VnReview
Hà Nội

Vì sao châu Phi y tế yếu kém nhưng vẫn không khủng hoảng nặng nề trước đại dịch Covid-19?

Châu Phi từng được dự đoán sẽ chịu khủng hoảng to lớn vì Covid-19 do hệ thống cơ sở hạ tầng y tế yếu kém. Tuy nhiên, đến hiện tại các quốc gia ở đây vẫn đứng vững trước đại dịch.

Chợ đầu mối lớn nhất Bắc Kinh bùng phát ca nhiễm Covid-19, nguồn lây có thể từ thịt nhập khẩu?

Cách ly xã hội là chìa khóa của châu Phi

Khoảng 1h sáng ngày 28/2, điện thoại di động của Tiến sĩ John Nkenasong - giám đốc CDC châu Phi reo khi ông đang ở Addis Ababa (thủ đô Ethiopia). Cơ quan chức năng Nigeria gọi cho ông báo về vụ việc một doanh nhân người Ý đã dương tính với virus SARS-CoV-2.;

Sau đó, bệnh nhân này cũng bình phục nhưng những ngày tiếp theo, nhiều ca bệnh từ châu Âu đến được phát hiện ở châu Phi. Khi các trường hợp bệnh từ nơi khác đến tăng lên cũng là lúc sự lan truyền dịch bệnh trong cộng đồng bắt đầu. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bắt đầu gióng lên hồi chuông cảnh báo và tuyên bố về một cuộc khủng hoảng có thể diễn ra ở châu Phi. WHO cho rằng 'lục địa đen' có thể bị Covid-19 làm cho kiệt quệ bởi hệ thống cơ sở hạ tầng y tế yếu kém.

Bà Melinda Gates (vợ tỷ phú Bill Gates) trong một cuộc phỏng vấn với CNN thậm chí còn nhận định rằng trong tháng 4/2020, những thi thể nhiễm Covid-19 có thể xuất hiện trên đường phố châu Phi. Các quan chức của CDC châu Phi và WHO cho rằng các cảnh báo là rất quan trọng để châu Phi có thể chuẩn bị khẩn cấp cho đại dịch.

Một người làm công việc khử trùng trong khu chợ ở Ghana vào tháng 3/2020

Đến hiện tại, vào giữa tháng 6, châu Phi vẫn chưa xuất hiện những kịch bản thảm khốc vì Covid-19. Điều này khiến cả thế giới bất ngờ và thắc mắc tại sao điều tồi tệ không xảy ra ở đây.

Theo Nkengasong, nhiều quốc gia châu Phi đã có những bước đi đúng đắn và chính sách phù hợp để đối phó với đại dịch. Ông cho rằng, cơ quan chức năng của nhiều nước đã hành động nhanh chóng nhằm đóng cửa nền kinh tế. Điều này đã giúp virus SARS-CoV-2 chậm lây lan trong cộng đồng.

Nam Phi là quốc gia đi đầu trong việc này khi họ đã đóng cửa biên giới với du khách từ những nước có nguy cơ cao và các trường học cũng ngừng hoạt động từ giữa tháng 3. Điều này xảy ra khi đất nước ở cực nam châu Phi ghi nhận khoảng 100 trường hợp nhiễm Covid-19. Tiếp sau đó là một loạt các hành động đóng cửa nền kinh tế mạnh mẽ hơn.

Các chuyên gia cho rằng kinh nghiệm lâu năm đối với với Ebola cùng sự mạnh mẽ trong việc đóng cửa nền kinh tế giúp các quốc gia châu Phi hạn chế đáng kể tốc độ lan truyền của virus SARS-CoV-2. Họ dù còn nhiều khó khăn nhưng thực hiện kiểm dịch quyết liệt.

Cũng theo nhiều chuyên gia, điểm lợi thế của châu Phi trong việc chống dịch chính là mật độ tập trung dân số ở các đô thị khá thấp. Đa phần các quốc gia ở đây có mạng lưới đường xá lạc hậu, dân cư sống ở nông thôn, cách khá xa nhau. Điều này khiến virus ít có cơ hội lây lan hơn.

Một chuyên gia y tế công cộng cho biết dân số trẻ cũng là lợi thế của châu Phi. Hơn 70% người dân ở vùng hạ Sahara dưới 30 tuổi. Điều này giúp sức chống chọi của người dân tốt hơn bởi Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với những người cao tuổi.

Thách thức vẫn còn cho đến khi có vắc xin

Tuần trước, WHO đã thông báo tổng số trường hợp được phát hiện nhiễm Covid-19 ở châu Phi đã tăng gấp đôi sau 20 ngày và cán mốc 200.000 ca. Con số này chiếm chưa đến 3% tổng số người dương tính với SARS-CoV-2 trên toàn cầu nhưng vẫn để lại những nỗi lo và lời cảnh báo đáng chú ý.

Tiến sĩ Nkengasong cho rằng các quốc gia thành viên của CDC châu Phi mới chỉ tiến hành khoảng 1/4 số lượng xét nghiệm cần thiết để có thể chiến thắng virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, những ngày gần đây châu Phi bắt đầu xuất hiện 'điểm nóng' về dịch. Cách đây vài ngày, bộ trưởng y tế Nigeria thừa nhận rằng hơn 1/2 số ca tử vong không rõ nguyên nhân ở nước này là do Covid-19. Không chỉ vậy, tại Kano - phía đông bắc Nigeria đã xuất hiện sự gia tăng của những cái chết bất thường, không rõ lý do.

Các quan chức của WHO cho rằng có rất ít bằng chứng cho thấy châu Phi sẽ trải qua đợt dịch Covid-19 mà các ca bệnh tăng theo cấp số nhân. Tuy nhiên, sự phát triển của virus SARS-CoV-2 vẫn bùng nổ ở đây trong 'âm ỉ'. 'Chúng tôi tin rằng có số lượng lớn các trường hợp nhiễm bệnh và nghiêm trọng đã không bị bỏ qua ở châu Phi. Tuy nhiên, cho đến khi có một loại vắc xin hiệu quả xuất hiện, tôi e rằng có lẽ châu Phi sẽ chứng kiến sự gia tăng ổn định của các ca nhiễm Covid-19' - Tiến sĩ Matshidiso Moeti của WHO phát biểu tại một cuộc họp.

Điều này có nghĩa các chuyên gia cho rằng châu Phi tuy không phát triển dịch quá mạnh như châu Âu hay châu Mỹ nhưng Covid-19 sẽ không kết thúc quá nhanh ở đây. Trong tương lai gần, một số lượng bệnh nhân không nhỏ sẽ xuất hiện và cho đến khi tìm ra vắc xin phòng ngừa Covid-19, rất khó để dịch bệnh chấm dứt ở đây. WHO lo ngại rằng nếu tình hình như vậy cứ tiếp diễn, Covid-19 có thể sẽ đánh bại các cơ sở y tế nghèo nàn, lạc hậu ở châu Phi.

T.T Theo CNN

Chủ đề khác