VnReview
Hà Nội

Trung Quốc sắp hoàn thành hệ thống định vị Bắc Đẩu, phấn đấu sớm cạnh tranh với GPS

Hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu của Trung Quốc sẽ sớm trở thành đối trọng nguy hiểm với GPS, Galileo hay GLONASS.

Theo dự kiến, hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu do Trung Quốc đầu tư sẽ hoàn tất vào cuối tháng 6 khi vệ tinh cuối cùng của hệ thống này đã đi vào quỹ đạo sau khi được phóng lên hồi tháng 5 vừa qua.

Việc sở hữu trong tay một hệ thống định vị của riêng mình giúp Trung Quốc có thể tự chủ hơn, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào hệ thống GPS của Mỹ trong bối cảnh căng thẳng thương mại và chính trị giữa hai nước đang ngày càng leo thang.

Theo Reuters, Trung Quốc lần đầu đưa ra ý tưởng về mạng lưới vệ tinh Bắc Đẩu vào những năm 1990. Lúc đó quân đội Trung Quốc muốn giảm sự phụ thuộc vào hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của quân đội Mỹ và tránh nguy cơ bị do thám.

Trung Quốc lần đầu phóng các vệ tinh thuộc mạng lưới định vị Bắc Đẩu vào năm 2000. Lúc này, các vệ tinh chỉ hoạt động trong phạm vi của Trung Quốc nhưng sau đó, số vệ tinh phóng lên vũ trụ dần tăng lên. Tới năm 2012, mạng lưới vệ tinh Bắc Đẩu mới bao trùm toàn bộ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Tới năm 2015, Trung Quốc tiếp tục triển khai thế hệ vệ tinh thứ ba với mục tiêu sớm phủ sóng trên toàn cầu.

Vệ tinh Beidou-3 và là vệ tinh cuối cùng trong số 35 vệ tinh thuộc hệ thống định vị Bắc Đẩu sẽ được phóng lên vào cuối tháng 6 này. Sau khi hoàn tất, Bắc Đẩu sẽ là hệ thống định vị có nhiều vệ tinh hơn cả GPS (31 vệ tinh), Galileo và GLONASS.

Được biết, Trung Quốc đã chi ít nhất 10 tỷ USD để phát triển hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu.

Khi hoàn tất hệ thống này, độ chính xác của mạng lưới vệ tinh Bắc Đẩu cũng sẽ được cải thiện với độ chính xác lên tới 10cm ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Mức chênh lệch này nhỏ hơn đáng kể so với 30cm của GPS. Các chuyên gia vũ trụ cho rằng, hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu được hưởng lợi lớn từ việc học hỏi kinh nghiệm phát triển của GPS.

Dự kiến, hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu sẽ hỗ trợ giám sát giao thông, theo dõi thiên tai. Trung Quốc dự kiến xuất khẩu công nghệ này tới khoảng 120 quốc gia, chủ yếu là các quốc gia thuộc Sáng kiến Vành đai và con đường. Trong đó, Thái Lan và Pakistan là một trong những quốc gia đăng ký sử dụng dịch vụ định vị Bắc Đẩu sớm nhất từ năm 2013.

Truyền thông Trung Quốc tự tin cho rằng, mảng dịch vụ định vị của nước này sẽ sớm đạt giá trị 57 tỷ USD trong năm 2020.

Tiến Thanh

Chủ đề khác