1, việc kiểm tra nhiệt độ đã được thực hiện đối với du khách từ Vũ Hán đến sân bay Nội Bài. Các khách du lịch bị sốt cũng được cách ly ngay và theo dõi chặt chẽ. Giữa tháng 1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu các cơ quan nhà nước thực hiện biện pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào Việt Nam, tăng cường kiểm dịch y tế tại cửa khẩu, sân bay, cảng biển.

Vào ngày 23/1, Việt Nam xác nhận 2 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên. Đó là 1 người Trung Quốc sống tại Việt Nam và cha anh - người đi từ Vũ Hán đến để thăm con trai. Ngày hôm sau, các nhà chức trách quyết định hủy tất cả các chuyến bay đến và đi Vũ Hán.

Dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam khi cả nước đang chuẩn bị nghỉ lễ Tết Nguyên Đán - kỳ nghỉ lớn nhất trong năm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên chiến với dịch bệnh bằng câu nói: 'Chống dịch như chống giặc' vào ngày 27/1. 3 ngày sau, ông thành lập một ban chỉ đạo quốc gia về việc kiểm soát dịch Covid-19 - cùng thời điểm WHO tuyên bố virus SARS-CoV-2 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu.

Ngày 1/2, tất cả các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc đã bị dừng lại. Tiếp theo đó là việc đình chỉ cấp thị thực cho công dân Trung Quốc. Trong suốt tháng 2, Việt Nam đã ra các lệnh kiểm dịch rồi đình chỉ thị thực với người dân một số quốc gia khác khi dịch bệnh có dấu hiệu lan rộng ra toàn thế giới. Cuối cùng, vào cuối tháng 3, Việt Nam đình chỉ nhập cảnh với tất cả người nước ngoài.

Cùng với đó, Việt Nam cũng nhanh chóng thực hiện các biện pháp cách ly chủ động. Vào ngày 12/2, Việt Nam đã phong tỏa một cộng đồng khoảng 10.000 người ở Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) và kéo dài lệnh đó trong suốt 20 ngày khi ở vùng này có 7 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây được coi là lệnh phong tỏa quy mô lớn đầu tiên được biết đến bên ngoài Trung Quốc trong đại dịch Covid-19. Các trường học dự kiến sẽ hoạt động trở lại vào tháng 2 sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán đã được lệnh đóng cửa và chỉ mở lại vào tháng 5. Thwaites cho rằng tốc độ phản ứng rất nhanh chóng của người Việt Nam là lý do chính khiến Việt Nam thành công trong việc chống lại Covid-19.

Truy tìm dấu vết tỉ mỉ

Việc hành động sớm mang tính quyết định trong việc ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Đến ngày 16/2, Việt Nam chỉ có 16 ca bệnh được phát hiện và con số này đứng yên trong 3 tuần liên tiếp cho đến khi một làn sóng dịch thứ 2 đến: người Việt Nam trở về từ nước ngoài.

Sau khi có những trường hợp mắc bệnh mới, cơ quan chức năng đã quyết định truy tìm nghiêm ngặt các liên hệ của bệnh nhân Covid-19 về từ nước ngoài và đưa họ vào cách ly bắt buộc 2 tuần. Một chuyên gia về y tế Việt Nam nói với CNN: 'Chúng tôi có một hệ thống y tế công cộng rất mạnh với 63 CDC (trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh) cấp tỉnh, hơn 700 CDC cấp huyện và hơn 11.000 trung tâm y tế cấp xã. Tất cả đều truy tìm dấu vết những người liên quan đến bệnh nhân Covid-19'.

Ở Việt Nam, một bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 phải cung cấp cho cơ quan y tế danh sách tất cả những người mà anh ta hoặc cô ta gặp trong 14 ngày. Thông tin về các ca bệnh mới được đăng tải trên phương tiện truyền thông để thông báo cho người dân về những nơi người bệnh đã đến, kêu gọi mọi người đến cơ quan y tế để xét nghiệm.

Khi bệnh viện Bạch Mai - một trong những bệnh viện lớn nhất cả nước trở thành tâm dịch Covid-19 với hàng chục ca nhiễm vào tháng 3, cơ quan chức năng đã áp dụng chính sách cách ly nơi này và theo dõi gần 100.000 người liên quan đến bệnh viện, bao gồm cả nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà....

Nỗ lực truy tìm dấu vết của virus SARS-CoV-2 được làm rất tỉ mỉ mà theo CNN là Việt Nam còn theo dõi cả những người có tiếp xúc với người có liên hệ với bệnh nhân. Thwaites ngạc nhiên nói với CNN: 'Đó là một trong những phản ứng đáng kinh ngạc về dịch bệnh. Tôi không nghĩ rằng có quốc gia nào khác trên thế giới thực hiện kiểm dịch đến mức đó'. Tất cả những người có tiếp xúc với bệnh nhân ở Việt Nam đều được cách ly tại các trung tâm y tế, khách sạn hoặc cơ sở của quân đội. Một số người thuộc diện F2 được yêu cầu tự cô lập ở nhà.

Nghiên cứu cũng cho thấy, trong 270 bệnh nhân Covid-19 đầu tiên của Việt Nam, 43% là các trường hợp không có triệu chứng. Điều này càng làm rõ hơn giá trị của việc theo dõi và kiểm dịch nghiêm ngặt của Việt Nam. Nếu cơ quan chức năng không chủ động tìm những người có nguy cơ lây nhiễm, virus có thể âm thầm lây lan trong cộng đồng vài ngày trước khi bị phát hiện.

Hệ thống truyền thông hiệu quả

Ngay từ khi dịch bệnh mới bùng phát, cơ quan chức năng Việt Nam đã thông báo rõ ràng và chi tiết về dịch bệnh này với người dân. Các website cập nhật số liệu, đường dây nóng điện thoại, app điện thoại được thiết lập để công chúng có những thông tin mới nhất về virus SARS-CoV-2 cũng như được tư vấn y tế tỉ mỉ. Bộ Y tế cũng thường xuyên nhắc nhở người dân tuân thủ quy định chống dịch thông qua tin nhắn SMS.

Một chuyên gia y tế của Việt Nam cho biết, chỉ tính riêng đường dây nóng quốc gia trong 1 ngày có thể nhận được tới 20.000 cuộc gọi, không tính đường dây nóng của các tỉnh và huyện.

Việt Nam huy động một bộ máy truyền thông khổng lồ nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức với dịch bệnh. Các hệ thống loa, áp phích cổ động, báo chí, mạng xã hội đều được tận dụng một cách tối đa. Vào cuối tháng 2, Bộ Y tế đã phát hành một video âm nhạc hấp dẫn dựa trên bản hit của Vpop có tên 'Ghen Cô Vy' để hướng dẫn người dân rửa tay đúng cách và thực hiện các biện pháp phòng dịch khác. Bài hát được biết đến trên toàn thế giới, thu hút 48 triệu lượt xem trên Youtube và 'vũ điệu rửa tay' trên nền nhạc của nó cũng được chú ý.

Thwaites cho biết Việt Nam có kinh nghiệm phong phú về chống dịch bệnh truyền nhiễm khi đã từng đối phó với dịch SARS, dịch cúm gia cầm. Đây cũng là yếu tố giúp cơ quan chức năng chuẩn bị tốt hơn trong đại dịch này. Ông nói thêm: 'Người dân đất nước này hiểu được rằng các biện pháp phòng dịch cần được thực hiện nghiêm túc và tuân theo hướng dẫn của chính phủ để ngăn chặn dịch bệnh lây nhiễm'.

T.T -;Theo CNN

Chủ đề khác