VnReview
Hà Nội

10 hoạt động có thể khiến bạn bị nhiễm COVID-19 sau khi hết cách ly

Hiện tại, chúng ta đều biết mang khẩu trang và dãn cách xã hội là hai biện pháp ngăn chặn sự lây nhiễm của COVID-19 hiệu quả nhất. Nhưng liệu có an toàn để đi cắt tóc hay qua nhà bạn bè ăn tối không? Dù mọi tình huống đều độc nhất có những yếu tố tác động khác nhau, các chuyên gia y tế cho biết một số hoạt động sẽ có nguy cơ lây nhiễm thấp hơn số khác.

Hiện nay, cách biện pháp cách ly xã hội đang dần được nới lỏng, cuộc sống đang dần trở về bình thường. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn đang tiếp diễn phức tạp. Do đó, bạn sẽ cần phải trang bị cho mình những hiểu biết về nguy cơ lây nhiễm từ những hoạt động bạn có thể sẽ tham gia sau cách ly. Tốt nhất, bạn nên hạn chế tham gia các hoạt động có nguy cơ lây nhiễm từ trung bình đến cao để giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc với virus.

Những hoạt động được liệt kê dưới đây được xếp theo mức nguy cơ khiến bạn bị nhiễm COVID-19 hoặc lây nhiễm cho người khác từ cao đến thấp. Danh sách này được xây dựng dựa trên các tài liệu hướng dẫn của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) và bác sĩ Sandra Kesh, chuyên khoa bệnh truyền nhiễm.

"Hầu hết các hoạt động này đều có nguy cơ ở mức độ nào đó và nó phụ thuộc vào hai yếu tố chính là: môi trường và hoạt động của bạn. Yếu tố khó kiểm soát nhất là những gì diễn ra trong môi trường xung quanh bạn", bác sĩ Kesh nói. Chính vì không thể kiểm soát những gì diễn ra xung quanh khi ra khỏi nhà nên mức độ rủi ro chính xác sẽ được xác định theo từng hoàn cảnh cụ thể.

1. Di chuyển bằng đường hàng không - Mức độ rủi ro: Cao

Ảnh: Getty Images

Trừ khi cực kỳ cần thiết, bạn nên tránh di chuyển bằng đường hàng không cho bến khi có vaccine hay phương pháp điều trị đặc dụng. Theo bác sĩ Kesh cho biết, máy bay và sân bay là một trong những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao nhất.

Có quá nhiều thứ khiến bạn phải quan tâm khi đến sân bay như làm thủ tục, kiểm tra an ninh, tìm đường đến cổng ra máy bay… Cho nên, những quy tắc như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay sẽ bị gạt sang một bên. Vì vậy, dù có ý thức tốt đi nữa thì đôi lúc các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm cũng sẽ bị xao nhãng.

Một vấn đề nữa là sân bay là nơi tập trung người từ tứ xứ, trong đó cả những người đến từ những vùng có nguy cơ lây nhiễm cao. Ngoài ra, một khi đặt chân lên máy bay, việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m là bất khả thi, dù cho bên cạnh bạn không có người ngồi đi nữa. "Khi máy bay chuẩn bị cất cánh, không khí sẽ dừng lưu thông trong khoang máy bay. Nếu bạn có bật quạt thì cũng chỉ có không khí ở vị trí bạn ngồi di chuyển. Đây là trường hợp xấu nhất vì chỉ một người nhiễm virus cũng có thể lây cho cả chiếc máy bay", bác sĩ Kesh nói.

Biện pháp

Nếu buộc phải đi máy bay, hãy đeo khẩu trang mọi lúc. Cố gắng lựa chọn chuyến bay có ít khách nhất, dù phải chọn khung giờ không thuận tiện. Bạn cũng nên làm việc với các hãng hàng không về cách xử lý của hãng trong tình hình bệnh dịch để có sự lựa chọn an toàn nhất.

Khi lên máy bay, bạn cần lau sạch ghế và bàn ăn phía trước bằng khăn khử trùng. Nếu có thể, hãy mang theo bọc ghế riêng. Sử dụng dung dịch sát khuẩn tay ngay sau khi chạm vào những nơi người khác cũng có thể chạm vào, nhất là sau khi đi vệ sinh.

2. Đến quán bar - Mức độ rủi ro: Cao

Ảnh: Getty Images

Theo bác sĩ Kesh cho biết, các quán bar là nơi có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19. Đầu tiên, bia rượu ít nhiều cũng sẽ làm bạn chếch choáng, do đó khả năng bạn và người xung quanh quên các biện pháp phòng tránh dịch tăng cao.

"Quán bar còn rất ồn ào, bạn sẽ phải hét to để gọi đồ uống tại quầy hoặc khi nói chuyện với người bên cạnh. Đây thật sự là nơi hoàn hảo khi nói về không gian lây nhiễm". Một nguy cơ khác là việc khử trùng. Lần cuối bạn thấy một quán bar được lau dọn sạch sẽ là khi nào? Khả năng các quán bar đề cao việc khử trùng là không cao, có thể có những nơi làm tốt việc này nhưng nguy cơ lây nhiễm tại quán bar vẫn đáng lo ngại.

