VnReview
Hà Nội

Vụ doanh nhân bị cướp 35 tỷ: Băng cướp có thực sự 'cướp tài sản' hay không?

Vụ việc doanh nhân Lê Đức Nguyên (tự Lucas, sinh năm 1988) bị cướp số tiền ảo trị giá 35 tỷ đồng thời gian gần đây được rất nhiều người quan tâm bởi tính chất phức tạp và mối quan hệ của những người trong cuộc.

Hàng trăm nhà đầu tư 'tiền ảo' Sky Mining hết hy vọng đòi lại hàng ngàn tỷ đồng

Vì sao có vụ cướp 35 tỷ tiền ảo?

Doanh nhân Lê Đức Nguyên mới 32 tuổi nhưng đã rất nổi tiếng ở thị trường chứng khoán Việt Nam trong những năm gần đây. Ông cũng được coi là một đại gia giàu có, một diễn giả có tiếng trong lĩnh vực tiền ảo.

Năm 2016, người này kêu gọi mọi người đầu tư vào tiền ảo Bitkingdom với lời giới thiệu nó sẽ là ngân hàng tiền ảo lớn nhất thế giới. Ông giới thiệu đồng Bitkingdom chỉ cần đầu tư 10 triệu, sau 3 năm có thể tạo ra khối tài sản 100 tỷ. Sau 1 thời gian, nhiều nhà đầu tư cho biết đồng tiền ảo này đã chuyển thành đồng Ifan.

Tuy nhiên, đến tháng 11/2018, sàn giao dịch đồng Ifan sập kéo theo việc mất trắng 15 nghìn tỷ đồng tiền đầu tư của 32.000 nạn nhân. Ông Lê Đức Nguyên không có tên trong nhóm thủ lĩnh của Bitkingdom nhưng nhiều nhà đầu tư cho rằng ông có vai trò rất quan trọng ở dự án này.

Ông Lê Đức Nguyên từng kêu gọi đầu tư vào tiền ảo Bitkingdom

Đầu năm 2018, ông giới thiệu với nhiều người rằng đã thương lượng thành công với các chuyên gia tài chính nước ngoài để đưa một loại tiền ảo mới có tên Pincoin về Việt Nam. Doanh nhân Lê Đức Nguyên khi đó kêu gọi nhiều người đầu tư vào để cùng tham gia xây dựng thương hiệu cho đồng Pincoin và đổi lại sẽ thu được lợi nhuận khủng.

Để tham gia mua đồng Pincoin, nhà đầu tư trước hết phải nộp tiền ảo Bitcoin vào tài khoản doanh nhân Lê Đức Nguyên. Những người không có Bitcoin thì phải dùng USD để mua Bitcoin rồi chuyển qua Pincoin.

Các nhà đầu tư vào đồng Pincoin cho biết ban đầu một số người được hưởng lợi nhuận từ đồng Pincoin. Bởi lẽ, việc kinh doanh tiền ảo này được thực hiện theo hình thức đa cấp, lấy tiền người sau để trả tiền người trước nhằm tạo hiệu ứng lòng tin. Chỉ vài tháng sau khi vận hành, sàn tiền ảo Pincoin bất ngờ sập mà thông tin được lan truyền là do bị hacker tấn công.

Các nhà đầu tư khi đó không tin và cho rằng ông Nguyên cũng nhóm thủ lĩnh đã tự đánh sập sàn nhằm chiếm đoạt tiền. Sau đó, những người đứng đầu sàn tiền ảo Pincoin biến mất, trong đó có cả doanh nhân Lê Đức Nguyên.

Rất nhiều người vì đầu tư vào Pincoin khi đó đã mất trắng tài sản. Họ đã phải cầm cố tài sản, vay nợ để nộp tiền nên khi sàn sập đã tổ chức truy lùng bằng được ông Nguyên. Sau một thời gian, đến tháng 4/2020, khi biết tin ông Nguyên có mặt ở thành phố Hồ Chí Minh thì nhóm người này đã gặp mặt, lên kế hoạch đòi lại tiền. Vì vậy, không lạ khi một số gương mặt bị bắt trong vụ cướp từng xuất hiện bên cạnh ông Nguyên với tư cách là nhà đầu tư như ông Hồ Ngọc Tài (sinh năm 1989) đầu tư 10 tỷ đồng mua Pincoin.

Ông Lê Đức Nguyên (thứ 4 từ phải vào) và nghi can Hồ Ngọc Tài (thứ 5 từ phải vào);

Cướp 35 tỷ đồng tiền ảo sẽ bị xử lý như thế nào?

Vụ cướp táo tạo 35 tỷ đồng tiền ảo trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây được thực hiện rất tinh vi. Trưa 17/5, doanh nhân Lê Đức Nguyên cùng vợ và con gái đang đi đến đoạn đường dẫn lên cao tốc thì bị một chiếc ô tô từ sau vượt lên va trúng. Tài xế xe này ra hiệu ông xuống xe giải quyết.

