VnReview
Hà Nội

Vì sao Covid-19 ảnh hưởng đến Mỹ Latinh khủng khiếp đến vậy?

Trong vài tháng khi Covid-19 mới bùng phát, khu vực Mỹ Latinh chứng kiến phần còn lại của thế giới chịu đựng sự lân lan khủng khiếp của đại dịch này. Giờ đây, đến lượt họ căng mình chống đỡ Covid-19.

Brazil hỗn loạn vì COVID-19, tổng thống trông đợi vào thuốc chống sốt rét, dự trữ cả cho mẹ già 93 tuổi

'Đây là tâm chấn mới của đại dịch', Tiến sĩ Marcos Espinal, giám đốc phụ trách các bệnh truyền nhiễm của tổ chữ Pan American Health nói với CNN. Ông cho rằng nhiều tháng sau khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại 1 tỉnh của Trung Quốc thì nó đã và đang 'đổ bộ' một cách mạnh mẽ vào khu vực Mỹ Latinh.

Mỹ Latinh có 33 quốc gia thì đã ghi nhận 920.000 người nhiễm Covid-19 và gần 50.000 trường hợp tử vong. Con số này đang tăng nhanh từng ngày và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều đáng lo ngại là trong khi dịch bệnh tại Mỹ, châu Á, châu Âu đang có phần suy giảm thì khu vực Mỹ Latinh là nơi còn lại duy nhất của thế giới bùng phát dữ dội.

Trong một cuộc trò chuyện giữa một số cựu nguyên thủ quốc gia, nhà dịch tễ học, nhà nghiên cứu hàng đầu khu vực, nhiều ý kiến cho rằng phản ứng của các quốc gia Mỹ Latinh là quá chậm dẫn đến mức độ lan truyền SARS-CoV-2 nghiêm trọng như hiện nay. Các chuyên gia cũng gần như đồng nhất quan điểm rằng mọi chuyện tại khu vực này có thể sẽ còn trở nên tồi tệ hơn.

Những ngôi mộ được đào trên một khu vực rộng lớn ở nghĩa trang Vila Formosa, ngoại ô Sao Paulo, Brazil ngày 22/5.

Đến lượt Mỹ Latinh căng mình chống dịch

Mỹ Latinh ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19 vào tháng 2, đó là một người đàn ông 61 tuổi có kết quả xét nghiệm dương tính tại Sao Paulo, Brazil sau khi trở về từ Ý. Trong nhiều tuần sau đó, mọi thứ dường như trong tầm kiểm soát khi số trường hợp nhiễm bệnh chỉ tăng nhẹ. Người đầu tiên tử vong vì Covid-19 được xác nhận ở khu vực này là tại Argentina vào ngày 7/3.

Tuy nhiên, thời điểm đó, một số người đã cảnh báo về việc Covid-19 có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến khu vực Mỹ Latinh. Trong một bài phỏng vấn ngày 19/3, Miguel Lago, một chuyên gia y tế công cộng ở Brazil đã cho rằng Mỹ Latinh không chuẩn bị để đối phó với SARS-CoV-2 và khu vực này sẽ phải chịu hậu quả còn hơn cả châu Âu. Ông cho biết: 'Mỹ Latinh có thể trở thành nạn nhân lớn nhất của Covid-19 nếu cơ quan y tế của các nước không hành động ngay lập tức'.

Những lời của Miguel Lago như báo trước thảm cảnh hiện tại ở Mỹ Latinh. Đến giữa tháng 5, khu vực này đã báo cáo số người nhiễm Covid-19 hàng ngày cao hơn cả Mỹ và châu Âu. Brazil hiện tại đã vượt qua Ý, Anh và Nga để trở thành nước có số người dương tính với virus SARS-CoV-2 cao thứ 2 thế giới. Sự thiếu hụt các máy xét nghiệm ở một số quốc gia đang làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu số trường hợp nhiễm bệnh ở khu vực này còn cao hơn cả các báo cáo.