Biện pháp

Tốt nhất là bạn nên tránh xa các quán bar. Hiện tại thì bạn nên uống tại nhà là tốt nhất hoặc lựa chọn các quán ngoài trời.

3. Cắt tóc - Mức độ rủi ro: Cao

Ảnh: Getty Images

Dù nghe có vẻ vô hại những tiệm cắt tóc cũng là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. Thử nghĩ xem trong lúc dịch bệnh, số lần bạn tiếp xúc với người lạ ở khoảng cách ít hơn 2m trong một khoảng thời gian trên 15 phút là bao nhiêu? Chắc hẳn là không nhiều lắm. Tại tiệm cắt tóc, bạn sẽ phải tiếp xúc với thợ cắt tóc trong một thời gian dài và họ có thể mang virus trên người. Thậm chí nếu đeo khẩu trang cũng không thể ngăn chặn virus tuyệt đối, nhất là khi ở khoảng cách gần.

Biện pháp

Bạn nên chọn khung giờ vắng khách, cửa tiệm thông thoáng, tốt nhất chọn những tiệm có quạt gió, cửa sổ, điều hòa. Một số cửa tiệm cũng hạn chế số lượng khách hàng và yêu cầu mọi nhân viên cũng như khách hàng mang khẩu trang để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, bạn nên gọi trước cho tiệm để kiểm tra và đặt lịch cắt. Đồng thời, bạn chỉ nên cắt tỉa tóc và tránh sử dụng thêm các dịch vụ như gội đầu, uốn, nhuộm…

4. Đi ăn tại nhà hàng - Mức độ rủi ro: Trung bình cao

Ảnh: Getty Images

Có nhiều nguyên nhân khiến việc dùng bữa tại nhà hàng có nguy cơ lây nhiễm trên mức trung bình. Đầu tiên, việc chia sẻ không gian với nhiều người lạ làm tăng nguy cơ tiếp xúc nguồn bệnh. Nếu không gian nhà hàng là sân vườn thì nguy cơ lây nhiễm sẽ giảm đi. Đồng thời, bạn và những khách hàng khác sẽ không thể mang khẩu trang khi đang ăn. Ngoài ra, bạn cũng sẽ thường xuyên tiếp xúc gần với phục vụ.

Biện pháp

Cách tốt nhất là bạn có thể mua mang về ăn tại nhà. Kế đó là chọn bàn ăn ngoài trời, bạn nên đảm bảo khu vực ăn uống không quá đông người. Bạn cũng nên kiểm tra xem nhà hàng có thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch hay không, nhân viên có mang khẩu trang không, nhất là trong khu vực bếp.

5. Gặp gỡ bạn bè trong nhà - Mức độ rủi ro: Trung bình cao

Ảnh: Getty Images

Gặp gỡ bạn bè tại nhà phụ thuộc vào số lượng, mức độ quen biết và số lượng người họ đã tiếp xúc trước khi gặp bạn. Nếu nhóm bạn của bạn có ý thức tốt trong thực hiện các biện pháp phòng tránh dịch và có số lượng ít thì việc gặp gỡ họ sẽ có rủi ro thấp hơn so với những nhóm thường xuyên tụ tập bên ngoài.

Theo bác sĩ Kesh cho biết, chúng ta thường có xu hướng thoải mái hơn khi gặp gỡ bạn bè. Đôi lúc sự thoải mái sẽ khiến bạn lơ là và bỏ qua các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và giữ khoảng cách. Chính vì vậy, CDC cũng khuyến cáo người dân hạn chế tối đa các hoạt động gặp gỡ tại nhà để phòng chống dịch.

Biện pháp

Nếu bạn có bạn bè đến chơi, hãy nhắc nhở họ mang khẩu trang và hạn chế số người đến chơi để đảm bảo khoảng cách tổi thiểu. Bạn cũng phải cân nhắc những ai có thể đến nhà của bạn, giờ không phải là lúc làm quen thêm một vài người bạn mới. Bạn chỉ nên tiếp xúc với một nhóm bạn nhỏ mà bạn tin tưởng. Nếu không, bạn chỉ nên gặp bạn bè bên ngoài thay vì mời họ về nhà.

Khi ở trong nhà, bạn nên giữ khoảng cách, mở cửa sổ để không khi lưu thông, bật quạt và điều hòa nếu có.

6. Đến phòng gym ;- Mức độ rủi ro: Trung bình

Ảnh: Getty Images

Phòng gym là một trong những nơi được mở cửa đầu tiên sau cách ly xã hội, nhưng chưa chắc đây đã là nơi an toàn cho bạn. Đầu tiên, yếu tố ảnh hưởng lớn nhất là kích thước phòng tập và lượng người tập. Hai yếu tố trên sẽ ảnh hưởng đến khả năng giữ khoảng cách khi đến phòng gym. Ngoài ra, CDC còn khuyến cáo không tham gia các lớp thể dục cũng như hình thức tập theo nhóm.

