VnReview
Hà Nội

Khi ứng dụng smartphone thành vũ khí chính trị

Ở thời đại smartphone, màn hình của chiếc điện thoại có thể là một chiến trường địa chính trị. Đầu tháng này, 20 binh sĩ Ấn Độ đã chết trong một cuộc giao tranh với quân đội Trung Quốc tại vùng biên giới trên dãy Himalaya. Vào thứ Hai (29/6), Ấn Độ giáng ngay một đòn mạnh vào các ứng dụng kỹ thuật số trên chiếc smartphone của các công dân nước mình.

Bộ Công nghệ Thông tin của Ấn Độ ra lệnh cấm 59 ứng dụng di động, tất cả đều của Trung Quốc

Theo đó, Bộ Công nghệ Thông tin của Ấn Độ ra lệnh cấm 59 ứng dụng di động, tất cả đều của Trung Quốc, với cáo buộc gây nguy hiểm cho bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư. 59 ứng dụng này bao gồm cả app nhắn tin WeChat và dịch vụ chia sẻ video cực kỳ phổ biến TikTok, thuộc sở hữu của Bytedance, được tải xuống hơn 600 triệu lần ở Ấn Độ.

Cấm cửa các ứng dụng này, Ấn Độ đã đẩy cuộc chiến chống Trung Quốc sang lĩnh vực công nghệ, khiến người tiêu dùng liên quan trực tiếp nhiều hơn vào cuộc xung đột.

Chính quyền Trump đã và đang áp đặt các lệnh hạn chế thương mại đối với các công ty công nghệ và đầu tư của Trung Quốc, với lý do chính phủ Trung Quốc lạm dụng quyền con người và sở hữu trí tuệ. Mỹ đã giúp thuyết phục các đồng minh như Úc và Nhật Bản chặn hãng Huawei Trung Quốc cung cấp thiết bị mạng di động 5G, quy về nhóm tội "các vấn đề an ninh". Các nhà lập pháp Mỹ cáo buộc TikTok quá thân thiết với chính phủ Trung Quốc; cơ quan quản lý cũng đang thăm dò điều tra thương vụ thâu tóm ứng dụng xã hội Mỹ Musical.ly của TikTok.

Trong khi người dùng smartphone Mỹ hầu như không bị bất tiện gì khi chính phủ tấn công các hãng công nghệ Trung Quốc, thì nhiều người tiêu dùng Ấn Độ lại thấy khó tránh lệnh cấm của chính phủ lên các ứng dụng phổ biến của Trung Quốc. Ngoài cuộc chiến trên màn hình smartphone với Trung Quốc này, một số quốc gia cũng đã có những động thái tương tự, chẳng hạn như Nga đàn áp các ứng dụng bao gồm LinkedIn, chính quyền Brazil tạm thời chặn WhatsApp nhiều lần.

Mặc dù các công ty internet Trung Quốc tương đối ít ảnh hưởng ở Mỹ hoặc châu Âu, nhưng họ rất thành công ở thị trường internet khổng lồ Ấn Độ, chiếm hơn 1/3 dân số trực tuyến toàn cầu.

Dữ liệu cho thấy Ấn Độ là thị trường lớn nhất của TikTok về số lượt tải xuống, nhiều hơn cả Trung Quốc. Còn trình duyệt web UC Browser, ứng dụng của công ty con thuộc Alibaba cũng bị cấm tại Ấn Độ, là trình duyệt di động được sử dụng rộng rãi thứ hai ở Ấn Độ sau Google Chrome, với gần 20% thị phần. Các ứng dụng khác trong danh sách cấm này gồm ứng dụng chia sẻ video Kwai, một ứng dụng chị em của Zynn, gần đây đứng đầu bảng xếp hạng song sau đó đã biến mất một cách bí ẩn do có những tuyên bố về ăn cắp nội dung.

Các nhà khai thác cửa hàng ứng dụng như Google và Apple hiện sẽ được yêu cầu ngăn người dùng ở Ấn Độ tải xuống hoặc cập nhật các ứng dụng bị cấm. Chính phủ cũng dự kiến ​​sẽ yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet chặn quyền truy cập vào các dịch vụ này, chặn các ứng dụng đã được tải xuống. Những chiến thuật này phản ánh hệ thống kiểm soát internet của Trung Quốc, bao gồm các biện pháp kiểm soát của chính phủ đối với các cửa hàng ứng dụng và Great Firewall giúp lọc lưu lượng truy cập internet.

Sức ảnh hưởng của các công ty internet Trung Quốc từng khiến các quan chức Ấn Độ lo lắng. Vào năm 2017, Bộ Công nghệ Thông tin Ấn Độ đã mở một cuộc điều tra về UC Browser sau khi Phòng thí nghiệm Công dân của Đại học Toronto tìm thấy các vi phạm quyền riêng tư, bao gồm truyền dữ liệu như số nhận dạng thiết bị và truy vấn tìm kiếm trở lại máy chủ mà không có sự bảo vệ thích hợp. Google và Apple đã loại bỏ TikTok khỏi các cửa hàng của họ tại Ấn Độ trong hai tuần vào năm ngoái sau khi một tòa án ở bang Tamil Nadu kết luận dịch vụ này khiến trẻ em tiếp xúc với nội dung không phù hợp và có khả năng lạm dụng.

Tanvi Madan, một thành viên cao cấp tại Viện Brookings và là tác giả của một cuốn sách gần đây về vai trò của Trung Quốc trong mối quan hệ Mỹ-Ấn, nói rằng: "Đã có những mối lo lắng kéo dài về một số ứng dụng này. Cuộc tranh chấp biên giới có thể trở thành điểm bùng phát đối với các quyết định nằm trong vòng xem xét, lý do riêng tư và an ninh quốc gia".

Trước đây, chính phủ Ấn Độ từng thực hiện lệnh cấm với các dịch vụ internet nước ngoài; vào năm 2016, cơ quan quản lý viễn thông của Ấn đã cấm một dịch vụ Facebook cung cấp truy cập internet miễn phí vì nó không cung cấp truy cập đến tất cả các trang web, vi phạm tính trung lập.

Trung Quốc chưa có phản ứng gì về lệnh cấm mới của Ấn Độ. Theo phân tích, sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu Trung Quốc trả đũa bằng cách chặn các ứng dụng của Ấn Độ, vì Trung Quốc hầu như không chào đón các công ty công nghệ bên ngoài.

Dù phản ứng thế nào, nhiều người Ấn Độ giờ đây đã có thể thấy rằng chiến lược địa chính trị của chính phủ đã ảnh hưởng đến họ, cắt đứt cách thức giao tiếp hoặc thể hiện thông thường của họ. Hàng triệu người dùng TikTok sẽ phải chuyển sang các dịch vụ khác. Những người sử dụng WeChat để liên lạc với bạn bè, gia đình hoặc liên hệ kinh doanh tại Trung Quốc sẽ phải tìm các kênh liên lạc hoặc cách giải quyết khác.

Biện pháp này được đánh giá là một công cụ kiểm duyệt hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng hành động của Ấn Độ gây lo lắng, hỗn loạn cho người dân, ngăn cản họ tiếp cận và tham gia vào sân chơi quốc tế.

Hoàng Lan theo Wired

Chủ đề khác