Sự lơ là của cơ quan chức năng tại Mỹ Latinh

Báo chí thế giới đã rầm rộ viết về virus SARS-CoV-2 ở Trung Quốc vào tuần đầu tiên của tháng 1/2020. Đến ngày 1/3, các chuyên gia y tế trên toàn cầu đã cảnh báo về một đại dịch không thể ngăn chặn nổi. Nhưng những điều đó có vẻ như bị một số nước tại Mỹ Latinh bỏ ngoài tai. Ông Luis Guillermo Solís - cựu Tổng thống Costa Rica nói: 'Có một vài ví dụ tồi tệ về cơ quan chức năng một số nước không quan tâm đến đại dịch và một số tổng thống cũng không chọn cách hành động để chống lại Covid-19'. Ông đặc biệt chỉ đích danh người đứng đầu 2 nước thuộc dạng lớn nhất Mỹ Latinh và Brazil và Mexico. 2 nước này chiến khoảng 1/2 tổng dân số của khu vực.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro thường xuyên có những phát ngôn khinh thường đại dịch và coi nó chỉ là một 'bệnh cúm nhỏ'. Khi dịch bệnh ở đất nước này đang bùng phát dữ dội với số người nhiễm bệnh tăng theo cấp số nhân với khoảng 500.000 người nhiễm bệnh, hơn 29.000 người tử vong thì tổng thống Bolsonaro vẫn xuống đường để liên tục tham dự các cuộc biểu tình lớn chống lệnh cách ly của Thống đốc các bang.

Tổng thống Jair Bolsonaro cho rằng mối đe dọa Covid-19 thực sự đến từ lệnh phong tỏa của thống đốc các bang trên khắp Brazil. Không chỉ vậy, nó còn gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế. Tuy nhiên, đa phần người dân nước này lại cho rằng nếu không có các biện pháp cách ly thì tình hình ở Brazil lúc này còn tồi tệ hơn nhiều.

Tổng thống Mexico - López Obrador đã kêu gọi người dân ở nhà và cho phép các công ty, doanh nghiệp nước này đóng cửa trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích rằng thông điệp ông đưa ra không rõ ràng và khiến công chúng hoài nghi về mối đe dọa chết người của virus SARS-CoV-2.

Mexico hiện đã có khoảng 85.000 người nhiễm bệnh và 9.400 trường hợp tử vong liên quan đến virus SARS-CoV-2. Một số quan chức y tế của nước này cho rằng con số thực tế có thể cao hơn do tỷ lệ xét nghiệm của Mexico thấp hơn khá nhiều nước trong khu vực.

Kiểm dịch chặt không giải quyết mọi thứ

Việc thiếu phản ứng với dịch bệnh ở Brazil và Mexico được coi là ngoại lệ trong khu vực. Cựu tổng thống Costa Rica - ông Solis cho rằng phần lớn các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh đã làm đúng. Ông nói: 'Bạn phải cách ly trên diện rộng và ngừng tiếp nhận người nước ngoài vào trong quốc gia của mình'.

Peru, Chile và Ecuador đều đã đóng cửa biên giới từ giữa tháng 3 và nhanh chóng áp dụng những biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt. Tuy nhiên, 2 tháng sau, Peru trở thành quốc gia có số người nhiễm Covid-19 nhiều thứ 2 ở Mỹ Latinh, Chile đứng thứ 3 còn thành phố Guayaquil ở Ecuador trải quả thảm họa vì dịch bệnh.

Tình hình của những quốc gia kể trên xấu đi dù họ có nỗ lực rất lớn trong việc cách ly và đóng cửa biên giới. Lý giải về vấn đề này, một số chuyên ra chỉ ra rằng các biện pháp phòng ngừa ở Peru, Chile hay Ecuador không hiệu quả do bất bình đẳng xã hội quá lớn và việc thiếu đầu tư vào hệ thống y tế công cộng.

Theo đó, Mỹ Latinh là khu vực có một sự bất bình đẳng trong kinh tế và xã hội thuộc dạng cao nhất thế giới dẫn đến số lượng lớn người dân phải tham gia 'nền kinh tế phi chính thức'. Đây là những người không kiếm được tiền lương từ những công việc tại các công ty hợp pháp mà phải tham gia công việc như bán hàng rong, dọn dẹp nhà cửa, đánh giày... Họ không có nhiều tiền và chắc chắn không được nghỉ ốm.