Tại phòng gym, mọi người đều thở dốc, lực thở càng mạnh sẽ đẩy virus đi càng xa. Tuy nhiên, việc mang khẩu trang trong khi tập luyện rất khó quản lý. Vì vậy, các phòng tập sẽ cần phải tăng cường lưu thông không khí trong nhà.

Biện pháp

Theo bác sĩ Kesh, bạn nên lựa chọn khung giờ tập vắng người, bạn có thể gọi trước cho phòng gym để hỏi xem liệu họ có giới hạn số người tập không và lượng người đang có mặt tại phòng gym trước khi đến.

Bạn cần lựa chọn những phòng gym có hệ thống lưu thông không khí tốt cũng như có các biện pháp phòng chống dịch khác. Trong khi tập, bạn nên lau sạch mọi thiết bị trước khi sử dụng, tránh dùng chung những vật dụng khó làm sạch như găng tay, băng quấn hay khăn lau.

Nhiều người cho rằng nếu bạn đủ khỏe để đến phòng gym thì bạn không phải lo bị lây nhiễm virus. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng 40% nguồn lây nhiễm xảy ra trước khi có triệu chứng hoặc không có triệu chứng, những người này vẫn hoàn toàn khỏe mạnh. Do vậy, bạn không nên chủ quan khi đến phòng gym.

7. Đi chợ, siêu thị, mua sắm  - Mức độ rủi ro: Trung bình thấp, phụ thuộc vào môi trường xung quanh

Ảnh: Getty Images

Điều quan trọng nhất bạn phải chú ý là cửa hàng có đông người hay không. Tốt nhất là lựa chọn những cửa hàng có hạn chế số người vào mua. Bạn đứng xếp hàng càng lâu thì nguy cơ lây nhiễm càng tăng cao.

Biện pháp

Nên lựa chọn những cửa hàng vắng khách hoặc đi vào giờ vắng. Hãy kiểm tra xem liệu cửa hàng có thực hiện thêm các biện pháp phòng dịch khác như lắp tấm chắn giữa khách hàng và thu ngân, khử trùng xe đẩy sau mỗi lượt sử dụng, đánh dấu vị trí xếp hàng với khoảng cách an toàn…

8. Ăn ở khu vực ngoài trời  - Mức độ rủi ro: Thấp - Trung bình

Ảnh: Getty Images

Nếu có thể đảm bảo khoảng cách và tránh những nơi đông đúc thì ăn tại bàn ngoài trời ít nguy hiểm hơn ăn trong quán. Vấn đề chính là bạn vẫn phải tháo khẩu trang khi ăn và tiếp xúc với phục vụ. Với không khí ngoài trời, thời gian sống của virus ngắn hơn và những giọt dịch cơ thể sẽ phân tán nhanh hơn. Do đó nguy cơ lây nhiễm tuy sẽ thấp hơn nhưng vẫn có vì bạn vẫn phải mở khẩu trang khi ăn.

Biện pháp

Chọn bàn ăn cách xa những người khác. Một số cửa hàng còn lắp tấm chắn giữa các bàn ăn. Quan sát lựa chọn những quán thường xuyên khử trùng bàn ghế, nhân viên có mang khẩu trang. Bạn cũng nên mang khẩu trang nhiều nhất có thể, nhất là trong lúc chờ đồ ăn và khi nói chuyện.

9. Gặp gỡ bạn bè ở khu vực ngoài trời  - Mức độ rủi ro: Thấp - Trung bình

Ảnh: Getty Images

Nếu bạn định gặp gỡ bạn bè, thì khu vực ngoài trời là một lựa chọn sáng suốt. Đặc biệt là những nơi bạn có thể kiểm soát như chính sân vườn của bạn. Bạn có thể kiểm soát được số lượng người đến và giới hạn những người bạn sẽ tiếp xúc. Một ngoại lệ là khi có quá đông người đến và có nhiều người lạ thì nguy cơ lây nhiễm sẽ tăng lên.

Biện pháp

Tương tự như khi gặp gỡ bạn bè trong nhà, hãy hạn chế số người bạn sẽ gặp nhất có thể. Bạn nên mang khẩu trang dù ở ngoài trời và khuyến khích những người khác tuân thủ các biện pháp phòng dịch, cung cấp dung dịch khử khuẩn và chỉ dẫn vị trí rửa tay.

10. Đến công viên  - Mức độ rủi ro: Thấp

Ảnh: Getty Images

Công viên là nơi có rủi ro lây nhiễm thấp và khá lý tưởng vì bạn có nhiều không gian để thực hiện dãn cách. Nhưng nếu công viên có quá đông người và nhiều người không tuân thủ các biện pháp phòng dịch thì nguy cơ lây nhiễm sẽ tăng lên. Bạn cũng có thể sẽ tiếp xúc gần với nhiều người trên đường đến công viên và khi quay về, cho nên bạn cũng cần cân nhắc trước khi di chuyển.

Biện pháp

Công viên vẫn là nơi có nguy cơ lây nhiễm thấp nếu tuân thủ việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2m. Một số công viên có sơn các vạch kẻ để hướng dẫn người dân, tuy nhiên mấu chốt vẫn là ở ý thức chấp hành của mỗi người.

Minh Bảo theo CNET

Chủ đề khác