VnReview
Hà Nội

Tập trung chống tín dụng đen hoành hành trên mạng

Hoạt động cho vay qua app thời gian qua đã biến tướng như là một hình thức tín dụng đen, nhưng phức tạp hơn do hoạt động trên môi trường mạng. Thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tập trung đấu tranh với loại hình tội phạm này.

Phần lớn các app cho vay là hoạt động tín dụng đen trên môi trường mạng - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Một lãnh đạo Công an TP.HCM đã khẳng định với Tuổi Trẻ như vậy bên lề hội nghị sơ kết quy chế phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước TP.HCM và Công an TP.HCM trong lĩnh vực ngân hàng, được tổ chức vào ngày 4/6.

Dễ vay, khó trả

Cũng theo vị này, tín dụng đen giăng bẫy người vay theo kiểu tờ rơi hoặc dán quảng cáo ở cột điện, trên tường... nay đã "lạc hậu" trong thời đại 4.0, nhường chỗ cho các ứng dụng (app), vì ai cũng cầm điện thoại. Các ứng dụng cho vay này hoạt động như một hình thức tín dụng đen, với lãi suất "cắt cổ" như dư luận phản ánh thời gian qua.

"Hơn 50% người vay tiền tín dụng đen là vay không chính đáng nên không thể tiếp cận vốn ngân hàng. Một số ít khác có nhu cầu vay chính đáng nhưng không đủ điều kiện để vay. Thấy vay qua app quá dễ nên nhiều người đã vay thử, tưởng giải quyết được việc nhưng dính vào rồi sẽ không rút chân ra được", vị này nói.

Trong khi đó, việc đấu tranh với hoạt động cho vay qua app gặp nhiều khó khăn hơn vì trên môi trường mạng. "Đương nhiên cơ quan chức năng sẽ tập trung đấu tranh và xử lý hoạt động tín dụng đen trá hình này. Nhưng các nhà cung cấp Internet, nhà mạng cần chú ý chắt lọc, không thể để cho họ dễ dàng tung hoành như thế", vị này đề nghị.

Trước đó, cơ quan công an đã phá đường dây cho vay lãi suất hơn 1.000% đứng sau là những "ông chủ" người Trung Quốc, và ngày 2-6 cơ quan chức năng đã phong tỏa tòa nhà nơi đặt trụ sở của app cho vay Cashwagon - một trong những app cho vay với lãi suất cắt cổ từng bị nhiều nạn nhân lên tiếng tố cáo về các chiêu trò khủng bố để đòi nợ.

Làm tiền giả ngay trong nước!

Cũng tại hội nghị, bà Lê Thị Thanh Hằng, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, cho biết dù chất lượng đồng tiền không ngừng được cải tiến, các yếu tố bảo an với kỹ thuật ngày càng cao, nhưng tội phạm tiền giả cũng sử dụng công nghệ để làm tiền giả ngày càng tinh vi. Hơn nữa, với mật độ dân cư cao và là trung tâm tài chính lớn, lượng tiền mặt lưu thông chiếm gần 1/3 cả nước, TP.HCM là địa bàn thường bị tội phạm lợi dụng để tiêu thụ tiền giả.

Ông Nguyễn Sỹ Quang, phó giám đốc Công an TP.HCM, cho biết trong đầu tháng 6-2020, Công an TP.HCM vừa bắt một vụ, thu giữ 120 triệu đồng tiền giả. Trong thực tế, các đối tượng đã chuyển mua tiền giả từ nước ngoài sang sản xuất trong nước với công nghệ giả ngày càng tinh vi nên rất khó nhận biết.

Dẫn trường hợp đối tượng làm tiền giả bị bắt tại Đắk Nông cho biết đã học cách làm trên... tivi, ông Quang cho biết một số đối tượng làm tiền giả lợi dụng chính nội dung tuyên truyền về cách nhận biết tiền giả của cơ quan chức năng để "nhái" sao cho giống tiền thật nhất!

Tội phạm công nghệ cao ngày càng phức tạp

Công an TP.HCM dự báo trong thời gian tới, tội phạm liên quan đến lĩnh vực ngân hàng sẽ ngày càng phức tạp. Do đó, Phòng an ninh kinh tế sẽ phối hợp với các ngân hàng để nghiên cứu, tìm giải pháp hiệu quả hơn nhằm ngăn chặn tội phạm, chứ không để xảy ra rồi mới triệt phá.

Theo thống kê trong năm 2019, Công an TP.HCM đã bắt giữ 24 đối tượng, thu giữ 444 tờ tiền giả loại mệnh giá 500.000 đồng cùng nhiều bộ thiết bị, phương tiện và vật liệu làm tiền giả, triệt phá nhiều ổ nhóm làm tiền giả trong nước. Đặc biệt, nhiều đối tượng dùng tiền giả đi mua ma túy. Khi phát hiện tiền giả, các đối tượng bán ma túy không trình báo, mà tìm cách đưa số tiền giả này vào lưu thông.

Theo Tuổi Trẻ

Chủ đề khác