Ông Carin Zissis, một chuyên gia của Americas Society and Council of the Americas cho rằng: 'Nếu cách ly toàn bộ xã hội, những người nghèo sẽ không thể tự nuôi mình và càng không thể nuôi sống gia đình'. Theo diễn đàn kinh tế thế giới, khoảng 55% tổng số người lao động ở Mỹ Latinh làm việc trong 'nền kinh tế phi chính thức', tổng cộng là gần 140 triệu người. Carlos Malamud - một nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoàng gia Elcano của Tây Ban nha nói: 'Rất khó để các chỉnh phủ của khu vực Mỹ Latinh duy trì các biện pháp cách ly vì có quá nhiều người dân phải ra ngoài hàng ngày để kiếm sống'.

Chênh lệch thu nhập lớn trong xã hội ở một số nước Mỹ Latinh khiến việc đảm bảo cho người dân đều có nhà ở là không thể. Hàng triệu người đổ dồn về các khu ổ chuột tại ngoại ô các thành phố lớn, đông đúc, thiếu an toàn. Ở đó, có khi cả một gia đình hàng chục người sống chung trong 1 - 2 căn phòng.

Sự chênh lệch xã hội quá lớn như kể trên khiến nhiều chuyên gia cho rằng các biện pháp cách ly xã hội ở Mỹ Latinh là rất khó khăn. Họ cũng thiếu đầu tư vào hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng khi đại đa số các quốc gia ở khu vực này đầu tư dưới 6% GDP vào y tế công cộng. Điều đó khiến các bệnh viện công thường xuyên quá tải. Đại dịch Covid-19 đến và đẩy một số bệnh viện công ở Ecuador, Peru, Brazil đầy ắp bệnh nhân, không thể tiếp nhận thêm nữa.

Điều gì sẽ xảy ra với Mỹ Latinh?

Khu vực này cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, hiện tại phải đối mặt với 2 mục tiêu đó là làm sao để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 trong khi vẫn phải tái khởi động nền kinh tế. Tuy nhiên, theo CNN với khu vực Mỹ Latinh thì cả 2 mục tiêu dường như đều rất khó đạt được.

Tổ chức Pan American Health cho rằng dịch bệnh ở Mỹ Latinh có thể sẽ tiếp tục bùng phát dữ dội trong vài tuần tới. Các phỏng đoán khác dự báo số người chết vì Covid-19 ở Brazil có thể lên đến 125.000 người vào tháng 8. Ông Diez Roux - trưởng khoa dịch tễ học của Đại học Drexel cho rằng: 'Chúng ta sẽ thấy nhiều cái chết hơn vì SARS-CoV-2 trong thời gian tới ở khu vực Mỹ Latinh'.

Các hệ thống y tế công cộng ở khu vực này cũng nhiều khả năng sẽ không thể theo dõi, cách ly trường hợp nhiễm bệnh mới trên quy lớn. Trong khi, biện pháp kiểm dịch kể trên là rất quan trọng để chống Covid-19.

Theo Liên hợp quốc, Mỹ Latinh sẽ có mức giảm GDP trong năm nay là 5,3% - mức giảm lớn nhất kể từ khi con số này được thống kê vào năm 1900. Thêm vào đó, 30 triệu người ở đây sẽ rơi vào cảnh nghèo khó.

Người nghèo ở Mỹ Latinh sẽ dễ bị nhiễm Covid-19 hơn vì điều kiện sống tồi tệ và việc họ bắt buộc phải đi làm dù dịch bệnh tồi tệ đến mức nào. Và rồi, virus SARS-CoV-2 sẽ khiến số người nghèo tăng lên nhiều hơn, điều kiện sống tồi tệ hơn và nhu cầu ra ngoài kiếm tiền lớn hơn. Theo CNN, đó là một chu kỳ tàn bạo và cho thấy hình ảnh tương lai của Mỹ Latinh - khu vực mà các tác động ngắn hạn và dài hạn của Covid-19 được nhìn thấy rõ nét nhất.

T.T;theo CNN

Chủ đề khác