Khi doanh nhân Lê Đức Nguyên vừa xuống xe đã bị một số ô tô khác lao đến áp sát, khống chế. Họ lấy đi điện thoại di động trên người ông, giật và rút thẻ nhớ của camera hành trình. Sau đó, những người này áp giải doanh nhân Lê Đức Nguyên và vợ lên 2 xe khác nhau rồi đánh đập, đe dọa buộc ông phải đưa mật khẩu tài khoản tiền ảo. Sau nhiều thao tác, số tiền ảo trị giá 35 tỷ đồng được hung thủ rút rồi bán ra thị trường, thu tiền mặt rồi chuyển vào các tài khoản của nhau.

Sau đó, đến một khu vực vắng vẻ ở quận 2, thành phố Hồ Chí Minh, nhóm thực hiện vụ cướp bỏ gia đình ông Nguyên cùng xe ở vệ đường, mang điện thoại và camera hành trình đi xóa dấu vết. Gia đình nạn nhân tự giải thoát và báo cảnh sát.

Điện thoại của nạn nhân bị bằng cướp lấy đi được cơ quan chức năng thu hồi

Hiện đã có 7 nghi can trong vụ việc bị bắt. Một vài người trong số họ có biết ông Nguyên và từng đầu tư vào đồng Pincoin. Tuy nhiên, hành vi lấy tiền ảo đổi sang tiền thật rồi chia nhau hiện nay ở Việt Nam chưa có cơ sở pháp lý cụ thể để xử phạt. Vì vậy, việc nhóm đối tượng gây ra vụ cướp sẽ bị xử lý thế nào vẫn cần phải chờ kết quả điều tra của cơ quan chức năng.

Bởi lẽ, theo điều 1, nghị định 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của NĐ101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt thì Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Điều này có nghĩa, Bitcoin hay các loại tiền ảo khác không được coi là phương tiện thanh toán, việc cung ứng, phát hành và sử dụng các đồng tiền ảo là không hợp pháp và không được pháp luật công nhận.

Cùng với đó, công văn số 5747/NHNN-PC của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi văn phòng chính phủ trả lời về vấn đề tiền ảo nêu rõ: 'Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm'.

Như vậy, tiền ảo không thể được coi là một loại tài sản bởi không được pháp luật Việt Nam công nhận. Theo Điều 105 Bộ luật dân sự năm 2015 thì: 'Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai'.

Vì tiền ảo không được coi là một loại tài sản nên việc nhóm gây ra vụ cướp ở cao tốc Long Thành - Dầu Giây có bị truy tố tội cướp tài sản không vẫn chưa thể xác định được. Một số chuyên gia cho rằng 2 yếu tố cấu thành tội cướp tài sản là phải có hành vi dùng vũ lực và phải là tài sản. Trong vụ cướp kể trên, dù có sử dụng đến vũ lực nhưng do tiền ảo không được pháp luật công nhận nên nó không phải là tài sản. Theo nguyên tắc suy đoán có lợi cho nghi can thì khi pháp luật không quy định nó là tài sản thì tất nhiên nghi can không bị xử lý về tội cướp tài sản. Có thể, các nghi can sẽ chỉ bị truy tố về hành vi hành hung và bắt cóc nạn nhân.

Một số ý kiến khác lại cho rằng do các nghi can đã lấy tiền ảo và bán lại cho người khác rồi thu lại tiền mặt nên có thể sẽ bị khởi tố tội cướp tài sản vì tiền ảo lúc này đã chuyển thành tiền thật.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng do tiền ảo không được pháp luật công nhận là tiền tệ và việc cung ứng, phát hành nó là hành vi bị cấm nên nó không thể là tài sản hợp pháp. Vì vậy, việc cướp tiền ảo rồi chuyển sang tiền thật có thể sẽ không bị truy tố tội cướp tài sản.

Qua vụ việc các nhà đầu tư chặn xe, bắt cóc doanh nhân Lê Đức Nguyên vừa qua, người dân cần chú ý việc đầu tư vào tiền ảo. Hiện tại, đây là hình thức giao dịch không được công nhận về mặt pháp lý tại Việt Nam. Vì vậy, nhà đầu tư tham gia các sàn giao dịch tiền ảo sẽ phải chịu rủi ro rất lớn. Khi một sàn tiền ảo nào đó gặp vấn đề thì người đổ tiền vào nó sẽ rất khó được pháp luật bảo vệ. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính hiện tại đã có kiến nghị quản lý tiền ảo theo hướng cấm sử dụng giao dịch dưới bất kỳ phương thức nào.

T.T

Chủ đề khác